- Thủ tướng giao Bộ GTVT đặt hàng bảo trì đường sắt với Tổng công ty Đường sắt
- Ngành đường sắt: Kết cục cay đắng và liều thuốc cứu trợ khẩn cấp - (Bài 1) Tận cùng của... cùng cực
- Ngành đường sắt: Kết cục cay đắng và liều thuốc cứu trợ khẩn cấp - (Bài 2) Mắc kẹt giữa hiện thực và tương lai
- Ngành đường sắt: Kết cục cay đắng và liều thuốc cứu trợ khẩn cấp - (Bài 3) Giãy giụa trong vòng kim cô cơ chế
- Ngành đường sắt: Kết cục cay đắng và liều thuốc cứu trợ khẩn cấp - (Bài 4) Đổi mới để thoát cơn nguy kịch
Tổng công ty Đường sắt Việt NamThu hồi vật tư từ hoạt động bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt tồn kho |
Cáo buộc
“Đã có những thông tin phản ánh không chính xác liên quan đến việc triển khai đấu giá thanh lý lô vật tư thu hồi từ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt tồn kho đến ngày 31/12/2020 do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thực hiện. Chúng tôi khẳng định là, quá trình thẩm định giá, đấu giá lô vật tư phế liệu này được thực hiện khách quan, minh bạch theo đúng quy trình của Luật Đấu giá và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công”, ông Hoàng Gia Khánh, Phó tổng giám đốc VNR khẳng định.
Ông Khánh cũng cho biết, VNR đã gửi báo cáo về vụ việc này tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) - cơ quan quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và đang làm việc với các cơ quan chức năng khác để làm rõ những thông tin chưa chuẩn xác.
Trước đó, vào ngày 13/5/2021, Bộ GTVT có Công văn số 4226/BGTVT-TC gửi VNR về đơn đề nghị xem xét lại đấu giá tài sản (vật tư thu hồi từ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt tồn kho đến ngày 31/12/2020).
Công văn số 4226 cho biết, ngày 10/5/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT nhận được đơn đề nghị xem xét lại đấu giá tài sản của ông/bà Vũ Văn Hiền, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Việt Thành (Công ty Việt Thành). Trong đơn có nêu các vấn đề liên quan việc bán đấu giá vật tư thu hồi từ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt tồn kho đến ngày 31/12/2020 tại 20 công ty bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT yêu cầu VNR khẩn trương có báo cáo gửi Bộ về toàn bộ thông tin liên quan đến việc bán đấu giá vật tư thu hồi từ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt tồn kho đến ngày 31/12/2020. VNR cũng được yêu cầu báo cáo kết quả giải quyết đơn đề nghị xem xét lại đấu giá tài sản cũng như các vướng mắc tồn tại khác trong thực hiện xử lý vật tư thu hồi từ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt và kiến nghị giải pháp xử lý vướng mắc tồn tại (nếu có).
Theo phản ánh của Công ty Việt Thành, vừa qua, Công ty Đấu giá hợp danh VNA có đăng tải thông tin thông báo tổ chức đấu giá tài sản cho VNR. Theo đó, tài sản đấu giá là “vật tư thu hồi từ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đến ngày 31/12/2020”. Giá khởi điểm mà đơn vị đấu giá đưa ra là 25,464 tỷ đồng (không bao gồm thuế VAT). Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá là từ 8h ngày 14/4/2021 đến 16h ngày 26/4/2021; đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp theo phương thức trả giá lên.
Công ty Việt Thành cho rằng, mức giá mà Công ty Đấu giá hợp danh VNA đưa ra là quá thấp so với giá trị thực của tài sản, có thể gây thất thoát cho Nhà nước. Trong đơn gửi Bộ trưởng Bộ GTVT, Công ty Việt Thành đề nghị thanh tra việc định giá tài sản nói trên và khẳng định sẵn sàng mua lại lô vật tư đường sắt thu hồi với giá 60 tỷ đồng.
