Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 3/4: Hệ lụy khi lạm dụng thuốc gia truyền chứa corticoid
D.Ngân - 03/04/2024 08:34
Một bệnh nhân uống thuốc gia truyền chứa corticoid hơn 5 năm gây tăng đường huyết kéo dài dẫn đến bệnh tiểu đường.

Lạm dụng thuốc gia truyền chứa corticoid

Bà P.N.T. 60 tuổi, nhà ở Trà Vinh, bị đau nhức xương khớp nên hơn 5 năm nay, nghe người quen giới thiệu, tìm uống một loại thuốc tễ màu đen, được gọi là thuốc gia truyền.

Lạm dụng thuốc gia truyền chứa corticoid sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Mỗi ngày bà uống 20 viên, kéo dài đến 5 năm. Mỗi lần đau nhức, tôi uống thuốc chưa tới 30 phút là hết đau nên nghĩ thuốc tốt. Khi ngừng thuốc, các khớp nhức nhiều hơn nên tôi không dám bỏ thuốc.

Gần đây, bà đau họng, lở loét miệng, đi tiểu 5-6 lần/đêm, khát nước thường xuyên, da khô mỏng dễ bầm và sụt 6kg trong 3 tháng nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị.

Qua khám và xét nghiệm, bác sĩ CKII Trương Thị Vành Khuyên, Khoa Nội tiết- Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, phát hiện bà T. bị tiểu đường, với mức đường huyết khá cao, chỉ số HbA1c (chỉ số đường huyết trung bình trong 2-3 tháng) là 13,12% cao hơn gấp đôi bình thường.

Bác sĩ Khuyên nhận định có rất nhiều nguyên nhân gây ra tiểu đường, riêng trường hợp bà T., nhiều khả năng là do uống thuốc tễ ngậm corticoid.

Gia đình bà không có ai bị tiểu đường nhưng chính thói quen uống mỗi ngày 20 viên thuốc chứa corticoid và uống hơn 5 năm ròng rã khiến đường huyết tăng kéo dài dẫn đến bệnh tiểu đường.

Ngoài phát hiện một loạt bệnh, bà T. còn than phiền vì có những triệu chứng như: rạn da, da mỏng, dễ bầm, tích mỡ ở bụng, mặt tròn, huyết áp cao, đi đứng không vững, đau nhức toàn thân…

Corticoid vốn ra đời dùng để điều trị các tình trạng viêm, giảm đau, sưng, ngứa, giảm dị ứng… là một “trợ thủ đắc lực” để điều trị bệnh hen suyễn, viêm khớp, lupus, bệnh tự miễn, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc corticoid không có chỉ định của bác sĩ, dùng sai cách sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo bác sĩ Khuyên, tác dụng phụ của corticoid tuỳ thuộc liều và thời gian sử dụng. Về mặt y học, corticoid có hơn 30 tác dụng phụ không mong muốn, từ nhẹ đến nặng thậm chí có thể ảnh hưởng đến mạng sống.

Corticoid gây tác dụng phụ lên hệ tiêu hoá như viêm loét dạ dày, thậm chí là xuất huyết tiêu hoá. Trên hệ thần kinh, thuốc có thể gây hưng phấn, loạn thần, rối loạn giấc ngủ, mê sảng, hoang tưởng, rối loạn hành vi.

Corticoid cũng ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể người bệnh, dễ dẫn đến nhiễm trùng cơ hội, bùng phát lao, tăng nguy cơ nhiễm nấm, tăng nguy cơ nhiễm siêu vi cấp tính.

Khi sử dụng kéo dài corticoid gây ra nhiều tác dụng phụ ngay cả với liều thấp. Các tác hại mạn tính kéo dài của corticoid gồm: Biến chứng trên da, niêm mạc: làm da mỏng, dễ bầm, dễ rách.

Corticoid còn gây ra các vết rạn da ở ngực bụng mông đùi, gây dị hoá mỡ, dị hoá đạm gây teo cơ tích mỡ làm cho người bệnh có thân hình béo phì trung tâm (béo bụng). Người dùng corticoid thường có lông, râu, lông mày rậm và dễ nổi mụn.

Biến chứng trên xương: corticoid ức chế sự phát triển của xương và sụn gây chậm tăng trưởng ở trẻ. Với người trưởng thành dùng corticoid kéo dài, tỉ lệ loãng xương khoảng 40%. Các biến chứng như hoại tử chỏm xương đùi, hoại tử xương và teo cơ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến người bệnh.

