Thời sự
TP.HCM chi hơn 7.000 tỷ đồng hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn
Trọng Tín - 20/09/2021 18:09
Số lượng hỗ trợ dự kiến là hơn 7,3 triệu người, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú. Mức hỗ trợ dự kiến là 1 triệu đồng/người.

Nguồn kinh phí thực hiện được lấy từ ngân sách Thành phố (bao gồm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và nguồn kết dư ngân sách năm 2019 đang theo dõi trong số thu ngân sách năm 2020). Thời gian dự kiến thực hiện hỗ trợ đợt thứ 3 chậm nhất ngày 24/9.

Không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú

Tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh 24 giờ qua, diễn ra vào chiều 20/9, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, danh sách hỗ trợ gói 3 lấy từ cơ sở danh sách của gói 1, 2 và cập nhật bổ sung các trường hợp khó khăn. Nguyên tắc này đảm bảo những người khó khăn đều được chăm lo.

“Quan trọng của gói thứ 3 là không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú; và cả cán bộ Nhà nước cũng như người dân không được lợi dụng gói này để trục lợi”, ông Hoan lưu ý về nguyên tắc mới của gói hỗ trợ này.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, điều quan trọng trong gói hỗ trợ thứ 3 là không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú; và cả cán bộ Nhà nước cũng như người dân không được lợi dụng gói này để trục lợi (ảnh: Trọng Tín)

Có 4 nhóm đối tượng hỗ trợ trong gói thứ 3 gồm:

Thứ nhất, thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng có hoàn cảnh thật sự khó khăn. Như vậy, gói này hỗ trợ theo người thay vì theo hộ.

Thứ hai, người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm cả trường hợp người lao động đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…).

Thứ ba, người phụ thuộc của nhóm 2 gồm: cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách (bao gồm cả trường hợp người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh...).

Thứ tư, người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách và đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Ông Hoan cho biết, nhóm này là những người tình cờ có mặt tại TP.HCM trong thời gian giãn cách. Gói hỗ trợ lần 3 không hỗ trợ đối với người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội và được người sử dụng lao động trả lương của tháng 8/2021.

Số lượng hỗ trợ dự kiến là hơn 7,3 triệu người, không phân biệt thường trú hay tạm trú, lưu trú. Mức hỗ trợ dự kiến là 1 triệu đồng/người. Cách thức hỗ trợ bằng tiền mặt, hoặc chuyển thẳng vào tài khoản người dân (tùy theo nhu cầu của người nhận hỗ trợ). Dự toán kinh phí hỗ trợ là hơn 7.347 tỷ đồng.

Không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách trong gói hỗ trợ

Nhìn lại 2 gói hỗ trợ vừa qua, ông Võ Văn Hoan cho biết mỗi gói hỗ trợ đều có cơ sở và thực tiễn riêng. Ví dụ, gói hỗ trợ thứ nhất tập trung vào lao động tự do có hộ khẩu thường trú và tạm trú trên địa bàn thành phố. Công tác tổ chức gói này rất cơ bản, dễ dàng. Gói thứ nhất thực hiện theo tinh thần của Chỉ thị 15 và Nghị quyết 09, mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người.

Do sự thay đổi về tình hình nên tình trạng người nghèo, gặp khó khăn gia tăng khi TP.HCM triển khai Chỉ thị 16 và 16 tăng cường. Do đó, hộ nghèo, cận nghèo và những hộ lao động gặp khó khăn trong khu dân cư xuất hiện ngày càng nhiều.

Trên cơ sở đó, thành phố mở rộng đối tượng cho những người đã nhận gói 1 được tiếp tục nhận gói 2; và bổ sung lao động tự do không nằm trong Nghị quyết 09, đồng thời thêm hộ nghèo, cận nghèo, lao động gặp khó khăn. Thành phố thống kê thêm 1,3 triệu hộ lao động gặp khó khăn.

Trong gói 2, đối tượng hỗ trợ chia làm 2 loại: Người lao động tự do; và hộ nghèo, cận nghèo và hộ lao động khó khăn. Cả 2 nhóm này đều nhận 1,5 triệu đồng.

Mức hỗ trợ dự kiến trong đợt thứ 3 là 1 triệu đồng/người (ảnh: Lê Toàn)

Từ thực tế hỗ trợ gói 2, thành phố nhận thấy số người trong mỗi hộ khác nhau nên đến gói 3, thành phố quyết định chuyển sang tính trên đầu người với tất cả các nhóm đối tượng. So với gói 2, thành phố chỉ bổ sung thêm đối tượng bảo trợ xã hội; và loại trừ những người đã được hưởng lương từ quỹ tiền lương của doanh nghiệp, cơ quan.

“Khi tính bằng người thì phải tính trường hợp không có việc làm, gặp khó khăn, do đó, thành phố phải có cách lọc ra”, ông Hoan nói.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, mục tiêu cuối cùng của chính quyền thành phố là càng làm càng thiết thực, tránh những bất công trong cách tổ chức, sao cho nhiều người được hưởng chính sách này.

“Rất tiếc, trong quá trình làm thì có rất nhiều việc. Phường, xã, thị trấn rất nỗ lực nhưng vấn đề phát sinh hàng ngày. Vì đối tượng lao động tự do gặp khó khăn thì phải đi từng ngõ, gõ từng nhà. Có trường hợp chính quyền không biết nên khi người ta phản ánh phải tiếp thu”, ông Hoan nhấn mạnh.

Muốn hạn chế trục lợi chính sách, ông Hoan cho biết phải có cơ chế. Cấp phường, xã phải có hội đồng xét duyệt. Khu phố cũng có tổ kiểm tra, rà soát danh sách từng địa bàn và trình UBND quận/huyện/TP. Thủ Đức xem xét phê duyệt. Thành phố sẽ lấy cơ chế tập thể làm cơ sở quyết định các vấn đề dân sinh, hạn chế đến mức thấp nhất cá nhân, cán bộ, công chức có thể sai sót, vô tình ảnh hưởng đến chính sách.

Về xử lý, nếu cán bộ cố tình sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm hành chính còn nếu vô ý, không có động cơ thì thôi”, ông nói.

Về việc người dân có đặt ra vấn đề thu hồi với trường hợp hỗ trợ sai đối tượng, ông Hoan cho biết việc này “chưa bàn tới”. Ông Hoan cho biết thành phố có các bộ lọc khác nhau. Cụ thể như dùng trường dữ liệu của bảo hiểm xã hội để lọc danh sách người đã nhận lương tháng 8. Còn người chưa có trong danh sách này sẽ do địa phương xem xét, phân tích đánh giá.

Tin liên quan
Tin khác