Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký tham gia cải tạo các khu chung cư cũ tại TP.HCM |
Kêu gọi doanh nghiệp cải tạo gần 500 chung cư cũ
Kế hoạch được Sở Xây dựng TP.HCM đề ra từ nhiều năm trước là đến năm 2020, TP.HCM sẽ hoàn thành tháo dỡ và đầu tư xây dựng mới ít nhất 50% trong tổng số 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, TP.HCM mới tháo dỡ để xây mới 32 chung cư cũ hư hỏng, với khoảng 4.000 hộ gia đình. Như vậy, tốc độ cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM quá chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo cuộc sống của người dân cư ngụ trong chung cư cũ, cũng như chương trình chỉnh trang đô thị.
Theo kế hoạch năm 2017, TP.HCM phấn đấu cải tạo, sửa chữa 10 chung cư (16 lô), bồi thường giải phóng mặt bằng 5 chung cư (7 lô); tháo dỡ 5 chung cư (8 lô) bị hư hỏng nặng, nguy hiểm; khởi công 6 chung cư tại vị trí các chung cư cũ đã tháo dỡ với quy mô 1.785 căn hộ.
Tuy nhiên, tới nay, Thành phố mới giải quyết được 3 chung cư cũ. Đó là Dự án xây dựng mới Chung cư 251 - Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Dự án Chung cư 11 - Võ Văn Tần (quận 3) và một dự án chung cư tại quận 1.
Do tiến độ quá chậm, ông Huỳnh Văn Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM) cho biết, Thành phố đang xây dựng các chính sách khuyến khích, kêu gọi nhà đầu tư tham gia tháo dỡ chung cư cũ, xây dựng chung cư mới.
Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký tham gia, như Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Gia Khang, Công ty TNHH Gia Khang Hà Nội, Tổng công ty cổ phần Vinaconex đăng ký tham gia đầu tư, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn quận 1; Công ty TNHH Dịch vụ - Đầu tư NaKyCo đăng ký đầu tư xây dựng mới thay thế chung cư cũ tại 19/9 Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Phú); Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) đăng ký tham gia đầu tư, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn quận 1, cụm chung cư Ngô Gia Tự tại quận 10 và một cụm chung cư cũ trên địa bàn quận 4…
Tuy nhiên, việc nhà đầu tư tham gia xây dựng, cải tạo đang gặp khó, bởi các chung cư cũ đã có chủ đầu tư “xí phần”. Các chủ đầu tư cũ viện đủ lý do cho việc chưa thể triển khai dự án, như chưa thương lượng giải phóng mặt bằng với người dân, chưa có chỗ tái định cư…
Bên cạnh đó, những chủ đầu tư được chấp thuận đầu tư xây dựng, cải tạo chung cư cũ lại hoàn toàn mới và ít có tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản, nên chưa có gì đảm bảo năng lực thực hiện dự án.
“Việc cấp phép doanh nghiệp đầu tư xây mới, cải tạo chung cư cũ ở TP.HCM cần được xem xét lại, đặc biệt là việc có hay không chủ đầu tư trúng thầu cải tạo chung cư cũ nhưng năng lực yếu kém và bán lại dự án cho chủ đầu tư khác kiếm lời. Bên cạnh đó, cần quy định thời gian thực hiện dự án cụ thể, nếu không thực hiện đúng thì phải thay thế chủ đầu tư khác có năng lực hơn”, PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nói.
Nỗ lực nhiều, kết quả chẳng bao nhiêu
Để thực hiện kế hoạch xây dựng, cải tạo chung cư cũ, từ năm 2016 tới nay, lãnh đạo UBND TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong việc cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Về cải tạo, sửa chữa, UBND TP.HCM yêu cầu lập, phê duyệt và công bố kế hoạch cải tạo, sửa chữa và điều chỉnh kế hoạch (nếu có), hoàn thành chậm nhất trong tháng 4/2017; riêng phần cải tạo, sửa chữa hoàn thành trước tháng 12/2017.
Đối với các chung cư có kết quả kiểm định là nguy hiểm, phải tổ chức hội nghị nhà chung cư để xét chọn nhà đầu tư xây dựng lại chung cư. Trong trường hợp các chủ sở hữu chung cư chọn được nhà đầu tư đảm bảo thời gian theo quy định (tối đa 3 tháng kể từ ngày UBND quận tổ chức di dời khẩn cấp để phá dỡ) thì thẩm định và công nhận chủ đầu tư; chấp thuận phương án tạm cư, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đề xuất của nhà đầu tư đã thỏa thuận với các chủ sở hữu nhà chung cư.
Trường hợp hết thời hạn theo quy định nhưng các chủ sở hữu nhà chung cư chưa chọn được nhà đầu tư mà Nhà nước phải cưỡng chế phá dỡ và tổ chức thực hiện việc đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, thì lập, thẩm định và phê duyệt phương án tạm cư, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giá trị căn hộ cũ và giá trị căn hộ mới; tổ chức thẩm định năng lực nhà đầu tư, đề xuất UBND TP.HCM xét công nhận chủ đầu tư theo hình thức chỉ định.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có báo cáo nào được công bố về những đánh giá trên và cũng mới có một chung cư cũ là Chung cư Cửu Long tại 128 - đường Hai Bà Trưng (phường Đa Kao, quận 1) được cưỡng chế vào tháng 9/2017 với số lượng 92 căn hộ.
Liên quan việc cưỡng chế chung cư này, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch quận 1 cho biết, các căn hộ ở đây chỉ rộng 10 - 12 m2, điều kiện sống của bà con rất thấp, chung cư đã quá cũ, nên quận phải cưỡng chế, di dời khẩn cấp để tháo dỡ, xây mới, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.