Tổng mức bán lẻ yếu tác động đến nhiều mặt. |
Tổng mức bán lẻ tiếp tục yếu thể hiện ở nhiều điểm, được nhận diện dưới các góc độ khác nhau.
Ở góc độ thứ nhất, thể hiện ở tỷ lệ tổng mức bán lẻ/GDP (đánh giá lại). Theo đó, tỷ lệ tổng mức bán lẻ/GDP (đánh giá lại), nếu tăng lên qua các năm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thì năm 2020 và 2021 đã giảm xuống.
Ở góc độ thứ hai, thể hiện ở tốc độ tăng. Tốc độ tăng tính theo giá thực tế (bao hàm cả tăng về lượng, cả tăng về giá), nếu từ năm 2019 trở về trước đều tăng ở mức 2 chữ số (bình quân thời kỳ 2011-2019 tăng 12,6%/năm), thì năm 2020 chỉ tăng 1,7%, năm 2021 giảm 3,8%, 2 tháng năm tăng 1,7% 2022 so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ nếu loại trừ yếu tố giá (chỉ tính cho lượng tăng), từ năm 2019 trở về trước tăng ở mức khá cao (bình quân thời kỳ 2011-2019 tăng 7,4%/năm), thì năm 2020 giảm 1,5%, năm 2021 giảm 6,2%), 2 tháng năm 2022 tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ở góc độ thứ ba, sự mạnh/yếu của tổng mức bán lẻ còn thể hiện ở cơ cấu của chỉ tiêu này. Tỷ trọng của bán lẻ hàng hóa (hàng hóa vật chất) năm 2019 giảm còn 75,5%, thì năm 2021 tăng lên 79,3%, năm 2021 lên 82,5%. Điều đó chứng tỏ do thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán giảm, nên nhu cầu tiêu dùng tập trung hơn cho hàng hóa vật chất, giảm tỷ trọng tiêu dùng cho dịch vụ. Trong 2 tháng đầu năm 2022, tỷ trọng này chiếm 80,8%.
Tổng mức bán lẻ tiếp tục yếu do nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân chính là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 làm cho tăng trưởng kinh tế bị chậm lại nhanh. Số doanh nghiệp tham gia thị trường hoặc tạm vào thị trường giảm, số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng, số doanh nghiệp đang hoạt động giảm doanh thu. Số lao động đang làm việc bị giảm (năm 2020 giảm 1,9%, năm 2021 giảm 8,6%) do số lao động bị thất nghiệp tăng; số lao động thiếu việc làm cũng tăng so với trước đại dịch. Thu nhập của lao động đang làm việc giảm.
Một nguyên nhân cần tính đến là tỷ lệ phần tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường (tức là tổng mức bán lẻ) so với tổng tiêu dùng cuối cùng bị giảm (nếu năm 2019 là 108,6%, thì năm 2020 chỉ còn 106%, ước năm 2021 còn thấp hơn), do phần tiêu dùng thông qua tự cấp tự túc tăng.
Tổng mức bán lẻ yếu tác động đến nhiều mặt. Rõ nhất và trực tiếp nhất là mức sống thực tế của người tiêu dùng bị ảnh hưởng, bị “bào mòn” sau hơn 2 năm bị đại dịch tác động, cả về quy mô, cả về cơ cấu, chủng loại... Tiêu dùng cuối cùng chiếm tỷ trọng lớn nhất (trên 70%) tổng GDP, cao hơn gấp đôi tích lũy tài sản, nên tác động lớn đến tăng trưởng GDP.
Giải pháp chủ yếu để tăng tổng mức bán lẻ xuất phát từ các nguyên nhân làm tổng mức bán lẻ bị giảm như đã đề cập ở trên.
Trước hết, cần kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Theo đó, không để xảy ra khủng hoảng y tế, phổ cập tiêm chủng cho các đối tượng...
Đồng thời, khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ trong tổng số 350.000 tỷ đồng, trong đó cần quan tâm tới các gói hỗ trợ về xã hội, giảm thuế VAT 2%, hỗ trợ lãi suất..., để tăng việc làm, tăng thu nhập, tăng sức mua có khả năng thanh toán cho người dân, trong khi giảm thuế VAT để người dân mua hàng với giá rẻ hơn.
Ngoài ra, cần cẩn trọng trong việc mở cửa nền kinh tế, nhất là dịp Tết, lễ hội, nhập học trực tiếp, mở cửa đón khách quốc tế...
Đã xuất hiện tâm lý chủ quan của người dân và một bộ phận quản lý. Cụ thể, sau kỳ nghỉ Tết, sinh viên nhập trường, học sinh đi học trực tiếp, Sapa đón 25.000 lượt khách, Bái Đính đón 10.000 lượt khách, đường lên Đà Lạt tắc nghẽn..., dịch đã bùng phát mạnh ở Hà Nội (số ca F0 đã vượt con số 10.000 ca/ngày, những ngày gần đây vượt 20.000 ca/ ngày) và nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc như Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Giang... Giá cả một số loại thuốc, dụng cụ y tế cho các F0 cách ly tại nhà thiếu, giá cả biến động khó lường... Đây cũng là những công việc cần được chấn chỉnh.