Sức khỏe doanh nghiệp
Tracodi tìm lời giải cho bài toán dòng tiền âm kéo dài
Kỳ Thành - 26/08/2021 08:18
Tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh, CTCP Đầu tư phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi) vấp phải vấn đề dòng tiền âm từ 2020 và con số này tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu 2021.

Kinh doanh ấn tượng, nhưng dòng tiền tiếp tục âm

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 của Tracodi cho thấy, trong nửa đầu năm 2021, Công ty đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng.

Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt lần lượt là 1.731 tỷ đồng và 205 tỷ đồng, tăng tương ứng 80% và 510% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp chính trong đó là doanh thu từ mảng xây dựng, thi công các dự án bất động sản, năng lượng áp mái và nhà máy năng lượng mặt trời.

Năm 2021, Tracodi đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 3.203 tỷ đồng, tăng 12,3% so với thực hiện năm 2020; lợi nhuận sau thuế hơn 280 tỷ đồng, tăng hơn 91%. Như vậy, sau nửa đầu năm, Tracodi đã hoàn thành 54% chỉ tiêu doanh thu và 73% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2021.

Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của Tracodi là gần 6.858 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Phần lớn tài sản của Tracodi đang nằm ở các khoản phải thu. Cụ thể, trả trước cho người bán ngắn hạn là 1.676 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn khác 1.677 tỷ đồng, phải thu dài hạn khác 1.147 tỷ đồng. Công ty cũng có 1.067 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, chủ yếu là góp vốn vào các công ty liên kết, liên doanh…

Về nợ, Công ty có 5.664 tỷ đồng nợ phải trả tại thời điểm 30/6/2021, trong đó, người mua trả tiền trước ngắn hạn là 2.031 tỷ đồng, vay nợ tài chính ngắn hạn hơn 1.170 tỷ đồng, phải trả dài hạn khác 1.147 tỷ đồng.

So với thời điểm đầu năm, vốn chủ sở hữu của Công ty tăng mạnh, trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 823 tỷ đồng, tăng 350 tỷ đồng do đợt phát hành chào bán riêng lẻ 35 triệu cổ phiếu từ ngày 31/12/2020 đến 4/2/2021; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 327,2 tỷ đồng, tăng 127% so với đầu năm.

Điều đáng chú ý nhất trên báo cáo tài chính của Tracodi là lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh nửa đầu năm 2021 của Công ty ghi nhận âm 824,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 276 tỷ đồng.

Về dài hạn, dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông, nếu không, doanh nghiệp có thể sẽ chìm trong gánh nặng nợ nần.

Tuy nhiên, với trường hợp của Tracodi, doanh nghiệp này đang trong trong quá trình mở rộng quy mô, với định hướng năm 2021, Tracodi sẽ không chỉ là tổng thầu xây dựng cho hệ sinh thái trong tập đoàn mẹ là Bamboo Capital, mà lấn sân sang các dự án giao thông và hạ tầng khác. Do vậy, việc tăng vay nợ, bị chiếm dụng vốn như đã nêu ở trên dẫn tới dòng tiền âm là điều dễ hiểu.

Tăng vốn có phải là lời giải?

Để giải bài toán dòng tiền âm, ngoài việc đẩy mạnh thu hồi nợ, các doanh nghiệp cũng thường lựa chọn cách phát hành cổ phiếu tăng vốn, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán thuận lợi.

Theo công bố của Tracodi trong đợt phát hành 35 triệu cổ phần hồi đầu năm nay, 350 tỷ đồng huy động được Công ty sử dụng để thanh toán cho các đơn vị, nhà thầu phụ thi công, nhà cung cấp tại Dự án King Crown Infinity mà Tracodi đang thực hiện theo hợp đồng đã ký với chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gia Khang. Tuy nhiên, đầu tháng 7/2021, HĐQT Tracodi đã điều chỉnh mục đích đối với một nửa số vốn này để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.

Ngoài ra, với 250 tỷ đồng huy động từ đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ chuyển đổi năm 2021, Tracodi cũng chuyển đổi mục đích sử dụng một nửa số vốn này (124,9 tỷ đồng) để bổ sung vốn lưu động.

Tuy nhiên, giải pháp “dài hơi” hơn để bổ sung nguồn vốn, tận dụng vốn “giá rẻ” cũng vừa được Tracodi đưa ra.

Cụ thể, HĐQT Tracodi đã thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, Tracodi dự kiến phát hành hơn 87,2 triệu cổ phần, tỷ lệ phát hành 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 quyền mua, cứ 1 quyền mua được mua 1 cổ phiếu mới. Nếu thành công, Tracodi sẽ huy động được 872 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ Công ty lên gấp đôi.

Theo báo cáo, số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ để bổ sung vốn lưu động, thanh toán toàn bộ các khoản phải trả cho đơn vị, nhà thầu phụ thi công, tư vấn thiết kế... liên quan đến việc thi công Dự án King Crown Infinity (530 tỷ đồng) và số còn lại (342 tỷ đồng) dành cho Dự án Khu du lịch sinh thái Cồn Bắp. Tradico cho biết, sẽ ưu tiên nguồn tiền cho Dự án King Crown Infinity trong trường hợp không huy động đủ vốn theo phương án phát hành.

Giá chào bán mà Tracodi đưa ra là 10.000 đồng/cổ phần, trong khi cổ phiếu TCD của công ty này thời gian qua tăng mạnh và hiện giao dịch trên mức 18.000 đồng/cổ phần.

Mặc dù có gần 300 tỷ đồng vốn lưu động sau khi điều chỉnh mục đích sử dụng vốn từ đợt phát hành cổ phần và trái phiếu, nhưng kế hoạch huy động vốn với lý do tương tự như hồi đầu năm đang khiến giới đầu tư đặt câu hỏi về hiệu quả và mục đích sử dụng vốn của Tracodi.

Tin liên quan
Tin khác