Tiêu dùng
TP.HCM: Nỗ lực để kịch bản tăng trưởng thấp của quý I/2023 không lặp lại
Hoài Sương - 13/01/2024 08:45
Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đều ghi nhận mức giảm khá cao trong năm 2023. Bước sang năm 2024, ngành công thương TP.HCM tìm kiếm nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đóng góp hơn 44,2% tăng trưởng GRDP

Ngày 12/1, Sở Công thương TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành công thương TP.HCM

Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị. 

Theo đó, với mức đóng góp 44,23% (tương đương 2,57 điểm phần trăm) trong tăng trưởng 5,81% tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM (GRDP) ở năm 2023, ngành công thương tiếp tục giữ vai trò, trách nhiệm quan trọng trong phát triển kinh tế Thành phố.

Theo báo cáo của Sở Công Thương TPHCM, trong năm 2023, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn suy giảm trong 3 tháng đầu năm khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm, đơn giá giảm, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng và tiêu thụ sản phẩm. Kể từ tháng 4/2023, tình hình bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại. Sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi từ một số động lực chính từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như: Giảm thuế GTGT, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững…

Qua đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 ước tăng 4,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 13,9%). Trong đó, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 6% (cùng kỳ tăng 20,4%), cao hơn 1,7 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp TP.HCM bắt đầu tăng trưởng dương và tăng dần qua các tháng, bắt đầu từ tháng 4/2023, cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu thương mại dịch vụ năm 2023 ước đạt hơn 1,1 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2022 (cùng kỳ tăng 30,5%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 697.604 tỷ đồng, chiếm 58,6% trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, tăng 11,6% so với năm 2022 (cùng kỳ tăng 20,5%).

Hiện nay, người dân thắt chặt chi tiêu nên doanh nghiệp tăng cường khuyến mại, đa dạng hóa sản phẩm liên tục nhưng chỉ có nhóm hàng thiết yếu mới có sự tăng trưởng nhẹ, còn các nhóm hàng khác sức mua còn thấp.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TP.HCM qua cửa khẩu cả nước đạt 43,48 tỷ USD, giảm 8,64% so với năm 2022 (cùng kỳ tăng 5,1%). Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp TP.HCM qua cửa khẩu cả nước ước đạt 56,73 tỷ USD, giảm 9,81% so với năm 2022 (cùng kỳ tăng 4,4%).

Dù còn nhiều khó khăn nhưng TP.HCM xây dựng nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2024.

Theo Sở Công thương TP.HCM, trong năm 2023, tính liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất công nghiệp các ngành, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà sản xuất sản phẩm còn hạn chế. Đồng thời, phần lớn doanh nghiệp còn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, còn hạn chế về thiết bị, công nghệ, giá thành, sức cạnh tranh và hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa vẫn còn chưa cao.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận vốn vay, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp để thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn.

Tìm cách lấy lại đà tăng trưởng

Bước sang năm 2024 là năm bứt phá để nỗ lực phấn đấu thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp – thương mại, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu để hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra.

Trong đó, TP.HCM đang nỗ lực để kịch bản tăng trưởng thấp của quý I/2023 không lặp lại trong những tháng đầu tiên của năm nay. Do đó, ngành công thương nên xem đây là bài học kinh nghiệm để tham mưu tổ chức công việc và hoạt động kinh doanh cho thành phố.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM đang nỗ lực không để kịch bản tăng trưởng thấp của quý I/2023 (0,7%) lặp lại trong quý đầu tiên của năm nay. Trước mắt là thực hiện tiêu dùng lành mạnh, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sao cho giá cả phù hợp qua chương trình bình ổn thị trường qua đó kích thích, kích cầu tiêu dùng.

TP.HCM tiếp tục chương trình bình ổn thị trường dịp Tết Giáp Thìn năm 2024. 

Nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ; đồng thời chuẩn bị tiền đề cho sự phát triển tăng tốc trong năm 2024, ngành công thương phấn đấu phục hồi tăng trưởng với các chỉ tiêu cụ thể như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,5% so với năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 11% so với dự ước năm 2023; kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp TP.HCM qua cửa khẩu Thành phố tăng 10% so với dự ước năm 2023.

Để đạt được điều này, ngành công thương sẽ triển khai các chương trình liên kết hợp tác với các tỉnh, thành; hỗ trợ giới thiệu và kết nối doanh nghiệp với hệ thống các siêu thị, tập đoàn bán lẻ trong nước, quốc tế và các trang thương mại điện tử.

Đồng thời triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp các sàn thương mại điện tử trong nước để tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM thông tin, TP.HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phát triển 4 ngành công nghiệp trọng điểm. Trong đó tập trung vào phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp thuộc danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP.HCM giai đoạn 2021-2025 như: Cơ khí, cao su - nhựa, lương thực - thực phẩm, công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông, dệt may, dược…

Ngoài ra, TP.HCM tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vận dụng thực hiện có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mở rộng xuất nhập khẩu.

Tin liên quan
Tin khác