Bệnh xương khớp tấn công dân văn phòng
Theo bác sỹ Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, ngày càng có nhiều người trẻ làm việc văn phòng mắc các bệnh về xương khớp.
Bệnh xương khớp ngày càng trẻ hóa và với những người làm công tác văn phòng, bệnh này ngày càng tăng cao. |
Mỗi tháng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM có gần 8 ngàn lượt khám bệnh cơ xương khớp, 60% trong số đó là “dân văn phòng” dưới 55 tuổi như nhân viên hành chính, kinh doanh, pháp lý, kế toán, công nghệ thông tin, thiết kế, truyền thông, bảo hiểm.
Bác sỹ Tuấn dẫn nghiên cứu được tiến hành từ năm 2017 đến năm 2020 trên hơn 500 người làm việc văn phòng 20-59 tuổi cho thấy 37,9% người mắc các vấn đề về xương khớp. Trong đó, khu vực gặp bất thường nhiều nhất là cổ, vai và lưng.
Theo bác sỹ Tuấn, ngồi nhiều 6 - 8 tiếng mỗi ngày là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề về xương khớp ở dân văn phòng. Thói quen này gây căng thẳng, giảm tưới máu và dồn áp lực lên các khớp xương, nhất là cột sống thắt lưng. Từ đó, tăng nguy cơ đau lưng, căng cơ cạnh cột sống, thoái hóa đốt sống, gai xương.
Những trường hợp nặng và lâu ngày có thể gây thoát vị đĩa đệm, hội chứng chùm đuôi ngựa, nguy cơ yếu liệt chân.
Ngồi lâu và sai tư thế như cong lưng, ngồi vắt chân, co 2 chân lên ghế, ngồi lệch vai, tay đánh máy không có điểm tựa sẽ càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ xương khớp như hội chứng ống cổ tay, đau cổ vai gáy, thoát vị đĩa đệm.
“Ít đứng dậy đi lại trong lúc làm việc, tiêu thụ nhiều đồ ăn nhanh, thừa cân, lười vận động sau tan sở cũng khiến xương khớp dân văn phòng bị hư hỏng âm thầm, khởi phát quá trình viêm khớp, thoái hóa khớp”, bác sỹ Tuấn nhấn mạnh.
Theo các bác sỹ, khi được phát hiện ở giai đoạn sớm, các bệnh cơ xương khớp ở dân văn phòng có thể được điều trị bảo tồn bằng thuốc hoặc tập vật lý trị liệu, thay đổi thói quen sinh hoạt… Nếu điều trị chậm trễ, người bệnh có thể phải phẫu thuật để khôi phục vận động.
TP.HCM: Bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng tiêm chủng vắc-xin sởi
Trong tuần 44 (từ ngày 28/10 - 3/11/2024), số ca mắc sởi ghi nhận tại TP.HCM có dấu hiệu gia tăng ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi và nhóm từ 11 tuổi trở lên. Số ca mắc mới ở nhóm trẻ từ 1-5 tuổi vẫn chưa giảm. Trước diễn biến này, Thành phố đã bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng tiêm chủng vắc-xin sởi.
Trong tuần 44, tổng số ca mắc sởi tại TP.HCM là 141 ca, tăng 18% so với trung bình 4 tuần trước, trong đó có 82 ca điều trị nội trú (giảm 7,3%) và 59 ca điều trị ngoại trú (tăng 90%).
Tích lũy từ đầu năm đến nay, số ca mắc sởi trên địa bàn Thành phố là 1.448 ca, gồm 1.124 ca điều trị nội trú và 324 ca điều trị ngoại trú, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong.
Bên cạnh đó, số ca bệnh từ các tỉnh khác điều trị tại 4 bệnh viện trên địa bàn Thành phố cũng gia tăng với 298 ca, tăng 41% so với trung bình 4 tuần trước, trong đó có 236 ca điều trị nội trú.
Từ đầu năm đến nay, số ca mắc sởi tích lũy đến từ các tỉnh khác là 2.165 ca, bao gồm 1.878 ca nội trú và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong.
Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi đã góp phần làm giảm số ca mắc bệnh trong độ tuổi này.
Tuy nhiên, hệ thống giám sát ghi nhận số ca bệnh mới đang tăng ở nhóm tuổi dưới 9 tháng tuổi. Đây là nhóm tuổi nhỏ, chưa đủ tuổi để tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng (quy định tại Thông tư 10/2024/TT-BYT), trong khi kháng thể từ mẹ truyền sang có thể đã sụt giảm dưới mức bảo vệ.
