Sức khỏe doanh nghiệp
Tổng công ty Dược Việt Nam lên kế hoạch tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024
Duy Bắc - 19/04/2024 07:57
Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (mã DVN - UPCoM) công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Đại hội tổ chức ngày 23/4 tại Hà Nội.

Lên kế hoạch lãi 475,87 tỷ đồng trong năm 2024

Trong năm 2024, Dược Việt Nam đặt kế hoạch tổng doanh thu 5.955,2 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế dự kiến 475,87 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện trong năm 2023.

Được biết, trong năm 2023, Dược Việt Nam ghi nhận tổng doanh thu 5.868,2 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ và đạt 99,2% so với kế hoạch 5.917,8 tỷ đồng; và lợi nhuận trước thuế đạt 425 tỷ đồng, tăng 222,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 127,1% so với kế hoạch lãi 334,5 tỷ đồng.

Nhận định về thị trường, Dược Việt Nam cho biết ngành dược phẩm thế giới được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024 nhờ chi phí vốn thấp và mức lạm phát ổn định ở Mỹ và châu Âu. Các thuốc điều trị bệnh không truyền nhiễm bao gồm béo phì, tiểu đường, ung thư và thần kinh có tiềm năng tăng trưởng. Trong đó, sản xuất và doanh số bán hàng trong ngành dược phẩm sẽ tăng trên 6% vào các năm 2024 và năm 2025.

Về định hướng kinh doanh trong hoạt động đầu tư tài chính, Dược Việt Nam cho biết sẽ quản lý phần vốn của cổ đông tại Tổng công ty và vốn của Tổng công ty đầu tư vào các doanh nghiệp thành viên theo đúng các quy định của pháp luật và điều lệ, quy định của Tổng công ty. Triển khai thực hiện tái cơ cấu danh mục các khoản đầu tư theo Đề án đã đã phê duyệt.

Trong đó, tiến hành mua cổ phần để duy trì tỷ lệ sở hữu của Dược Việt Nam tại các công ty thành viên có hiệu quả kinh doanh tốt; hỗ trợ công ty cổ phần Dược phẩm Sanofi - Synthelabo Việt Nam thực hiện các thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu và giải thể Công ty. và Dược Việt Nam sẽ sớm thực hiện việc mua tiếp 15% vốn Công ty cổ phần Sanofi Việt Nam để nâng sở hữu lên 30%.

Về phát triển hệ thống phân phối, Dược Việt Nam cho biết sẽ tích cực mở rộng mối quan hệ với các đối tác quốc tế với mục tiêu tìm kiếm các cơ hội hợp tác liên quan đến việc chuyển giao biệt dược gốc, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc và/hoặc các sản phẩm dược sinh học, chuyển giao/chuyển nhượng các sản phẩm cho các doanh nghiệp có vốn góp của Dược Việt Nam. Sản xuất với mục tiêu người dân Việt Nam được sử dụng nguồn dược phẩm với chất lượng tốt, tiêu chuẩn cao và giá thành hợp lý; và tìm kiếm các sản phẩm phù hợp để các công ty con của Dược Việt Nam thực hiện phân phối tại Việt Nam.

Quay trở lại các tờ trình, tại Đại hội sắp tới Dược Việt Nam cũng trình cổ đông trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 5% và tiếp tục duy trì cổ tức dự kiến 5% cho năm tài chính 2024.

Hướng tới phân phối dược phẩm, vắc xin - sinh phẩm y tế

Được biết, liên quan tới đề án tài cơ cấu giai đoạn 2024-2027, về phương án cơ cấu lại tài chính, vốn và tài sản, Dược Việt Nam cho biết sẽ rà soát, xem xét và lập kế hoạch dòng tiền để nâng cao hiệu quả sử dụng, đáp ứng đủ tài chính cho các dự án đầu tư; thực hiện tăng vốn điều lệ tại các công ty con; và tăng cường nắm bắt các thông tin thị trường, phân tích, đánh giá các cơ hội đầu tư.

Trong đó, mục tiêu của Dược Việt Nam là trở thành Tổng công ty phân phối dược phẩm, vắc xin - sinh phẩm y tế hàng đầu tại Việt Nam và ngang tầm khu vực. Đến năm 2035 sẽ chiếm khoảng 20% thị phần phân phối dược phẩm tại Việt Nam.

Dược Việt Nam cho biết thêm dự kiến sẽ xây dựng 2 trung tâm phân phối thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế, thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế, tiêu chuẩn quốc tế (EU-GDP) với vị trí thích hợp tại khu vực phía Bắc và phía Nam Việt Nam.

Thêm nữa, từ hai trung tâm phân phối này sẽ kết nối đến các kho của CPC1, Codupha và các kho trung chuyển tại các khu vực quan trọng, đảm bảo hiệu quả về khoảng cách, thời gian và chi phí cung cấp hàng hoá đến kho của khách hàng trên khắp các tỉnh thành trong nước, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, nhà cung cấp/nhà sản xuất với tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng cho cả hai giai đoạn (cơ cấu vốn 70% là từ tổ chức tín dụng và 30% là vốn chủ sở hữu).

Theo tìm hiểu, đề án tái cấu trúc được công bố sau khi sở hữu tại Dược Việt Nam được thay đổi. Trong đó, ngày 2/6/2023, Tổng công Ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thực hiện nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Dược Việt Nam từ Bộ Y tế (tỷ lệ chuyển giao là 65% vốn tại Dược Việt Nam).

Theo SCIC, sau khi tiếp nhận chuyển giao, với vai trò cổ đông, SCIC sẽ tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp; trường hợp cần thiết sẽ thực hiện tái cấu trúc tài chính và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tối ưu hóa giá trị phần vốn nhà nước.

Tin liên quan
Tin khác