Các vấn đề tại mắt: tăng nguy cơ đục thuỷ tinh thể, loét giác mạc. Corticoid gây bệnh lý chuyển hoá: corticoid gây các bệnh về chuyển hoá như béo phì, mỡ máu cao, tiểu đường, huyết áp. Các biến chứng khác: rối loạn kinh nguyệt, rối loạn điện giải như nhiễm kiềm chuyển hoá, hạ kali máu.

Theo các bác sĩ, việc lạm dụng nhiều corticoid trong thời gian dài gây ra nhiều tác dụng phụ không tốt với cơ thể, một trong số đó là teo tuyến thượng thận, khiến tuyến thượng thận suy yếu hoặc mất hoàn toàn chức năng tiết hormone cortisol nội sinh.

Khi người bệnh phát hiện ra mình đã sử dụng thuốc có chứa corticoid và ngưng thuốc đột ngột, lúc này cơ thể đã mất phản xạ tạo ra hormone cortisol tự nhiên nên sẽ thiếu hoặc không còn hormone cortisol gây ra tình trạng suy tuyến thượng thận. Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi mơ hồ, chán ăn, buồn nôn và nôn.

Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một cơn suy thượng thận cấp sắp xảy ra, biểu hiện tiếp theo là tụt huyết áp. Nếu không được nhận biết và xử trí kịp thời, người bệnh có thể bị tụt huyết áp kéo dài và tử vong.

Qua đây các bác sĩ khuyến cáo người dân nếu có các triệu chứng bất thường trên cơ thể cần gặp bác sĩ để được khám và điều trị.

Người dân tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống và tự tăng thêm liều thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.

“Một số bệnh nhân đi khám có đơn thuốc uống trong vòng 1-2 tuần, người bệnh không tái khám mà tự ý mua thuốc uống lâu dài cũng gây nguy hiểm cho sức khỏe”, bác sĩ Khuyên chia sẻ thêm.

Ngoài thuốc dạng uống, corticoid còn có ở các loại kem bôi trị viêm ngứa, thuốc hít/xịt trị viêm xoang… Do đó, trước khi sử dụng thuốc cần hỏi ý kiến của bác sĩ để tránh xảy ra biến chứng không mong muốn.

Bé sơ sinh nguy kịch do mắc cúm A kèm rối loạn axít béo

Bé sơ sinh ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng nặng, xét nghiệm cho thấy bé mắc cúm A, viêm phổi do Klebsiella, suy chức năng gan, hạ đường máu, các xét nghiệm về chuyển hóa đều cao.

Theo BSCKII Vũ Thị Thu Nga, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), bệnh nhi là trẻ sinh non 34 tuần, nặng 1.900g điều trị nhiễm khuẩn huyết, hạ đường huyết dai dẳng ở Bệnh viện Nhi Trung ương mới ra viện 30 ngày. Hiện cháu bé được 80 ngày tuổi, đang điều trị ngoại trú rối loạn chuyển hóa bẩm sinh do thiếu hụt L- Carnitine.

Trước khi nhập viện, gia đình phát hiện con nôn, ăn kém, ngủ nhiều, khó đánh thức nên đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp độ 3, hạ đường huyết nghi ngờ đợt cấp của rối loạn chuyển hoá axit béo.

Cháu bé được thở máy và theo dõi đặc biệt. Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ mắc cúm A, viêm phổi do Klebsiella, suy chức năng gan, hạ đường máu, các xét nghiệm về chuyển hóa đều cao. Sau một tuần điều trị, cháu vẫn thở máy không xâm nhập.

Theo bác sĩ Nga, rối loạn chuyển hóa axit béo là hội chứng có tính di truyền trong gia đình. Triệu chứng của bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đôi khi gặp ở người trưởng thành nhưng rất hiếm.

Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khuyến cáo, sàng lọc sơ sinh là biện pháp phòng ngừa tích cực cho nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh axit béo tránh chuyển biến nặng khi đi kèm một bệnh khác.

Cứu bé gái 9 tuổi mắc suy thận mạn

9 tuổi, A.N chỉ nặng chừng 22kg, thấp còi so với bạn bè cùng trang lứa bởi căn bệnh suy thận. Trải qua hơn một năm trời với nhiều thách thức tìm nguồn thận phù hợp, bé gái ở TP.HCM này đã được hồi sinh sau ca ghép thận, tại Bệnh viện Nhi Trung ương. 

