Hiện đối tượng nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm trên một nửa số người nghèo. Ảnh: Đức Thanh |
Theo báo cáo về kinh tế Việt Nam mà WB vừa công bố, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam sẽ tiếp tục giảm. Cụ thể, tỷ lệ nghèo cùng cực (1,90 USD/ngày theo sức mua tương đương năm 2011) sẽ giảm từ 2,8% năm 2012 xuống 1% năm 2017. Trong khi đó, tỷ lệ dân số sống dưới mức 3,10 USD/ngày sẽ giảm từ 12,3% năm 2012 xuống còn 6,7% năm 2017.
“Nền kinh tế phục hồi cùng với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục giảm nghèo”, bản báo cáo của WB nhấn mạnh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,81% vào quý III năm nay, cao hơn mức tăng trưởng 6,15% vào quý II và 6,03% vào quý I. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, kinh tế đã tăng trưởng 6,5%. Dự báo cho cả năm 2015, nền kinh tế có thể tăng trưởng ở mức trên 6,5%. Đây là mức tăng hết sức lạc quan, trong bối cảnh kinh tế trong nước và toàn cầu còn nhiều diễn biến phức tạp.
Chính vì thế, WB đã nhấn mạnh trong bản báo cáo rằng: “Tăng trưởng mạnh hiện nay đã tạo điều kiện giảm nghèo”.
Phân tích sơ bộ số liệu cuộc điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam 2014 cho thấy, nghèo nói chung đã giảm trên cả nước và nghèo cùng cực tính theo chuẩn mới 1,90 USD theo ngang giá sức mua năm 2011 đã giảm xuống dưới mức 3%.
Còn theo Báo cáo “Kết quả 15 năm thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ ở Việt Nam” được Chính phủ và Liên hợp quốc công bố cuối tháng trước, tỷ lệ nghèo về thu nhập giảm liên tục. Trong 16 năm (từ 1993 đến 2008), 43 triệu người (45% dân số) đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo.
Trong giai đoạn 1993-2008, tỷ lệ nghèo chung theo chuẩn quốc tế đã giảm từ 58,1% xuống còn 14,5%. Trong các giai đoạn tiếp theo, tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011-2015 đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống 8,4% năm 2014.
Tuy nhiên, theo WB, vẫn còn một số quan ngại về nghèo - tập trung vào nhóm thiểu số vốn chiếm 15% dân số. Hiện nay, đối tượng nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm trên một nửa số người nghèo, trong khi tốc độ giảm nghèo trong nhóm thiểu số có vẻ chậm lại.
WB cũng nhấn mạnh một số thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt để giảm nghèo nhanh và bền vững. Chẳng hạn, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng chậm hơn, nên sẽ ảnh hưởng tới thu nhập khu vực nông thôn và làm tăng khoảng cách thu nhập nông thôn – thành thị. Thêm vào đó, giá gạo và các nông sản khác giảm sẽ tác động tiêu cực tới thu nhập và tiêu dùng nông thôn. Dự kiến, các đối tượng dân tộc thiểu số sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong số người nghèo.
Thực tế cũng cho thấy, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2015 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 590.600 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ các năm gần đây (9 tháng năm 2014 tăng 3,47%, năm 2013 tăng 2,71%, năm 2012 tăng 3,5%).
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng đầu năm 2015 đạt 21,65 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,29 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2014, giảm rất mạnh ở các mặt hàng như cà phê (32,2%), cao su (13,7%) và gạo (15,7%).