Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 3/7: Điều trị cho bệnh nhân sốt mò biến chứng suy đa tạng
D.Ngân - 03/07/2024 08:28
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận và điều trị thành công một bệnh nhân nam 36 tuổi với chẩn đoán sốt mò biến chứng suy đa tạng.
TIN LIÊN QUAN

Cảnh giác với biến chứng của bệnh sốt mò

Bác sĩ Vũ Quang Hưng, Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, tiền sử bệnh nhân không có bệnh lý mạn tính, sinh sống gần đồi núi. Bệnh nhân khởi phát với triệu chứng sốt cao liên tục, mệt mỏi, tự điều trị tại nhà bốn ngày nhưng bệnh không đỡ.

Ảnh minh họa.

Bốn ngày tiếp theo bệnh nhân được điều trị tại hai bệnh viện tuyến trước với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng; được dùng kháng sinh phổ rộng đường tĩnh mạch, phối hợp kháng sinh, lọc máu liên tục, thở máy; tuy nhiên bệnh không cải thiện.

Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng sốt cao, suy đa tạng (trụy mạch, viêm cơ tim, suy hô hấp cấp tiến triển, tổn thương gan thận cấp tính, giảm tiểu cầu).

Đây là tình trạng nhập viện khá phổ biến của bệnh cảnh sốc nhiễm trùng biến chứng suy đa tạng, có thể gây ra do nhiều loại tác nhân vi sinh vật, đòi hỏi điều trị kháng sinh phổ rộng trong khi chờ kết quả phân lập được mầm bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Sỹ Thấu, Khoa Hồi sức Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, qua khám lâm sàng bác sĩ phát hiện vùng ngực phải bệnh nhân có vết loét điển hình của bệnh sốt mò, từ đó chỉ định xét nghiệm và kháng sinh đặc hiệu.

Kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhân có nhiễm Orientia tsutsugamushi, là mầm bệnh gây bệnh sốt mò, phác đồ điều trị đặc hiệu được duy trì. Tình trạng suy đa tạng cải thiện, bệnh nhân được ra viện sau 7 ngày điều trị.

Trước đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tích cực cứu chữa cho một bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, được đặt ống nội khí quản, thở máy, nguy kịch tính mạng do sốt mò.

Bệnh nhân nữ (69 tuổi, ở Phú Xuyên, TP.Hà Nội), vào viện từ 3/6. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm. Trước khi nhập viện 1 tuần, bệnh nhân xuất hiện sốt, kèm mệt mỏi nhiều, không ho, không khó thở, tự điều trị tại nhà không đỡ. Khi xuất hiện khó thở tăng dần, bệnh nhân đến phòng khám tư, chụp cắt lớp ngực có hình ảnh viêm phổi, tràn dịch màng phổi 2 bên.

Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng tỉnh, thở oxy 5l/ph. Vùng nách trái phát hiện có vết loét hoại tử khô, kích thước 1x2cm. Bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ sốt mò.

Sau 2 ngày điều trị, tình trạng bệnh cải thiện chậm, tình trạng hô hấp tiếp tục xấu đi, toan hóa máu nặng, được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, được đặt ống nội khí quản, thở máy.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi có tràn dịch màng phổi do Rickettsia, suy thận cấp, suy tim, rung nhĩ. Tình trạng bệnh nhân rất nặng phải duy trì các thuốc vận mạch (thuốc nâng huyết áp), các thuốc kháng sinh và điều trị lọc máu liên tục.

Sau 5 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân đã có chiều hướng cải thiện rõ, các cơ quan dần hồi phục, bệnh nhân đã có thể rút ống thở để tự thở.

Các bác sĩ cho hay, sốt mò là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do tác nhân Orientia tsutsugamushi, lây truyền qua vết đốt của ấu trùng mò. Bệnh thường khởi phát đột ngột với sốt cao, liên tục, thường đáp ứng tốt với điều trị đặc hiệu, tuy nhiên, có thể tiến triển cấp tính đến suy chức năng đa tạng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Phát hiện ra vết loét điển hình của bệnh sốt mò có thể giúp định hướng sớm chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân. Vết loét điển hình của sốt mò hình thành tại vị trí ấu trùng mò đốt, có hình tròn hoặc bầu dục, đường kính 1 mm đến 2 cm, vẩy nâu nhạt hoặc sẫm màu, thường ở vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, vùng hạ nang, hậu môn, bẹn, nách, cổ, ..., đôi khi ở những vị trí khác trên cơ thể.