Cũng theo đơn đề nghị xem xét lại đấu giá tài sản, người đứng đơn cho biết, việc đơn vị đấu giá và VNR đưa phần sắt thép phế liệu và phần xử lý chất thải nguy hại (ắc quy) vào cùng một danh mục để đấu giá là chưa hợp lý, do phần xử lý chất thải nguy hại (ắc quy) chiếm phần nhỏ giá trị thực tế...
“Đơn vị đấu giá và VNR đưa ra bài thầu nói trên là cố tình ‘gài’ để loại bỏ các doanh nghiệp không có chức năng xử lý chất thải nguy hại nhằm ‘tạo điều kiện’ cho một số đơn vị ‘sân sau’ dễ dàng trục lợi”, đại diện Công ty Việt Thành nêu quan điểm.
Bác bỏ
Trong Văn bản số 1142/ĐS-TCKT vừa được gửi tới Bộ GTVT báo cáo kết quả bán đấu giá vật tư thu hồi từ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt tồn kho đến ngày 31/12/2020 và giải quyết đơn đề nghị, VNR cho biết, đã thực hiện trình tự, thủ tục, điều kiện về thẩm định giá tài sản, đấu giá theo đúng các quy định pháp luật hiện hành về lựa chọn đơn vị tư vấn, thẩm định giá, đấu giá, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, xử lý chất thải nguy hại đối với môi trường. Quá trình đấu giá thực hiện công khai, minh bạch theo đúng quy định của Luật Đấu giá và các hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Bên cạnh đó, ngày 10/5/2021, VNR cũng đã tổ chức làm việc với đơn vị thẩm định giá (Công ty cổ phần Định giá và Tư vấn đầu tư quốc tế) và đơn vị bán đấu giá (Công ty Đấu giá hợp danh VNA) để rà soát toàn bộ quá trình thẩm định giá, bán đấu giá, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Các đơn vị tư vấn đều khẳng định, sẽ chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện công việc tư vấn theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Liên quan đến giá trị thẩm định giá, VNR cho biết, đơn vị định giá trực tiếp làm việc với 20 công ty bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt để xác định số lượng, trọng lượng từng chủng loại vật tư thu hồi, từ đó xác định giá trị và phát hành chứng thư thẩm định giá đối với số lượng vật tư thu hồi thanh lý.
“Bản chất, đây là các phế liệu không thể tái sử dụng cho hoạt động đường sắt, bao gồm gần 100 loại vật tư như bu lông, tà vẹt sắt, tà vẹt gỗ, tà vẹt bê tông, ray thép, lập lách, cóc, tấm đan bê tông, bình ắc quy, cảm biến từ, cáp điện, sứ điện…”, ông Hoàng Gia Khánh cho biết và nhấn mạnh, lô tài sản này thực sự là “khúc xương” cho cả bên có tài sản đem đấu giá và bên thắng đấu giá.
Trên cơ sở chứng thư thẩm định giá được phát hành, VNR đã tổ chức rà soát, đánh giá để xác định giá khởi điểm đấu giá. Theo đó, giá trị thẩm định giá có xét đến các yếu tố đặc thù của ngành đường sắt như: toàn bộ khối lượng vật tư thu hồi từ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt được 20 công ty bảo trì thực hiện trong năm, được công nhân đường sắt thu gom để dọc 2 bên đường sắt, trải dài trên gần 3.000 km các tuyến đường sắt quốc gia. Các điểm tập kết này không thuận tiện đường giao thông để tổ chức bốc xếp, vận chuyển, di dời.
Bên cạnh đó, việc thu gom vật tư thu hồi dọc tuyến cần đảm bảo điều kiện an toàn giao thông đường sắt, không ảnh hưởng đến hoạt động vận tải đường sắt và không gián đoạn, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình dọc tuyến. Theo “đề bài” đấu giá được công khai, đơn vị trúng đấu giá phải chịu toàn bộ chi phí phát sinh liên quan để thu gom, bốc xếp, vận chuyển, di dời số lượng vật tư thu hồi thanh lý. Giá trị thẩm định giá có tính đến yếu tố này, đồng thời các đơn vị tham gia đấu giá cũng phải cân nhắc, tính đủ các chi phí phát sinh khi tham gia đấu giá.
