Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 4/11: Dừng lưu hành sử dụng sản phẩm Babistar ZinC
D.Ngân - 04/11/2024 09:42
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa có Thông báo số 2758/TB-ATTP đề nghị tạm dừng việc bán, lưu thông, sử dụng hàng hóa lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Babistar ZinC.

Dừng lưu hành sử dụng sản phẩm Babistar ZinC

Lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Babistar ZinC bị đề nghị tạm dừng bán, sử dụng có số LSX: 010224, NSX 29/02/2024, HSD: 28/02/2027.  Tên tổ chức (cơ sở được kiểm tra): Công ty Cổ phần Vstar Pharma.

Ảnh minh họa

Địa chỉ: Số 39 Liền kề 12 Khu đô thị Xa La, Phường Phúc La, Quận Hà Đông, TP. Hà Nội.

Lý do tạm dừng lưu thông do vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa. Công ty Cổ phần Vstar Pharma có trách nhiệm liên hệ với người sản xuất hoặc nhập khẩu để thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục trong thời hạn 07 ngày.

Hàng hóa nêu trên chỉ được phép tiếp tục lưu thông nếu đã thực hiện hành động khắc phục đạt yêu cầu và được cơ quan kiểm tra ra thông báo hàng hóa được tiếp tục lưu thông trên thị trường.

Cần cảnh giác trẻ nhỏ mắc viêm dạ dày, viêm loét đại tràng

Trước đây, trẻ bị đau bụng, cha mẹ thường chỉ nghĩ đến các nguyên nhân do rối loạn tiêu hóa, nhiễm giun sán… Trên thực tế, đây là có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm tình trạng viêm loét dạ dày ở trẻ, bệnh lý vốn dĩ nhiều người nghĩ chỉ gặp ở người lớn.

Gia đình bé L.D.A. (9 tuổi, Hà Nội) sửng sốt khi biết con trai bị đau bụng do bệnh lý viêm dạ dày - loét hành tá tràng, vi khuẩn HP dương tính, thậm chí khi có kết quả đã nghĩ bác sỹ có sự nhầm lẫn vì tuổi con còn nhỏ. 

Mẹ bé A. cho biết, trẻ đau bụng quanh rốn và trên rốn vài tuần nay, đau âm ỉ, xong khoảng 2 ngày nay trẻ đau liên tục hơn, có lúc trội cơn, thường đau tăng sau ăn và về đêm. Bên cạnh đó, trẻ xuất hiện tình trạng chán ăn, cơ thể mệt mỏi.  

Gia đình đưa trẻ tới Bệnh viện Đa khoa Medlatec thăm khám. Tại đây, bệnh nhân được bác sỹ tiến hành thăm khám lâm sàng, chỉ định thực hiện các xét nghiệm và thăm dò chức năng cần thiết phục vụ chẩn đoán.   

Khai thác tiền sử, bác sỹ phát hiện bố của bé A. mắc tình trạng viêm dạ dày HP dương tính.  Sau khi khai thác triệu chứng, thăm khám lâm sàng, ThS.Dương Thị Thủy, chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Medlatec hướng tới bệnh lý dạ dày tá tràng và tư vấn gia đình cho trẻ nội soi dạ dày tá tràng để chẩn đoán chính xác nguyên nhân.  

Kết quả nội soi cho thấy hành tá tràng có niêm mạc xung huyết và có ổ loét hành tá tràng.

Kết luận, bé A. bị viêm dạ dày - viêm loét hành tá tràng, HP dương tính. Sau đó, bé A. được bác sỹ kê đơn thuốc điều trị ngoại trú, hướng dẫn chế độ ăn uống tại nhà và hẹn tái khám đánh giá hiệu quả diệt HP sau 6 tuần. 

Bác sỹ Thủy cũng nhấn mạnh, có đến 70- 80% dân số Việt Nam nhiễm vi khuẩn HP, đây là một con số đáng ngại vì vi khuẩn HP có thể gây nên bệnh lý dạ dày nguy hiểm như dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời”.

Nguyên nhân viêm loét dạ dày còn có thể bắt nguồn từ chế độ ăn uống không khoa học như ăn quá no, quá đói, ăn quá nhiều đồ chua, thức ăn cay, nóng… hay do tình trạng căng thẳng kéo dài, dùng thuốc có hại cho dạ dày… 

Đặc biệt, triệu chứng của bệnh lý dạ dày - thực quản ở trẻ không điển hình như ở người lớn. Do đó, nhiều trường hợp phụ huynh chủ quan và nghĩ rằng đó là tình trạng rối loạn tiêu hóa thông thường. Thậm chí, ngay cả khi thăm khám nếu bác sỹ không thăm khám kỹ, hoặc chưa có kinh nghiệm rất dễ bỏ sót nguyên nhân và chẩn đoán nhầm thành bệnh tiêu hóa thông thường. 

