Thời sự
TP.HCM cần một chính sách đặc thù phát triển mới
Trọng Tín - 07/07/2022 18:12
UBND TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14, tạo điều kiện khơi thông nguồn lực phát triển Thành phố trong giai đoạn tới.

Chiều 7/7, kỳ họp thứ sáu HĐND TP.HCM khóa X tiếp tục ngày làm việc thứ hai với phiên giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 (gọi tắt là Nghị quyết 54) ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, Phó chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho biết, Nghị quyết 54 sau khi được ban hành đã mang đến nhiều kỳ vọng sẽ tạo bước phát triển đột phá cho Thành phố. Nghị quyết có hiệu lực từ tháng 1/2018 đến hết năm 2022, trao một số cơ chế đặc thù cho Thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức.

Dự kiến trong tháng 7/2022, TP.HCM sẽ tổ chức lấy ý về dự thảo báo cáo thực hiện Nghị quyết 54 và dự thảo các nghị quyết mới. Ảnh: Trọng Tín

Thành phố đã tập trung triển khai thực hiện với 21 nội dung, đề án cụ thể, với nội dung đầu tiên là chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức. Dù chưa thể đạt mức tối đa là 1,8 lần mức lương theo ngạch bậc, nhưng chính sách này phù hợp với năng suất thực tế của người lao động Thành phố - gấp 2,7 lần bình quân chung cả nước, đã tạo động lực, cải thiện đời sống, khuyến khích cán bộ, công chức gắn bó lâu dài.

Thành phố cũng thực hiện được một số công việc như ban hành quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố với tổng mức vốn đầu tư hơn 12.900 tỷ đồng; thông qua 32 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên.

Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Thành phố cũng phát hành thành công 2.800 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương. UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố cũng ủy quyền 85 đầu việc cho các sở ngành, UBND quận huyện và thủ trưởng các đơn vị.

Bên cạnh một số kết quả khả quan, hầu hết các cơ chế, chính sách đặc thù còn lại đều chưa tận dụng được. Nguyên nhân là do có ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành cùng một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.

Bà Thắng cho biết, trong 2 năm đầu kể từ khi Nghị quyết 54 có hiệu lực, Thành phố đã triển khai rất quyết liệt nhưng chủ yếu là công tác chuẩn bị. Sau đó, Thành phố bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19.

Trước tình hình này, Thành phố đã nỗ lực huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân triển khai khẩn trương “nhiệm vụ kép” vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh vừa thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh vô cùng khó khăn đó, mặc dù Thành phố đã có các bước chuẩn bị cho việc ban hành các loại phí, lệ phí hoặc tăng mức thuế hoặc thuế suất nhưng buộc phải dừng việc xem xét các đề xuất này.

Trong khi đó, cơ chế tài chính chưa được phát huy như mong đợi. Thành phố chưa có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng ngày càng gia tăng. Hơn 4 năm qua, không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương ở Thành phố. Do đó, Thành phố chưa được hưởng 50% khoản tiền này để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố.

Thành phố cũng chưa có nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp các năm trước gặp vướng mắc do thiếu quy định hướng dẫn về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Điều này dẫn đến Thành phố chưa có cơ sở để thực hiện phê duyệt phương án sử dụng đất doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình thực hiện cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, chi trả thu nhập tăng thêm căn cứ vào số ngày làm việc thực tế của cán bộ, công chức, viên chức khi triển khai còn một số khó khăn, vướng mắc do thời gian làm việc theo quy định riêng của mỗi ngành, lĩnh vực là khác nhau; đặc biệt là một số ngành, lĩnh vực đặc thù (giáo dục và đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao...).

Đồng thời, việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đòi hỏi sự thận trọng trong xây dựng cơ chế tổ chức thực hiện nên thời gian xây dựng quy trình cần nhiều thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.

Đến nay, Thành phố chỉ mới thu hút được 5 chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại Ban quản lý khu công nghệ cao. Trong đó, Ban quản lý khu công nghệ cao đã ký hợp đồng làm việc với 1 chuyên gia, đối với 4 chuyên gia còn lại vẫn chưa thể ký hợp đồng làm việc do đang sinh sống tại nước ngoài, chưa sang Việt Nam làm việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“UBND Thành phố nhận thấy cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54 để tạo điều kiện cho Thành phố khơi thông nguồn lực phát triển trong giai đoạn tới”, bà Thắng nói và kiến nghị nên tích hợp tất cả cơ chế, chính sách mà Thành phố cần Trung ương hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước trong nghị quyết mới.

Tại kỳ họp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 54 có nhiều vấn đề phức tạp, đạt kết quả chưa như mong muốn. UBND Thành phố sẽ có những tổng kết những mặt làm được và chưa làm được vào báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54, từ đó đề xuất nghị quyết mới thay thế.

Hiện Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo về tổng kết Nghị quyết 54 và đã có dự thảo nghị quyết mới. Trong tháng 7, Thành phố sẽ tổ chức lấy ý kiến về các nhóm vấn đề gồm đầu tư, về ngân sách, đô thị, đất đai, tổ chức bộ máy, quán lý kinh tế, quản lý xã hội. Đến tháng 8 sẽ báo cáo Bộ Chính trị, trình thông qua Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.

“Quốc hội rất đồng tình với lộ trình trên. Chúng ta sẽ cố gắng hết sức để nghị quyết mới được thông qua tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội vào tháng 10/2022”, ông Mãi nói.

Trước băn khoăn về việc nếu đến tháng 11 vẫn chưa có nghị quyết thay thế Nghịquyết 54 thì những công việc thực hiện sẽ như thế nào, ông Mãi cho biết, Thành phố đã báo cáo lộ trình với Chủ tịch Quốc hội và nhận được sự ủng hộ. Nếu được thông qua, cuối năm sẽ có nghị quyết tiếp nối, còn nếu không sẽ có cơ chế để tiếp nối, không để bị đứt quãng.

Ông Mãi cũng nhìn nhận có sự hạn chế trong việc phân cấp cho Thành phố. “Lúc ban đầu tiếp cận theo Nghị quyết 54, việc này phân cấp cho Thành phố, nhưng khi làm phải hỏi ý kiến các bộ, mà phải quy lại các quy định của pháp luật. Nên phân cấp thì phải giao điều kiện để thực hiện, đây là vấn đề cốt lõi mà Thành phố sẽ đưa vào nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 trong thời gian tới”, ông Mãi nói.

Ông Mãi cũng cho biết, Thành phố sẽ đưa vào cơ chế đặc thù cho TP. Thủ Đức và cơ chế cho Trung tâm tài chính vào nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.

Tin liên quan
Tin khác