Từ đầu mùa dịch đến nay, số bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi được ghi nhận là 349 trẻ, chiếm tỷ lệ 24% tổng số ca mắc, đặc biệt là ở nhóm từ 6 tháng – 9 tháng tuổi. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố cũng ghi nhận sự gia tăng số ca bệnh sởi mới ở nhóm trẻ lớn từ 11 tuổi trở lên (282 trẻ chiếm 20% tổng số ca mắc). Bên cạnh đó, số ca mắc ở nhóm trẻ từ 1-5 tuổi cũng chưa ghi nhận có xu hướng giảm.
Trước diễn biến gia tăng số ca mắc sởi mới, UBND Thành phố đã ban hành văn bản số 6639/UBND-VX ngày 30/10/2024 về việc mở rộng đối tượng tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Thành phố sẽ bổ sung 02 nhóm đối tượng tiêm chủng vắc-xin sởi bao gồm: Người trong lớp học có ca mắc sởi tại trường trung học cơ sở, trung học phổ thông;
Người chăm sóc người suy giảm miễn dịch bao gồm trẻ em và người lớn tại các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc các trại cai nghiện thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố. Loại vắc-xin sử dụng là vắc-xin chứa thành phần sởi do ngân sách Thành phố mua hoặc do Bộ Y tế cấp.
Riêng đối với trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản kiến nghị với Bộ Y tế về việc tiêm vắc-xin sởi cho trẻ em trong độ tuổi này. Thành phố sẽ triển khai tiêm ngay khi Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vắc-xin sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp chống dịch tăng cường. Mũi vắc-xin này được xem như là mũi “Sởi 0” và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 02 mũi vắc-xin sởi theo lịch của chương trình Tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.
Song song đó, Thành phố vẫn tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi. Ngành y tế khuyến cáo phụ huynh và người thân trong gia đình cần chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi để bảo vệ cho trẻ.
Hà Nội: Tăng cường các biện pháp phòng, chống lây nhiễm bệnh sởi trong bệnh viện
Sở Y tế Hà Nội có công văn số 5405/SYT-NVY gửi các bệnh viện trong và ngoài công lập trên địa bàn thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống lây nhiễm bệnh sởi trong bệnh viện.
Công văn nêu rõ, hiện nay, tình hình bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn thành phố. Theo số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trong 10 tháng năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 36 trường hợp sởi xác định. Số mắc gia tăng nhanh trong 2 tháng gần đây: 13 trường hợp mắc tháng 9 và 20 trường hợp mắc tháng 10. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đều chưa được tiêm phòng vắc-xin sởi, trong đó có một số trường hợp mắc bệnh do lây nhiễm trong bệnh viện.
Để chủ động phòng, chống bệnh sởi lây lan trong các bệnh viện, đặc biệt là tại các bệnh viện đang tiếp nhận khám và điều trị các trường hợp mắc, nghi mắc sởi, Sở Y tế đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện triển khai việc khám sàng lọc, phân luồng cách ly các trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi ngay tại khoa khám bệnh; bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo.
Đồng thời thực hiện báo cáo trường hợp bệnh trong vòng 24 giờ sau khi có chẩn đoán theo đúng quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; báo cáo ngay khi có trường hợp bệnh nặng hoặc khi số mắc bệnh tăng cao.
Bố trí khu vực cách ly điều trị người bệnh nghi hoặc nhiễm sởi tại các khoa truyền nhiễm. Trường hợp người bệnh mắc sởi bắt buộc điều trị tại khoa lâm sàng khác, phải bố trí khu vực cách ly điều trị trong khoa.
Nghiêm túc thực hiện quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo, phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa bổ sung theo đường lây truyền, bảo đảm việc cung ứng và sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân cho mọi nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân và khách đến thăm.
Thực hiện đúng các quy định về quản lý chất thải, đồ vải, xử lý dụng cụ và thiết bị y tế, thông khí buồng bệnh và quy trình một chiều trong kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Tăng cường công tác truyền thông tại bệnh viện nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly và điều trị kịp thời, đặc biệt quan tâm đến các trường hợp mắc bệnh mạn tính, trẻ em mắc bệnh bẩm sinh chưa được tiêm vắc-xin sởi đang nằm điều trị, nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ cần xét nghiệm và chẩn đoán, cách ly và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện rà soát nhân viên y tế có nguy cơ (tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân sởi) chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin có thành phần sởi phải được tiêm bổ sung vắc-xin sởi ngay.
Tổ chức tập huấn cho tất cả nhân viên y tế trong đơn vị về hướng dẫn phòng ngừa chuẩn và phòng lây nhiễm qua đường không khí khi tiếp xúc với người bệnh; yêu cầu nhân viên y tế tuân thủ nghiêm ngặt và có biện pháp giám sát sự tuân thủ; hướng dẫn cho người bệnh, người nhà bệnh nhân cùng thực hiện