Thời sự
TP.HCM: Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm
Việt Dũng - 12/10/2021 18:53
Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình bình ổn thị trường; tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp...

Chiều 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với HĐND, UBND TP.HCM về giám sát công tác phòng chống dịch, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2021.

Báo cáo tại buổi họp, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tác động của đợt dịch lần thứ tư phản ánh rõ trong bức tranh kinh tế của TP.HCM. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP của Thành phố 6 tháng tăng 5,66% so với cùng kỳ; tuy nhiên đến quý 3 Thành phố thực hiện triệt để giãn cách xã hội, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh, giảm 24,39% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn giảm 17,4% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 3,4%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng năm 2021 ước giảm 12,9%. Bốn ngành công nghiệp trọng yếu 9 tháng ước giảm 10,9%. 

Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 271.639 tỷ đồng, đạt 74,44% dự toán. Tổng số vốn kế hoạch đầu tư công Thành phố đã giải ngân 11.492 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 32% tổng kế hoạch vốn đã giao (35.749 tỷ đồng). 

Do những khó khăn trên, GRDP 9 tháng đầu năm 2021 giảm 4,98% so với cùng kỳ, dự báo cả năm 2021 giảm 5,06% so với cùng kỳ và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 6%). 

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin tại buổi họp


Ngoài ra, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp tác động mạnh đến mọi mặt đời sống của người dân và doanh nghiệp. Nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống và nhà máy phải dừng hoạt động để chống dịch. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn chưa có dấu hiệu hồi phục. Chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy do khó khăn về lưu thông, doanh nghiệp không nhận được đơn hàng mới hoặc bị mất khách hàng. 

Nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ, đứt gãy, công nhân phải nghỉ việc, các ngành dịch vụ du lịch, vận tải, hàng không chịu ảnh hưởng lớn. Nhiều đơn vị kinh doanh như khách sạn - nhà hàng buộc phải đóng cửa. Dịch COVID-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều dự án phải ngừng hoạt động, chỉ có ít dự án đủ điều kiện “3 tại chỗ” mới được thi công dẫn đến tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước giảm mạnh do nhu cầu thị trường giảm. 

Về việc làm, hàng triệu người lao động của Thành phố bị mất việc, không có việc làm hoặc bị cắt giảm việc làm nên ảnh hưởng đến thu nhập, đến sinh kế và đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

Theo đó, phương hướng và giải pháp về việc hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế trong các tháng cuối năm 2021 của Thành phố  là đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình bình ổn thị trường.

Nắm bắt thông tin tình hình khó khăn doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận và cập nhật các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Triển khai chính sách hỗ trợ lãi vay theo Chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố; chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ …

Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công. Nghiên cứu rút ngắn các quy trình, thủ tục đầu tư để sớm triển khai thi công xây dựng.  Rà soát, kiên quyết cắt giảm mạnh vốn đầu tư cho các dự án chưa thật sự cấp bách. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 đạt trên 95%.

Các sở - ban - ngành, UBND TP.Thủ Đức và UBND các quận, huyện rà soát, tổng hợp, phân nhóm các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp vật liệu xây dựng... để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất Thành phố giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực, phát triển các dịch vụ phi tiếp xúc truyền thống trong tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, hoàn thành Đề án xây dựng bộ tiêu chí đo lường kinh tế số, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp...

Tin liên quan
Tin khác