Doanh nhân
Tổng giám đốc PVOIL Cao Hoài Dương: Kinh doanh độc mảng và thế không đường lùi
Thanh Hương - 13/10/2019 14:01
Tìm những điểm đột phá để lan toả thương hiệu mạnh mẽ và rộng rãi hơn là cách đang được Ban Lãnh đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) dốc lòng khi cuộc cạnh tranh giành thị phần ngày càng khốc liệt.

Nhiều nhà đầu tư lớn đang muốn trở thành cổ đông lớn tại PV OIL để đa dạng hệ sinh thái của mình hoặc mở rộng địa bàn hoạt động.

Đột phá online

Giữa tháng 9/2019, thoả thuận khung về việc cung cấp và sử dụng sản phẩm, dịch vụ đã được PVOIL và Tập đoàn Mai Linh ký kết.

Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVOIL cho hay, PVOIL Easy được nghiên cứu và bắt đầu triển khai từ tháng 2/2018, nhằm giúp khách hàng có thể mua xăng dầu tại cây xăng của PVOIL qua ứng dụng đọc QR Code. Tới tháng 6/2019, khách hàng sở hữu tài khoản VCB Pay, VCB Mobile Banking và 15 ngân hàng liên kết của Vietcombank đã có thể dùng ứng dụng thanh toán điện tử của các ngân hàng này để mua xăng dầu tại hơn 560 cây xăng PVOIL trong cả nước. 

Mỗi lần sử dụng hình thức thanh toán này, hình ảnh tài xế, biển số xe đều hiển thị, bảo đảm việc sử dụng đúng xe, đúng số lượng; giao dịch hoàn thành, cả lái xe lẫn nhà quản lý đều nhận ngay được thông tin qua tin nhắn về số lượng, địa điểm giao dịch hay cho trả chậm tới 30 ngày, giảm thiểu thời gian, chi phí quản lý hóa đơn, chứng từ, đối chiếu công nợ… 

PVOIL Easy đã lọt vào mắt xanh của Mai Linh - doanh nghiệp đang có khoảng 16.000 phương tiện vận tải trên cả nước.

 “Chúng tôi đã có ý định gặp Mai Linh để giới thiệu về tính ưu việt của PVOIL Easy vì thấy phù hợp với hoạt động kinh doanh và mạng lưới họ. Tuy nhiên, chưa kịp sang gặp thì ông Hồ Huy, Chủ tịch của Mai Linh đã chủ động gọi điện hẹn, sau đó đi cùng 5 phó tổng giám đốc sang PVOIL nghe cụ thể. Sau cuộc làm việc, Mai Linh đã đi đến quyết định muốn PVOIL cung cấp toàn bộ xăng dầu qua PVOIL Easy, để giúp tăng cường quản trị của hệ thống Mai Linh, bởi các doanh nghiệp cung cấp xăng dầu khác không thể đáp ứng được yêu cầu của họ”, ông Dương nhớ lại những bước khởi động của mối lương duyên này.

Với nền tảng là cả hai bên đều có hoạt động ở khắp 63 tỉnh, thành phố, cùng quan tâm ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, câu chuyện hợp tác giữa 2 bên cũng trở nên dễ dàng hơn.

Theo thoả thuận, xe của Mai Linh có thể mua xăng dầu tại tất cả cửa hàng xăng dầu PVOIL và các đơn vị liên kết trong cả nước. Ngoài ra, để tiết kiệm thời gian di chuyển cũng như chi phí của các phương tiện vận tải Mai Linh đến các cửa hàng xăng dầu, PVOIL sẽ điều động phương tiện PVOIL Mobile (xe bồn có gắn trụ bơm) đến tận nơi, cung cấp xăng dầu tại bãi xe theo yêu cầu của Mai Linh.