Một năm trước, N.A được chẩn đoán mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, kèm theo tăng huyết áp, suy tim, phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần tại Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Việc chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng, lọc máu có thể giúp trẻ duy trì sự sống, nhưng chất lượng cuộc sống của trẻ rất thấp, kèm theo nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng như tăng huyết áp, suy tim.

Vì vậy, ghép thận được xem là phương pháp duy nhất để có thể giúp trẻ duy trì chất lượng cuộc sống và sự phát triển thể chất như trẻ bình thường.

Bác sĩ Trương Thùy Linh, Khoa Thận và Lọc máu cho biết, A.N phải mất gần 1 năm mới đủ điều kiện sức khỏe, các chỉ số ổn định, chức năng tim mạch, nội tiết trong giới hạn cho phép để có thể ghép thận.

Cách đây 3 tháng, bệnh nhi nhiễm sán, vì thế, các bác sĩ tại khoa đã phải phối hợp với các bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất, nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ sau khi ghép dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Đặc biệt, trước khi ghép, bệnh nhi được Trung tâm Nội tiết-Chuyển hóa-Di truyền và Liệu pháp phân tử phân tích kết quả xét nghiệm gene kết hợp đối chiếu với kết quả lâm sàng, nhằm loại trừ các nguyên nhân suy thận do đột biến gene, giúp quyết định ghép thận của các bác sĩ được thực hiện chính xác hơn và có tiên lượng tốt hơn.

Bên cạnh đó, mọi yếu tố từ chiều cao, cân nặng, các chỉ số xét nghiệm máu, tiêm phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, các xét nghiệm sàng lọc người cho thận, hồ sơ pháp lý,… cũng được chuẩn bị đầy đủ trước khi ghép.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Anh Dũng, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp tham gia kíp ghép thận cho bệnh nhi chia sẻ, đây là ca ghép thận thứ 62 thành công của bệnh viện tính từ năm 2004.

Khó khăn khi ghép cho A.N là tĩnh mạch của người cho chia sớm, nên khi nối tĩnh mạch thận của người cho vào người nhận sẽ bị quá dài. Vì vậy, các bác sĩ phải cắt bớt và tạo hình lại 2 nhánh của tĩnh mạch thận trước khi nối lại và ghép cho trẻ.

Sau khi ghép, trẻ được chuyển về Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa để tiếp tục hồi sức sau ghép. Nhờ kỹ thuật ghép thận được các bác sĩ thực hiện tốt, nên quá trình hồi sức bệnh nhi sau ghép cũng nhẹ nhàng và thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây.

Giai đoạn ngay sau ghép thận, ngoài hỗ trợ các chức năng sống thường quy, kiểm soát và phòng, chống nhiễm khuẩn, bảo đảm dinh dưỡng cho bệnh nhi, các bác sĩ luôn lưu ý đến duy trì huyết áp tốt, bảo đảm tưới máu thận tối ưu, bù lại thể tích tuần hoàn, cân bằng nước điện giải do có tình trạng đa niệu ở giai đoạn đầu sau ghép và duy trì các thuốc chống thải ghép.

Sau 7 ngày sau ghép thận, tình trạng bệnh nhi ổn định, tiểu tốt, các chỉ số sinh hóa về chức năng thận, nội tiết trở về giới hạn bình thường, huyết áp được kiểm soát, các vấn đề tim mạch cũng sẽ cải thiện dần khi sức khỏe của trẻ tiến triển.

Bác sĩ Lê Anh Dũng cho biết, ghép thận tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã trở thành thường quy nhiều năm qua, giúp những trẻ suy thận mạn giai đoạn cuối tưởng chừng như hết hy vọng vào sự sống, được tiếp tục cuộc đời còn dang dở. Đây không chỉ là niềm vui, khát khao của bệnh nhi mà cũng là mong mỏi của các y, bác sĩ bệnh viện.

"Chúng tôi cũng hy vọng rằng, nguồn thận hiến tặng sẽ không còn khan hiếm, để việc ghép thận cho trẻ em được tiến hành rộng rãi hơn, nối dài sự sống cho trẻ suy thận mạn giai đoạn cuối", bác sĩ Dũng bày tỏ.

Tin liên quan
Tin khác