Doanh nghiệp
TP.HCM: Cạn quỹ đất gần trung tâm, doanh nghiệp logistics tìm cách tối ưu hóa chi phí vận chuyển
Hoài Sương - 05/10/2023 12:58
Các quỹ đất gần trung tâm TP.HCM gần như đã cạn kiệt. Do đó, doanh nghiệp logistics phải tìm kiếm các khu vực càng gần trung tâm càng tốt để tối ưu chi phí vận chuyển.

Phát biểu tại Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề “Logistics Việt Nam - Con đường phía trước” do Báo Đầu tư và Công ty SLP Vietnam phối hợp tổ chức sáng ngày 5/10, ông Mai Hoàng, Đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty GHN Logistics cho hay, cuộc cạnh tranh về giá giao vận tại Trung Quốc và Việt Nam hiện rất tương đồng.

Hiện tại, chi phí vận chuyển một đơn hàng tại Trung Quốc có những thời điểm đã kéo về 3 NDT/đơn, tương đương là 10.000 đồng. Còn tại Việt Nam, trong 10 năm qua chi phí vận chuyển đã giảm gần 50%, từ 40.000 đồng giảm còn khoảng 25.000 đồng. Đây không chỉ là sự cạnh tranh về giá của các nhà vận chuyển mà đây còn là yêu cầu của thị trường thương mại điện tử.

Ông Mai Hoàng, Đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty GHN Logistics chia sẻ tại sự kiện.

Về thương mại điện tử, trung bình tại Việt Nam, giá trị đơn hàng chỉ nằm ở mức 350.000 đồng. Do đó, người bán sẵn sàng bỏ ra chi phí lớn hơn 10% cho chi phí vận chuyển đó để đưa giá vận chuyển về mức thấp nhất có thể.

Để đạt được điều này, theo ông Mai Hoàng, có các yếu tố chính quyết định đến chi phí, gồm: Công nghệ phần mềm, công nghệ phần cứng, con người và năng suất. Ở giai đoạn này của Việt Nam, các doanh nghiệp đang áp dụng hai phần là công nghệ phần mềm và nâng cao năng suất cao người.

“Đặc biệt, ngay giai đoạn này, quỹ đất xung quanh khu vực trung tâm TP.HCM đã cạn và với doanh nghiệp logistics, đơn vị vận chuyển tăng lên 1 km thì chi phí đã bắt đầu tăng lên rất nhiều. Vì vậy, doanh nghiệp logistics luôn tìm kiếm một khu vực nào càng gần trung tâm càng tốt. Đó là lý do mà GHN chọn SLP ở Xuyên Á, tuy chưa dùng hết công năng nhưng GHN vẫn chọn thuê cụm kho lên đến 50.000 m2. Sau đó, doanh nghiệp sẽ phải áp dụng công nghệ vào để giảm thiểu rủi ro, cải thiện tốc độ giao hàng của GHN”, ông Mai Hoàng, Đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty GHN Logistics chia sẻ.

Thứ hai, thương mại điện tử là một ngành đặc thù, tỷ lệ thay đổi giữa nhu cầu mua sắm trực tiếp và trực tuyến đang có sự thay đổi từng ngày. Ngoài ra ngành thương mại điện tử vẫn đang ghi nhận mức tăng trưởng từ 20-30%, vì vậy GHN luôn trong trạng thái tập trung đầu tư trước cho tương lai ở phần kho trung tâm.

Ngoài ra, chúng ta vẫn thấy Việt Nam là một đất nước dài, hạ tầng quốc lộ vẫn chưa hoàn thiện nên trong tất cả chi phí logistics thì chi phí cho đường trục là cao nhất. Ví dụ, một container đường bộ để vận chuyển hai đầu thì doanh nghiệp phải mất hơn 20 triệu đồng, đây là một chi phí rất cao.

Tin liên quan
Tin khác