Vết loét gặp ở 65-80% trường hợp sốt mò, thường chỉ có một vết loét, hiếm khi có 2-3 vết loét. Đặc điểm của vết loét trong sốt mò là “ba không”, gồm không đau, không ngứa, (do đó) bệnh nhân không biết sự hiện diện của vết loét, vì thế thường chỉ được phát hiện qua thăm khám lâm sàng của bác sĩ.

Theo bác sĩ, vẫn có một tỷ lệ nhất định bệnh nhân sốt mò không có triệu chứng điển hình, đòi hỏi các phương pháp chẩn đoán bổ trợ. Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, xét nghiệm PCR xác định Orientia tsutsugamushi đã được phát triển và áp dụng thường quy trong thực hành lâm sàng, giúp hỗ trợ chẩn đoán kịp thời và chính xác bệnh sốt mò.

Tuy nguy hiểm nhưng bệnh sốt mò có thể dự phòng được. Mò và ấu trùng ưa sống ở nơi đất xốp, ẩm mát, trong các khe hang, ven bờ sông suối, nơi râm mát có bụi rậm và cây thấp.

Khi lưu trú, làm việc tại những nơi có đặc điểm trên và trong vùng dịch tễ của sốt mò nên mang giầy, tất, chít ống quần, tránh ngồi, nằm hoặc để đồ đạc trực tiếp lên mặt đất, bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây. Trường hợp sốt chưa rõ nguyên nhân kèm theo có yếu tố dịch tễ của sốt mò nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Được điều trị tại 2 bệnh viện tuyến trước không phát hiện ra tình trạng bệnh lý gây ra tình trạng sốt cao liên tục, sốc nhiễm khuẩn, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nam bệnh nhân được các bác sĩ tìm ra nguyên nhân sốc nhiễm trùng biến chứng suy đa tạng do bệnh sốt mò. 

Nối thành công cánh tay cho bệnh nhân bị tai nạn lao động

Ngày 30/6, Khoa Chấn thương chung và Vi phẫu, Bộ môn-Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y tiếp nhận bệnh nhân nam Tạ Văn V, 44 tuổi bị đứt rời 1/3 dưới cánh tay trái do tai nạn lao động.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, Khoa Chấn thương chung và vi phẫu đã nhanh chóng làm công tác chuẩn bị, khẩn trương phối hợp Khoa Gây mê, triển khai phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp để nối lại cánh tay trái cho người bệnh.

Kíp phẫu thuật vi phẫu gồm Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Trung, Phó Chủ nhiệm khoa, bác sĩ chuyên khoa I Lê Anh Tú, bác sĩ Trần Hoàng Đạt cùng các bác sĩ, kỹ thuật viên của Khoa Gây mê.

Ca mổ diễn ra trong gần 5 giờ, cánh tay trái bị đứt rời của bệnh nhân đã được nối lại thành công. Hiện tại, phần cánh tay sau khi được trồng nối đã sống tốt và bệnh nhân đang được chăm sóc sau mổ, phục hồi chức năng tại Khoa.

Tiến sĩ Vũ Hữu Trung cho biết, phẫu thuật trồng nối lại các chi thể đứt rời là một loại hình phẫu thuật đòi hỏi các bác sĩ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm về chuyên ngành chấn thương chỉnh hình nói chung và vi phẫu thuật nói riêng, nắm chắc các kỹ thuật vi phẫu chuyên sâu.

Ngoài ra, ca phẫu thuật yêu cầu nhiều trang thiết bị hiện đại chuyên dụng, cùng sự phối hợp, hiệp đồng với nhiều đơn vị, mà quan trọng nhất là Khoa Gây mê do phải phẫu thuật trong thời gian kéo dài, cần bảo đảm vô cảm cho bệnh nhân không bị đau đớn và đồng thời giữ an toàn tính mạng cho bệnh nhân.

Trong trường hợp này, tổn thương của bệnh nhân là do bị cuốn giật, các thành phần tổn thương do cơ chế nhổ giật rất phức tạp kèm theo nhiều yếu tố nguy cơ đối với tình trạng toàn thân của bệnh nhân.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi thấy nạn nhân bị đứt rời chi, người dân cần gọi ngay trung tâm cấp cứu để được hỗ trợ y tế, đồng thời nhanh chóng sơ cứu cầm máu tại đầu mỏm cụt chi thể, bảo quản đúng cách đối với phần chi thể đứt rời và vận chuyển bệnh nhân đến tuyến chuyên khoa chuyên sâu về vi phẫu thuật để thực hiện phẫu thuật trồng nối chi thể kịp thời.

Tin liên quan
Tin khác