Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 7/4: Chủ động ngăn chặn, xử lý triệt để cúm gia cầm lây sang người
D.Ngân - 07/04/2024 10:36
Thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc cúm A/H9 lần đầu tiên. Bệnh nhân là nam, 37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Chủ động ngăn chặn, xử lý triệt để cúm gia cầm lây sang người

Ngày 10/3/2024, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt và tự mua thuốc điều trị nhưng không thường xuyên. Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh vào ngày 16/3/2024, được chẩn đoán viêm phổi nặng nghi do virus.

Kết quả xét nghiệm bước đầu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phát hiện dương tính cúm A và có các đoạn gen tương đồng virus cúm A phân tuýp H9. Mẫu bệnh phẩm được gửi tới Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh để xét nghiệm khẳng định.

Ngày 1/4/2024, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh phát hiện mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A phân tuýp H9, hiện tại Viện đang tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định phân nhóm. Bệnh nhân hiện đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.

Theo kết quả điều tra dịch tễ, nơi bệnh nhân sinh sống thuộc khu chợ buôn bán gia cầm, đồng thời trước cửa nhà bệnh có buôn bán gia cầm; xung quanh khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống chưa ghi nhận gia cầm ốm, chết.

Ảnh minh hoạ

Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được lập danh sách và theo dõi sức khỏe; đến nay chưa phát hiện triệu chứng viêm đường hô hấp; chưa ghi nhận ổ dịch viêm đường hô hấp trong cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống.

Trước đó, vào tháng 3/2024, tại Khánh Hòa đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do mắc cúm A/H5N1 trên người.

Dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, thời điểm này hiện đang là giai đoạn chuyển mùa và thời tiết có nhiều thay đổi bất thường thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Để chủ động phòng chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người, Cục Y tế dự phòng đề nghị:

Tổ chức điều tra nguồn lây và xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp mắc mới, thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp vả chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm, kịp thời chia sẻ thông tin và phối hợp xử lý triệt để ổ dịch.

Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, đặc biệt tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những khu vực có nguy cơ cao.

Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Hà Nội: Tăng cường công tác giám sát bệnh sởi

Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 1313/SYT-NVY về tăng cường công tác giám sát bệnh sởi trên địa bàn thành phố.

Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến dịch các trường hợp nghi Sởi/Rubella trên địa bàn thành phố kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xác định trường hợp mắc bệnh.

Hướng dẫn chuyên môn cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã về giám sát và triển khai xử lý ổ dịch triệt để không để dịch lan rộng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát đối tượng tiêm vắc xin sởi để không bỏ sót đối tượng; có kế hoạch bố trí đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, việc tiêm vắc xin là để phòng chống dịch cho trẻ từ đủ 9- 12 tháng tuổi và vắc xin sởi cho trẻ 18-24 tháng tuổi.

Thường xuyên kiểm tra công tác tiêm chủng cũng như phòng chống dịch của các quận, huyện, thị xã.

Tăng cường phối hợp với báo, đài đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch sởi như: đi tiêm chủng đủ liều vắc xin phòng sởi; khuyến cáo phụ nữ trước khi mang thai cần đi tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi - Rubella; tăng cường vệ sinh cá nhân; nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh; khi phát hiện người bệnh cần phải đi khám, cách ly và điều trị kịp thời.

Các Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế được phân công giám sát; lấy mẫu trường hợp nghi ngờ Sởi/Rubella gửi CDC Hà Nội để xét nghiệm, tổ chức cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời không để dịch lây lan. Tổ chức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh Sởi.

Phối hợp phòng Y tế rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi, triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vắc xin Sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vắc xin Sởi – Rubella cho trẻ 18 tháng tuổi.

Các Trung tâm Y tế hướng dẫn và yêu cầu tất cả các phòng tiêm chủng trên địa bàn phải nhập phiếu điều tra vào phần mềm giám sát Sởi/Rubella, việc tiêm vắc xin là để phòng chống dịch cho trẻ từ đủ 9- 12 tháng tuổi và vắc xin sởi cho trẻ 18-24 tháng tuổi.

Các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập tổ chức phân luồng bệnh nhân nghi mắc bệnh Sởi ngay từ khu vực phòng khám; bố trí khu vực khám riêng, buồng bệnh cách ly để cấp cứu, điều trị bệnh Sởi nhằm tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện;

Tuyên truyền cho người nhà bệnh nhân về các biện pháp chăm sóc điều trị người bệnh, hạn chế tối đa tiếp xúc, khi chăm sóc tiếp xúc với người bệnh cần phải có khẩu trang y tế để tránh phát tán mầm bệnh. Đảm bảo đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về các phác đồ cấp cứu và điều trị bệnh Sởi.

Phối hợp chặt chẽ với CDC Hà Nội và Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn trong việc thông báo, trao đổi thông tin về các trường hợp mắc bệnh dịch để chủ động giám sát, xử lý dịch tại cộng đồng.

Tin liên quan
Tin khác