Chiều 20/10, đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, cần khoảng 48.261 tỷ đồng để thực hiện Chương trình. Trong đó, ngân sách Trung ương chi 41.449 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi 4.712 tỷ đồng. Ngoài ra, huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp và quốc tế 2.100 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, thực trạng nghèo đói ở Việt Nam vẫn ở mức cao và phân bố không đồng đều giữa các vùng miền, có xu hướng tập trung rõ rệt ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, nơi mà điều kiện tự nhiên rất khó khăn và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, kinh tế - xã hội chậm phát triển so với các vùng miền khác trong cả nước.
Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước còn khoảng 5,97%, trong đó vùng Tây Bắc 22,76%; Đông Bắc 11,96%; Tây Nguyên 10,22%; Bắc Trung Bộ 9,26%; Duyên hải miền Trung 8,0%; Đồng bằng Sông Cửu long 5,48%; Đồng bằng Sông Hồng 2,57%; Đông Nam Bộ 0,66%.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 50% như các huyện Trạm Tấu (56,55%) và Mù Cang Chải (56,27%) thuộc tỉnh Yên Bái; các huyện Tủa Chùa (51,58%), Mường Nhé (50,19%) và Nậm Pồ (54,07%) thuộc tỉnh Điện Biên; huyện Kỳ Sơn (52,79%) thuộc tỉnh Nghệ An; huyện Nam Trà My (62,96%) thuộc tỉnh Quảng Nam.
Tính chung cả nước, thì hiện có 29 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%; 13 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo từ 5% đến dưới 10%; 12 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo từ 10% đến dưới 15%; 03 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo từ 15 đến dưới 20%; 5 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% đến dưới 25% và 01 tỉnh có tỷ lệ nghèo trên 25%.
“Tuy vậy, nếu chuẩn nghèo được tính đúng, tính đủ để bảo đảm mức sống tối thiểu của người dân thì tỷ lệ nghèo đói của cả nước phải cao 3 lần số liệu báo cáo”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.
Thực tế này là một trong những căn cứ để Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, Chương trình nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân đặc biệt là ở các địa bàn nghèo...
Mục tiêu cụ thể, đó là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân xuống 1,3-1,5%/năm (riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm) theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 2 lần so với cuối năm 2015...
Một mục tiêu quan trọng khác là giải quyết một cách cơ bản về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện, nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu, như giao thông, điện, nước sinh hoạt...
Các chỉ tiêu cụ thể đến năm được đề xuất là phấn đấu 10% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; 80 - 90% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo tiêu chuẩn và theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông -Vận tải; 100% trung tâm xã có điện...