“Thương hiệu PVOIL được khối khách hàng doanh nghiệp biết đến nhiều hơn bởi những nỗ lực áp dụng các giải pháp mới giúp đối tác tiết kiệm chi phí cũng như quản lý thuận lợi hơn. Còn với người tiêu dùng cá nhân thì chưa bằng, nên chúng tôi muốn mở rộng nhận diện thương hiệu ở khối khách hàng này”, ông Dương nói.

Trong cơ cấu doanh thu của PVOIL hiện nay, bán lẻ chiếm hơn 25%, còn lại là bán buôn cho đại lý và bán cho các khách hàng công nghiệp. Định hướng phát triển của PVOIL là tăng dần doanh số bán lẻ, mảng có biên lợi nhuận cao hơn so với hai kênh còn lại.

Tuy nhiên, việc mở rộng mạng lưới lại không dễ dàng khi các điểm bán tốt ở thành phố lớn hoặc chi phí quá lớn hoặc đã có chủ, còn phát triển ở các vùng xa xôi thì hiệu quả không bằng, chưa kể quy trình thủ tục, thời gian để một cây xăng đi vào hoạt động cần tới 28 chữ ký của các bên liên quan với thời gian lên tới gần 2 năm.

Bởi vậy, thỏa thuận hợp tác với Mai Linh cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc mở rộng nhận diện của PVOIL ở kênh bán lẻ tới trực tiếp người tiêu dùng trước ngày càng tăng của cạnh tranh.

Chia sẻ với phòng viên Báo Đầu tư, ông Dương cho hay, động lực thúc đẩy PVOIL phải đổi mới chính là bởi không con đường lùi.

Ông Cao Hoài Dương

Giấc mơ hệ sinh thái

“Năm 2016, khi bắt đầu về PVOIL, nhìn sang hệ thống bán lẻ của Petrolimex tôi phát thèm”, ông Dương nhớ lại.

Với người làm kinh doanh xăng dầu, 3 yếu tố đầu tiên quyết định sự thành bại của cây xăng đó chính là địa điểm - địa điểm và… địa điểm. Ở điểm này, Petrolimex có lợi thế vượt trội các doanh nghiệp khác, bởi được Nhà nước thành lập từ năm 1956, được giao các địa điểm đẹp, nhất là ở những thành phố lớn, nơi có nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cao để phát triển hệ thống phân phối, nhằm thực hiện mục tiêu của Nhà nước.

PVOIL và các doanh nghiệp xăng dầu “sinh sau, đẻ muộn” đều phải tự vật lộn để có được hệ thống bán lẻ của riêng mình.

Trước thực tế nhiều người cho rằng, kinh doanh xăng dầu rất lãi và Petrolimex cùng PVOIL đang độc quyền, kiếm lợi lớn, ông Dương cũng không thể không tâm tư.

Thực tế, đang có tới 30 đầu mối xuất nhập khẩu kinh doanh xăng dầu được cấp phép hoạt động để tạo nguồn cho thị trường. Phía sau đó là khoảng 200 tổng đại lý xăng dầu có quyền chọn lựa nguồn cung từ 30 đầu mối này để bán hàng nên không còn sự độc quyền trên thị trường.

Nếu xét dưới góc độ cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thì PVOIL cùng với Petrolimex cũng mới chỉ có tổng cộng khoảng 3.000 cửa hàng, chỉ là số nhỏ trong tổng số hơn 13.000 cửa hàng xăng dầu bán lẻ trên toàn quốc.

Ở kênh bán cho khách hàng công nghiệp vào các nhà máy điện, khai mỏ, đường sắt, việc chọn nhà cung cấp được lựa chọn thông qua đấu thầu và với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xăng dầu nên cũng rất khốc liệt. 

“Trước PVOIL là Petrolimex có lợi thế địa điểm và hệ thống cây xăng rộng khắp. Sau PVOIL là rất nhiều các đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đang trong trào lưu nở rộ. Là doanh nghiệp tư nhân, không bị ràng buộc bởi các quy định giống doanh nghiệp mà nhà nước đang chiếm cổ phần chi phối như PVOIL nên họ cũng rất linh hoạt”, ông Dương nói và thừa nhận: “Chúng tôi bị dồn đến chân tường”. 

