Du lịch
TP. HCM mang đến tất cả những gì du khách cần, trừ nhà vệ sinh công cộng
Nhung Bùi - 02/02/2023 21:06
Thông tin từ Nikkei Asia cho thấy, điều kiện nhà vệ sinh công cộng của Việt Nam đang ở vị trí thấp so với các địa điểm khác trên thế giới.

Trong một bài báo xuất bản cuối tháng 1 vừa qua, Nikkei Asia đánh giá: Đường phố tại TP. HCM cung cấp cho khách du lịch quốc tế tất cả những gì họ cần, từ đồ ăn ngon, lịch sử kiến trúc sâu sắc, cho đến nhịp sống sôi động,…

“Tất cả mọi thứ, ngoại trừ nhà vệ sinh công cộng”, tờ báo của Nhật Bản khẳng định.

Dẫn chỉ số từ Bảng xếp hạng của QS Supplies, một công ty có trụ sở tại Anh, Nikkei Asia cho biết, Hà Nội và TP.HCM là hai trong số những thành phố có điều kiện sử dụng nhà vệ sinh công cộng dành cho khách du lịch quốc tế thấp nhất thế giới.

Bảng xếp hạng này được tính dựa trên số lượng nhà vệ sinh công cộng trung bình trên mỗi km2, tại 69 thành phố du lịch trên toàn cầu. Mục tiêu của bảng xếp hạng nhằm giúp du khách lựa chọn "điểm đến một cách thận trọng" và "làm nổi bật vấn đề quan trọng nhưng khá tế nhị" - đó là nhà vệ sinh công cộng.

Kết quả cho thấy Hà Nội và TP.HCM lần lượt xếp thứ 66, 67 trên tổng số 69 thành phố, chỉ cao hơn Johannesburg của Nam Phi và Cairo của Ai Cập. Trong khu vực Đông Nam Á, các thành phố khác cũng có thứ hạng cao hơn hai thành phố lớn của Việt Nam. Ví dụ Kuala Lumpur (Malaysia) xếp hạng 42 hay Bangkok (Thái Lan) vị trí 45.

15 thành phố có điều kiện nhà vệ sinh công cộng thấp nhất bảng xếp hạng. Nguồn ảnh: Nikkei Asia.

Nikkei Asia nhìn nhận: "Có một sự thật không thể chối cãi là du khách, sau khi uống cà phê kem trứng và tản bộ trên vỉa hè lát đá của Hà Nội trong một giờ, sẽ phát hiện khó kiếm ra nhà vệ sinh công cộng xung quanh. Các tờ rơi hướng dẫn, nhắc nhở du khách mang theo tiền hoặc lưu các số điện thoại khẩn cấp nhưng lại không chuẩn bị cho mọi người việc cơ bản nhất này. Sử dụng nhà vệ sinh không chỉ là nhu cầu và quyền của con người mà đây còn là vấn đề về nhân phẩm, hòa nhập và tôn trọng".

Nhìn rộng ra, cơ sở vật chất liên quan đến nhà vệ sinh công cộng còn là một vấn đề kinh tế xã hội. Theo Nikkei Aisia, top 10 thành phố đứng đầu trên bảng xếp hạng đều thuộc những quốc gia giàu có và phát triển, ví dụ Paris (Pháp), Zurich (Thụy Sĩ), Barcelona (Tây Ban Nha),…

Trong khi đó, top cuối là những thành phố của các quốc gia còn đang phát triển ở châu Á và châu Phi.

10 thành phố có điều kiện nhà vệ sinh công cộng cao nhất bảng xếp hạng. Nguồn ảnh: Nikkei Asia.

Tại nhiều nước trên thế giới, nhà vệ sinh công cộng trở thành thước đo đánh giá công bằng xã hội.

Ví dụ, một số bang của Mỹ đã nổ ra những cuộc tranh cãi về việc có nên yêu cầu các cửa hàng như Starbucks phải đồng ý để những người không mua sản phẩm, dịch vụ của họ, vẫn được phép dùng nhà vệ sinh hay không.

Tuy nhiên, tại các quốc gia đang phát triển, Nikkei cho rằng, vấn đề nhà vệ sinh công cộng thường ít được quan tâm, đặc biệt ở các khu vực vùng núi, đồng bằng và các vùng sâu vùng xa; những nơi khá hấp dẫn với khách du lịch quốc tế, nhưng luôn thiếu nhà vệ sinh công cộng.

Để kết lại, tờ Nikkei Asia gợi ý khách quốc tế khi đến Hà Nội hoặc TP.HCM, nếu rơi vào "thế bí" thì có thể tìm đến các trung tâm mua sắm để … "giải quyết nỗi buồn".

Tin liên quan
Tin khác