Các trạm y tế không đủ thuốc
Mới đây, UBND TP.HCM vừa có văn bản đánh giá kết quả 3 năm triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Trong đó, UBND TP.HCM nhìn nhận, các trạm y tế phường, xã, thị trấn chưa thật sự thu hút được người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu. Từ năm 2018 - 2022, tỷ lệ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại tuyến xã chỉ chiếm dưới 2% so với tuyến huyện.
Thế nhưng, từ khảo sát của ngành y tế TP.HCM cho thấy, có đến 77,8% người cao tuổi mắc bệnh không lây nhiễm muốn được tái khám và điều trị ngoại trú tại trạm y tế nếu trạm có đủ thuốc như các bệnh viện tuyến huyện.
Theo UBND TP.HCM, hiện có 2 lý do chính làm cho các trạm y tế không có đủ thuốc để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh.
Cụ thể, hầu hết thuốc sử dụng tại trạm y tế do trung tâm y tế hoặc bệnh viện quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện đấu thầu mua sắm. Tuy nhiên, do nhân lực của trung tâm y tế thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc vừa thiếu về số lượng, vừa thiếu tính chuyên nghiệp, bên cạnh đó, do nhu cầu sử dụng thuốc của từng trung tâm y tế rất thấp nên ít nhà thầu tham gia cung ứng.
Danh mục thuốc theo phân tuyến kỹ thuật được quỹ BHYT chi trả tại trạm y tế chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu điều trị các bệnh không lây nhiễm. Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 20/2022/TT-BYT thay thế Thông tư số 30/2018/TT-BYT quy định danh mục thuốc được quỹ BHYT chi trả đã bổ sung nhiều thuốc cho bệnh không lây nhiễm được thanh toán tại trạm y tế nhưng đối với bệnh tâm thần và bệnh hen phế quản thì vẫn chưa đảm bảo.
Ngoài ra, một số trạm y tế cấp xã chưa đủ cơ cấu cán bộ làm việc thường xuyên, đặc biệt là y học cổ truyền, bác sĩ, dược sĩ... gây khó khăn trong công việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và phát triển các kỹ thuật mới. Trình độ chuyên môn nói chung và tin học nói riêng của cán bộ y tế xã chưa cao.
Trạm y tế không có đủ các loại thuốc điều trị ngoại trú như ở bệnh viện tuyến huyện, nên chưa thu hút người dân. |
Cần chính sách nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở
Qua đó, UBND TP.HCM kiến nghị với Quốc hội sớm ban hành “Luật Dự phòng và kiểm soát bệnh tật” để quy định chi tiết về phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, quản lý bệnh không lây nhiễm, lập hồ sơ sức khỏe cho người dân… Đồng thời kiến nghị ban hành luật đấu thầu mới với các quy định riêng trong lĩnh vực y tế, mở rộng phương thức đàm phán giá không chỉ cho thuốc mà còn cho cả trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm…
UBND TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện chính sách, khung pháp lý trong quy định về mua sắm thuốc, vắc xin, hóa chất, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao… trong tình huống khẩn cấp; chỉ đạo Bộ Y tế và bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, ban hành giá dịch vụ khám, chữa bệnh đầy đủ các yếu tố chi phí.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực cho y tế tuyến cơ sở, Sở Y tế đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn nhằm đa dạng các nguồn bổ sung nhân lực cho trạm y tế.
Nhờ đó, đến nay toàn ngành y tế đã bổ sung cho trạm y tế trên 1.000 nhân sự. Cụ thể, số lượng người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế là 120 người (90 bác sĩ và 30 người có chuyên môn khác trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ); số lượng nhân viên vệ sinh, bảo vệ làm việc tại trạm y tế là 553 nhân viên (264 bảo vệ, 289 vệ sinh); số lượng bác sĩ tham gia chương trình thực hành là 404 bác sĩ (đợt 1: 273 bác sĩ, đợt 2: 131 bác sĩ).