Theo bác sỹ Thủy, các dấu hiệu cảnh báo trẻ bị bệnh lý dạ dày - thực quản bao gồm đau bụng vùng quanh rốn và đau lan tỏa, trẻ lớn có đau thượng vị, có thể kèm theo biểu hiện ợ hơi, ợ chua, nôn, hơi thở hôi;

Mệt mỏi, ăn uống kém, gầy sụt cân, mất tập trung trong học tập; Trầm cảm, căng thẳng, suy nhược thần kinh.  

Các triệu chứng nêu trên có thể tăng lên sau khi ăn, nhất là ăn các loại thức ăn, đồ uống gây kích thích niêm mạc dạ dày như tỏi, ớt, chuối… 

Để hạn chế sự lây nhiễm, khâu ăn uống hợp vệ sinh là quan trọng nhất. Cụ thể, bác sỹ Thủy khuyến cáo một số biện pháp sau đây:  

Nếu trong gia đình có người bị viêm loét dạ dày - tá tràng không nên dùng chung bát, đũa, cốc, chén…; Phải nhúng vào nước đun sôi sau khi đã rửa sạch; 

Tuyệt đối loại bỏ thói quen mớm cơm cho trẻ với bất kỳ hình thức nào. Ăn sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn dặm nên bắt đầu khi trẻ 6 tháng; 

Tập cho trẻ thói quen ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi; Xây dựng thói quen ăn uống khoa học cho trẻ, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, tránh thức ăn chua, cay, tránh ăn quá no, hay để bụng quá đói, không uống nước có gas...;  Tạo cho trẻ một không gian thoải mái, tránh gây các áp lực tâm lý, căng thẳng về việc học tập…  

Phẫu thuật cứu bệnh nhi bằng phương pháp mới

Bệnh viện Nhi Hà Nội vừa tiếp nhận bệnh nhi Đ. H. P, 7 tuổi, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới đến với tình trạng chân trái không vận động được, đau nhói đùi và không đi lại được đã được nẹp tạm thời. Trong trường hợp ,

Sau khi được bác sỹ thăm khám và chụp X-Quang. Kết quả chụp X-quang cho thấy bệnh nhân bị gãy thân xương đùi, gãy kín 1/3 giữa xương đùi trái và được chỉ định phẫu thuật kết hợp xương bằng kỹ thuật đóng đinh nội tủy trên màn hình tăng sáng C-arm.

Kíp mổ của Bệnh viện Nhi Hà Nội phẫu thuật kết hợp xương kín bằng đinh nội tuỷ. Đây là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, rất hiệu quả, giúp bệnh nhân có thể vận động và phục hồi sớm. Chỉ sau hơn một giờ đồng hồ, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Xương gãy được nắn chỉnh về giải phẫu, cố định vững mà không cần mở ổ gãy.

Trước đây, bệnh nhi bị gãy xương có chỉ định phẫu thuật, thường được phẫu thuật bằng nẹp vít, một kỹ thuật cần bộc lộ ổ gãy, gây tổn thương phần mềm cũng như màng xương, mạch máu nuôi dưỡng xương.

Do đó kỹ thuật này tồn tại những nhược điểm như tăng nguy cơ nhiễm trùng, chậm liền xương, cứng khớp do bất động lâu, sẹo xấu…

Trước thực tế đó, các bác sỹ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình – khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Nhi Hà Nội đã triển khai phương pháp điều trị cập nhật nhất đó là Kết hợp xương bằng đinh nội tuỷ với nhiều ưu điểm như:

Xâm lấn tối thiểu, không mở ổ gãy; Rút ngắn thời gian liền xương nhờ bảo tồn tối đa màng xương và mạch máu nuôi; Sẹo mổ nhỏ, tính thẩm mỹ cao; Thời gian nằm viện ngắn; Chỉ cần sử dụng kháng sinh dự phòng 01 liều duy nhất trước mổ.

Kỹ thuật phẫu thuật kết hợp xương trên màn hình tăng sáng để điều trị cho các loại gãy xương nói chung và gãy xương đùi nói riêng là phương pháp điều trị hiện đại, ứng dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Bệnh nhi được điều trị bằng phương pháp này thường rất hài lòng vì chức năng chi có thể phục hồi sớm, nhanh trở lại với sinh hoạt, giúp các bé giảm tối đa nỗi sợ và ám ảnh trong tương lai.

Tin liên quan
Tin khác