Bật dậy để tìm lối thoát không phải là dễ dàng với PVOIL. Với độc nhất mảng kinh doanh xăng dầu và không thể vươn tay sang các lĩnh vực gas, hoá chất, vận tải, bảo hiểm… như Petrolimex đang áp dụng, bởi PVOIL nằm trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và có nhiều anh em khác đang kinh doanh những mảng này, con đường duy nhất mà PVOIL phải đi là tìm ra các giải pháp đột phá, nhằm giúp gia tăng giá trị sản phẩm mình đang kinh doanh.

Ngoài tìm kiếm sự mới mẻ, hợp xu thế thanh toán online, ý tưởng cửa hàng tiện lợi tại cây xăng cũng được PVOIL nghiên cứu từ khoảng 2 năm trước.

Nói về mô hình này, ông Dương cho biết, thống kê từ thế giới cho thấy, lợi nhuận đến từ các cửa hàng tiện lợi và các dịch vụ phi xăng dầu ở cây xăng chiếm tới 50% lợi nhuận của cây xăng. Đó là chưa kể, dòng tiền thu được từ đây khá tốt, nên việc các doanh nghiệp có hệ thống cửa hàng bán xăng dầu lớn như PVOIL quan tâm tới việc mở cửa hàng tiện lợi ở cây xăng cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, để PVOIL thực sự chuyển mình, câu chuyện bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được xem là đòn bẩy cho tất cả.

Năm 2018 đã ghi dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của PVOIL khi cổ phần hóa thành công và chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần kể từ ngày 01/8/2018.

Với 27 kho cảng xăng dầu trải dài trên cả nước, cùng mạng lưới bán lẻ gần 600 cửa hàng trực thuộc phủ khắp 63 tỉnh, thành phố, chưa kể mạng lưới bán lẻ ở Lào. Trên nền tảng ấy cộng với chủ trương phát triển mạng bán lẻ, PVOIL đang thu hút được sự quan tâm của các cổ đông lớn ngay trong mảng kinh doanh xăng dầu trên thế giới.

Đơn cử SK Energy (Hàn Quốc) đã chủ động thu gom cổ phiếu của PVOIL trên sàn UPCoM và hiện đạt tỷ lệ nắm giữ 5,3% vốn điều lệ. Ông Oh Jong Hoon, Phó chủ tịch Tập đoàn này khẳng định mong muốn có cơ hội để tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa vào PVOIL.

Trong phương án cổ phần hóa PVOIL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đây, PVN sẽ chỉ còn nắm giữ 35,1% vốn điều lệ, 20% vốn điều lệ bán đấu giá công khai và bán cho nhà đầu tư chiến lược 44,72%.

“Hiện PVOIL mới hoàn thành bán đấu giá công khai 20% vốn điều lệ và chuyển thành công ty cổ phần. Nếu Nhà nước vẫn giữ trên 51% vốn tại doanh nghiệp, PVOIL sẽ khó có đột phá bởi vẫn phải tuân thủ các quy định bấy lâu như với doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù, hiện PVOIL đã có các cổ đông lớn hiểu biết và có tiềm lực tài chính mạnh, nhưng lại không có quyền quyết định nên cũng khó giúp doanh nghiệp có những đột phá trong sản xuất kinh doanh”, ông Dương chia sẻ.

Dù được cho là cô gái đẹp và có tiềm năng để tăng giá trong tương lai nên các nhà đầu tư lớn vẫn sẽ sàng chờ đợi, nhưng ban lãnh đạo PVOIL cũng thừa nhận, “sự chờ đợi sẽ chỉ có giới hạn nhất định về thời gian, còn lâu quá thì đối tác cũng nản lòng”.

Con đường duy nhất mà PVOIL phải đi là tìm ra các giải pháp đột phá, nhằm giúp gia tăng giá trị sản phẩm mình đang kinh doanh”.

Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVOIL

Tin liên quan
Tin khác