Đặc biệt, trong số những người nước ngoài nhập cảnh du lịch vi phạm có nhiều trường hợp có biểu hiện tâm thần, gây rối trật tự công cộng, mất khả năng nhận thức nên khó làm rõ nhân thân, lai lịch.
Đa phần các đối tượng này nhập cảnh vào Việt Nam theo diện miễn thị thực, không cơ quan/tổ chức bảo lãnh. Thậm chí, có đối tượng nhiễm HIV phải đưa đi chữa trị tốn kinh phí Nhà nước, nguy hiểm cho công tác tiếp xúc, xử lý.
Đại tá Phạm Ngọc Tiến, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, chia sẻ tại hội nghị chiều 7-1 |
Đây là báo đánh giá của phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM về công tác cấp, đổi, gia hạn thị thực du lịch, quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực du lịch và những vấn đề phát sinh phức tạp có liên quan từ năm 2016 đến nay.
Cụ thể, tình hình người nước ngoài nhập cảnh vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng.
Trong đó, tập trung vào số đối tượng người Trung Quốc, Trung Quốc (Đài Loan) lợi dụng vị trí địa lý giáp Việt Nam và chính sách thông thoáng trong xét duyệt thị thực nhập cảnh, chuyển đổi mục đích, thành lập doanh nghiệp hay kết hôn với phụ nữ Việt Nam để được cấp giấy tờ cư trú lâu dài ở Việt Nam.
Số đối tượng người gốc Châu Phi và một số quốc tịch khác như Bangladesh, Pakistan… nhập cảnh với mục đích du lịch nhưng luôn tìm cách ở lại lao động, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Công tác xử lý vi phạm đối với số này, gặp một số khó khăn như nhiều trường hợp không có giấy tờ tùy thân hoặc cố tình dấu giấy tờ để kéo dài thời gian ở lại Việt Nam.
Bên cạnh đó, số người Hàn Quốc nhập cảnh Việt Nam mục đích du lịch nhưng đã ở lại làm ăn, sinh sống gia tăng.
Từ đó, tạo lập cộng đồng người Hàn Quốc đông đảo, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, phát sinh nhiều hoạt động phức tạp (nhà hàng, quán bar, karaoke, spa thẩm mỹ…), tập trung tại nhiều khu vực dẫn đến vi phạm pháp luật tăng, phức tạp, hình thành nguồn cung về các hoạt động kinh doanh, giải trí phục vụ cho cộng đồng người Hàn.
Trong đó, phải kể đến khu vực phường 2, phường 4 của quận Tân Bình và khu Phú Mỹ Hưng của quận 7, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.
Thông qua công tác nắm tình hình, quản lý cư trú đối với người nước ngoài, phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã thường xuyên phối hợp Công an các quận, huyện kiểm tra, rà soát, phát hiện và xử lý rất nhiều trường hợp người nước ngoài nhập cảnh với mục đích du lịch vi phạm pháp luật.
Đại tá Phạm Ngọc Tiến đưa ra một số trường hợp điển hình như năm 2016 đã phát hiện, xử lý, trục xuất và buộc xuất cảnh 43 đối tượng tại 3 quận có đông người gốc Phi cư trú (quận 12, Gò Vấp và Tân Phú) với hành vi phổ biến là quá hạn thị thực du lịch.
Đáng chú ý trong số này, phát hiện nhiều trường hợp làm dấu gia hạn tạm trú giả (từ gốc thị thực du lịch).
Năm 2018 có 74 trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính với lỗi vi phạm phổ biến là quá hạn thời gian tạm trú của thị thực du lịch, khai không đúng sự thật để được cấp thị thực.
Cùng với đó, phải đề xuất kinh phí mua vé máy bay để trục xuất với số tiền là hơn 738,5 triệu đồng từ nguồn tiền trích từ 30% phí xuất nhập cảnh.
Năm 2019, phát hiện, xử lý 681 đối tượng người Trung Quốc, Trung Quốc (Đài Loan), các nước châu Phi, Hàn Quốc,…
Trong đó, 308 trường hợp bị phạt hành chính với hành vi “khai không đúng sự thật để được cấp thị thực”.
Cụ thể, các đối tượng này khai báo xin thị thực du lịch nhưng vào Việt Nam hoạt động không tuân thủ theo các chương tình tour du lịch đã đề ra để tổ chức cá cược ăn tiền trái phép, tổ chức sàn chứng khoán online, gọi điện giả danh Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản,…
Còn năm 2020, dù lượng người nước ngoài nhập cảnh giảm trên 90% so với cùng kỳ năm liền kề do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19 nhưng số đối tượng vi phạm pháp luật vẫn tăng, chủ yếu tập trung số người Trung Quốc, Trung Quốc (Đài Loan) cư trú quá hạn, nhập cảnh trái phép vào thành phố với nhiều mục đích khác nhau như du lịch, trốn dịch, kiếm việc làm…
Đại diện phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM cho rằng, nguyên nhân dẫn đến số người nước ngoài nhập cảnh du lịch vi phạm gia tăng chủ yếu do công tác quản lý và chế tài đối với các cá nhân, tổ chức bảo lãnh nhập cảnh cho người nước ngoài diện du lịch còn hạn chế.
Một số cơ quan/tổ chức kinh doanh lĩnh vực du lịch chưa thực hiện đúng trách nhiệm bảo lãnh, quản lý khách, chế tài xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe.
Công tác cấp thị thực của cơ quan ngoại giao của ta ở nước ngoài còn lỏng lẻo, chưa hạn chế được thành phần đối tượng không có điều kiện kinh tế, không có trình độ chuyên môn, vào Việt Nam để hoạt động phạm tội khác đã lợi dụng vào Việt Nam du lịch để lao động, hoạt động lừa đảo, cờ bạc…
Để chấn chỉnh tình trạng người nước ngoài lợi dụng nhập cảnh du lịch vi phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới, đại tá Phạm Ngọc Tiến đưa ra ba đề xuất.
Thứ nhất, ngành du lịch cần phải nghiên cứu, tham mưu xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ về trách nhiệm của các cơ quan/tổ chức bảo lãnh, các doanh nghiệp lữ hành - du lịch.
Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh, bổ sung Nghị định xử phạt vi phạm hành chính (nâng mức phạt và hình thức xử lý đối với các cơ quan, tổ chức và NNN vi phạm) để tăng hiệu quả răn đe.
Thứ hai, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan quản lý người nước ngoài phải xây dựng một hệ thống mạng dữ liệu trao đổi chung để từ đó có cơ sở kiểm tra đối chiếu về quá trình người nước ngoài nhập cảnh du lịch, cư trú tại Việt Nam.
Khi dữ liệu đã liên thông, việc quản lý sẽ chặt chẽ, đồng bộ, sớm phát hiện và xử lý tình trạng người nước ngoài nhập cảnh du lịch nhưng có hoạt động sai mục đích.
Và thứ ba, cần đến sự phối hợp với các sở, ngành của Thành phố có liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Du lịch, Sở Lao động Thương binh và Xã hội,…
Từ đó, đẩy mạnh công tác hậu kiểm sau cấp phép, xử lý kiên quyết các hành vi lợi dụng giấy phép đầu tư, kinh doanh để bảo lãnh cho người nước ngoài nhập cảnh (không đúng nhu cầu), sử dụng lao động người nước ngoài không đúng quy định hay bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh không quản lý chặt chẽ dẫn đến vi phạm pháp luật Việt Nam.