Ông Hoàng Gia Khánh cho rằng, thông tin công ty đấu giá và VNR cố tình “gài” để loại bỏ các doanh nghiệp không có chức năng xử lý chất thải nguy hại để “tạo điều kiện” cho một số đơn vị “sân sau” dễ dàng trục lợi là không chính xác.
Đại diện VNR khẳng định, đặc thù vật tư thu hồi từ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt bao gồm nhiều loại vật tư có chất thải nguy hại ảnh hưởng đến môi trường. Cụ thể, không chỉ ắc quy, mà phần lớn vật tư sắt thép, tà vẹt bê tông, mảng mạch điện, nhựa, cao su, cáp tín hiệu… khi xử lý, phân kim đều ảnh hưởng đến môi trường và cần phải có biện pháp xử lý chất thải nguy hại môi trường.
Trong khi đó, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Các địa phương, các ngành (trong đó có Bộ GTVT và VNR) cũng luôn quán triệt tinh thần này. Do vậy, đối với số lượng vật tư thu hồi thanh lý nêu trên, VNR và đơn vị tư vấn bán đấu giá đặt ra yêu cầu: khách hàng mua hồ sơ và tham gia đấu giá phải có chức năng xử lý chất thải nguy hại môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp là phù hợp với tính chất của tài sản đấu giá.
“Tổng công ty cũng không thể lọc phần ‘ngon’ là kết cấu thép thành một gói thầu riêng để đấu giá, bởi những ‘khúc xương’ như bê tông, gỗ mục, ắc quy còn lại, chúng tôi không thể bán cho ai được”, đại diện VNR giải thích.
Theo VNR, do Công ty Việt Thành (đơn vị có đơn đề nghị gửi Bộ GTVT) không có tên trong danh sách khách hàng mua hồ sơ đấu giá, không có tên trong danh sách khách hàng tham gia đấu giá, nên các nội dung đề nghị của Công ty Việt Thành không có căn cứ để giải quyết theo luật định.
“Chúng tôi đã kiến nghị Bộ GTVT không xem xét đối với đơn đề nghị này cũng như các phản ánh khác tương tự (nếu có)”, lãnh đạo VNR thông tin.
- Ngày 12/4/2021: Công ty Đấu giá hợp danh VNA ban hành Kế hoạch đấu giá, Quy chế đấu giá.
- Ngày 14/4/2021 và 17/4/2021: Công ty thông báo đấu giá trên phương tiện thông tin đại chúng và website dgts.moj.gov.vn.
- Từ ngày 14/4 - 26/4/2021: Bán hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá. Có 14 khách hàng mua hồ sơ; 8 khách hàng đăng ký nộp hồ sơ đấu giá (trong đó có 5 khách hàng đủ điều kiện nộp hồ sơ đấu giá, 3 khách hàng không đủ điều kiện).
Trong danh sách các khách hàng mua hồ sơ đấu giá và nộp hồ sơ đấu giá nêu trên, không có tên Công ty Việt Thành.
- Ngày 29/4/2021 (14h30): Công ty Đấu giá hợp danh VNA tổ chức cuộc đấu giá gồm 5 khách hàng đủ điều kiện tham gia đấu giá. Khách hàng trúng đấu giá là Công ty cổ phần Môi trường Việt Xuân Mới (tỉnh Thái Nguyên), giá trúng đấu giá là 27,21 tỷ đồng, tăng1,75 tỷ đồng so với giá khởi điểm đấu giá.
- Ngày 29/4/2021: VNR, Công ty Đấu giá hợp danh VNA và Công ty cổ phần Môi trường Việt Xuân Mới ký hợp đồng mua bán, các bên thống nhất giá trúng đấu giá (giá bán) làm tròn là 27,21 tỷ đồng.
- Ngày 4/5/2021: Công ty cổ phần Môi trường Việt Xuân Mới nộp tiền trúng đấu giá vào tài khoản của VNR là 27,21 tỷ đồng.
- Ngày 13/5/2021: VNR làm thủ tục nộp toàn bộ số tiền thu được từ bán đấu giá (27,21 tỷ đồng) vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính TP. Hà Nội tại Kho bạc Nhà nước.