Thời sự
TP. Hồ Chí Minh: Dự án công viên "ngủ quên" hàng thập kỷ
Gia Huy - 07/03/2016 07:19
Hai dự án công viên được lập đã hơn một thập kỷ, nhưng đến nay vẫn “ngủ quên”, dù chính quyền TP.HCM nhiều lần đốc thúc.

Công viên thành bãi chăn bò

Dự án đầu tiên phải nhắc tới, đó là siêu Dự án Công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi) do Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn làm chủ đầu tư. Dự án rộng 475 ha, có tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu USD, ảnh hưởng đến 705 hộ dân ở các xã Phú Mỹ Hưng và An Nhơn Tây. Năm 2004, Dự án được UBND TP.HCM phê duyệt thực hiện, với mong muốn xây dựng một công viên giải trí du lịch sinh thái, tổ chức nuôi dưỡng, trưng bày nhân giống các loài động, thực vật trong nước và các châu lục khác trên thế giới.

Để thực hiện dự án, tháng 6/2004, UBND TP.HCM đã ra quyết định thu hồi đất, giao chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn và UBND huyện Củ Chi tiến hành bồi thường và xây dựng khu tái định cư cho 705 hộ dân. Tới nay, huyện Củ Chi đã chi trả bồi thường cho 684/705 hộ, với số tiền 560/619 tỷ đồng, đạt 97%. Trong số 750 hộ bị ảnh hưởng, có 246 hộ đăng ký tái định cư, nhưng khu tái định cư hiện vẫn chưa được xây dựng.

Dự án Công viên Văn hóa Gò Vấp sau hơn 15 năm vẫn hoang tàn. Ảnh G.H

Nhưng có một điều khó hiểu, đó là Dự án Công viên Sài Gòn Safari được Thành phố phê duyệt từ tháng 6/2004, nhưng tới năm 2009 mới tổ chức thi tuyển phương án quy hoạch chi tiết 1/2.000. Cũng chẳng hiểu vì lý do gì mà mãi đến tháng 1/2011, UBND TP.HCM mới chấp thuận cho Công ty Bernard Harrison & Friends Ltd (Singapore) làm chủ thầu tư vấn thực hiện thi công.

Tuy nhiên, tới tháng 12/2012, việc đàm phán hợp đồng tư vấn lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 giữa chủ đầu tư và Công ty Bernard Harrison & Friends Ltd vẫn không thành công, khi công ty này đưa ra mức giá cao hơn 1,9 lần so với thông tư của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định, quản lý quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.

Chính vì những rắc rối này, nên tới nay sau hơn 10 năm, dự án vẫn án binh bất động. Hiện nay toàn bộ khu vực dự án cỏ dại mọc cao hơn đầu người. Thấy đất để trống, người dân địa phương tận dụng trồng cỏ, hoa màu, thậm chí họ còn đóng chuồng nuôi nhốt trâu, bò, gà, lợn, làm cả khu vực quy hoạch công viên trở nên nhếch nhác.

Một dự án công viên nữa cũng trong tình trạng “đắp chiếu” là Dự án Công viên văn hóa Gò Vấp, được phê duyệt quy hoạch trên diện tích hơn 37 ha, với tổng kinh phí đầu tư ban đầu gần 100 tỷ đồng. Từ năm 2001, UBND TP.HCM giao UBND quận Gò Vấp kêu gọi nhà đầu tư triển khai dự án này.

Tuy nhiên, kể từ năm 2005, dự án này đã được đầu tư bằng ngân sách nhà nước gần 99 tỷ đồng. Để tiếp tục thực hiện dự án khi vốn ngân sách không đủ, quận Gò Vấp được Thành phố cho phép áp dụng xã hội hóa nguồn vốn. Năm 2007, Công ty Gia Tuệ xin làm chủ đầu tư và được quận nhận định là đáp ứng các yêu cầu. Nhưng do đây là công viên mở cửa miễn phí cho người dân nên để thu hồi vốn, Công ty Gia Tuệ xin chuyển đổi một phần công năng đất dự án sang đất xây khách sạn. Đề xuất này được UBND TP đồng ý, nhưng phương án chọn Công ty Gia Tuệ làm chủ đầu tư thì phải đến tháng 6/2011 UBND TP.HCM mới có văn bản chính thức đồng ý.

3 tháng sau, tức vào tháng 9/2011, UBND TP.HCM lại có văn bản thông báo tạm dừng triển khai thực hiện dự án Công viên văn hóa Gò Vấp và dự án chỉnh trang đô thị khu vực trước công viên tại phường 6, quận Gò Vấp, bởi có đơn khiếu nại về khuất tất trong việc chấp thuận chủ trương giao cho Công ty Gia Tuệ thực hiện dự án.

Dự án Công viên văn hoá Gò Vấp vì thế mà hoang hóa trong nhiều năm. Cuối năm 2014, UBND TP.HCM tiếp tục giao quận Gò Vấp hoàn thành dự án dang dở với nguồn vốn ngân sách địa phương. Tuy nhiên, tới thời điểm này, số tiền đầu tư giai đoạn tiếp theo để hoàn tất Dự án dự kiến vào khoảng 400 tỷ đồng. Hiện, ngoài những hạng mục như xây dựng tường bao quanh dự án, nhà điều hành, thì dự án vẫn án binh bất động.

Khi nào hết “đắp chiếu”?

Ông Phạm Quốc Hưng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, chủ đầu tư dự án Công viên Sài Gòn Safari cho biết, Công ty đã gửi hàng trăm văn bản yêu cầu huyện Củ Chi đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng Dự án, nhưng phía lãnh đạo huyện Củ Chi vẫn im lìm, còn phía người dân vì chưa thỏa mãn việc đền bù và có khu tái định cư nên vẫn phải kéo nhau đi kiện, nên dự án vẫn chưa thể thực hiện được. Cũng theo ông Hưng, hiện tại chủ đầu tư chỉ còn đợi mặt bằng xong là bắt tay xây dựng, vì chủ đầu tư đã chuẩn bị xong số vốn thực hiện dự án bằng cách kêu gọi những đơn vị cùng lĩnh vực tại Singapore, Thái Lan… hỗ trợ nguồn vốn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi lại cho rằng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn tất, nhưng vì dự án chậm triển khai, dẫn đến có tình trạng người dân tái lấn chiếm.

Mới đây, tại cuộc làm việc với người dân và lãnh đạo huyện Củ Chi, sau khi nghe bức xúc của người dân về dự án Công viên Sài Gòn Safari chậm tiến độ, không có khu tái định cư cho người dân, đền bù giải tỏa không hợp lý… Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo vấn đề này phải được xử lý trong vòng 6 tháng tới.

Đối với Công viên Văn hóa Gò Vấp, sau khi thông tin về dự án trên chậm tiến độ được đăng tải trên Báo Đầu tư đầu tháng 12/2015, mới đây phóng viên có liên hệ lại với lãnh đạo quận Gò Vấp để tìm hiểu về số phận công viên này thì được trả lời là lãnh đạo quận bận, sẽ trả lời sau.

Tin liên quan
Tin khác