Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết 26/2012/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nhờ đó, đã tạo điều kiện nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất; mặt khác, đã quản lý vốn đầu tư công chặt chẽ hơn, từng bước khắc phục sự dàn trải, nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã nhận được nguồn đầu tư lớn từ nhà nước và xã hội. |
Theo báo cáo, giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn đầu tư Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên 610.959 tỷ đồng, tăng 1,83 lần so với giai đoạn 2006 - 2010 đầu tư trên 332.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng từ năm 2012 - 2015 (4 năm sau khi có Nghị quyết của Quốc hội) đầu tư hơn 509.500 tỷ đồng (chiếm 52,9% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và Trái phiếu Chính phủ cả nước).
Tính riêng nguồn vốn đầu tư cho "Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới", trong 5 năm vừa qua, cả nước đã huy động được hơn 851.000 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình. Trong đó, ngân sách nhà nước (bao gồm các chương trình, dự án khác) hơn 266.000 tỷ đồng, tín dụng 434.950 tỷ đồng, doanh nghiệp 42.198 tỷ đồng, người dân và cộng đồng đóng góp 107.447 tỷ đồng. Riêng ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình 98.664 tỷ đồng (11,59%).
Ngoài ra, Chính phủ đã thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân như cấp bù miễn thủy lợi phí, trung bình trên 4.000 tỷ đồng/năm), hàng năm chi thêm 7 - 8.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Kế hoạch đổi mới cơ cấu, cơ chế và nâng cao hiệu quả đầu tư công phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; Đề án Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, các nguồn vốn vay ưu đãi khác của nhà tài trợ và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài thuộc thẩm quyền nhà nước của Bộ Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2016-2020.
Theo đánh giá của Chính phủ, cơ cấu đầu tư công trong nông nghiệp, nông thôn đã dần được điều chỉnh, tăng vốn đầu tư cho các vùng trọng điểm có lợi thế phát triển nông nghiệp hàng hóa, các lĩnh vực trực tiếp sản xuất sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao, đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia, phát triển kinh tế biển đảo, tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành cơ chế phân bổ đầu tư ngân sách có ưu tiên cho các tỉnh miền núi, địa phương nghèo, ít có điều kiện phát triển công nghiệp, chuyên trồng lúa; hỗ trợ địa phương và người trồng lúa.
Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn luôn tăng với tốc độ cao, bình quân đạt 20%/năm, so với tốc độ tăng tín dụng chung cho nền kinh tế là 18,5%. Tổng dư nợ tín dụng ngành nông nghiệp, nông thôn tính đến tháng 8/2016 đạt khoảng 900.000 tỷ đồng. Đã triển khai một số chương trình tín dụng đặc biệt cho tái canh cà phê, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch; liên kết sản xuất cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao và xuất khẩu
Triển khai Chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thẩm định và chỉ định các Ngân hàng Thương mại cho vay đối với 31 dự án của 28 doanh nghiệp, các NHTM đã giải ngân cho vay 22/28 doanh nghiệp để thực hiện 22/31 dự án sản xuất nông nghiệp theo chương trình với số tiền đạt hơn 7.333 tỷ đồng (nhiều hơn số tiền các NHTM cam kết cho vay do trong quá trình triển khai một số dự án được chấp thuận mở rộng quy mô sản xuất).
Đến nay, dư nợ còn 915,84 tỷ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn là hơn 807 tỷ đồng, dư nợ dài hạn đạt hơn 107,14 tỷ đồng phục vụ các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp, sản xuất áp dụng khoa học và công nghệ cao, sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.