Quyết “trảm” hàng loạt dự án FDI
Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 5/2018, các cơ quan chức năng của TP.HCM đã ra hàng loạt thông báo “tìm kiếm tung tích” các dự án FDI đã dừng hoạt động từ lâu, mà chủ đầu tư thì “đi đâu không rõ”.
Trong số này, đáng chú ý có các dự án Weita (Samoa), Ventron Technologies Việt Nam (Mỹ), Thermatex Việt Nam (liên doanh với nhà đầu tư Australia), Caravans (Australia), Taa Wieu (Đài Loan), Korvet (Hàn Quốc), Hielectric (Đài Loan), C&N (Philippines), Maxrob (Mỹ)…
. |
Không chỉ có TP.HCM, mà nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đã không ngừng lên tiếng tìm kiếm “tung tích” các nhà đầu tư không triển khai dự án, hoặc đã từng triển khai rồi biến mất không dấu vết.
Trong khi đó, cuối tháng 3/2018, Ban Quản lý khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hòa Bình đã cùng lúc có “trát” tìm kiếm chủ đầu tư của hai dự án: Nhà máy Bia Tiệp và KCN Lạc Thịnh. Gọi là hai, nhưng thực chất chỉ là một, bởi BTG Holding chính là chủ đầu tư của cả hai dự án này.
Theo thông tin của Ban Quản lý KCN Hòa Bình, thì Dự án Nhà máy Bia Tiệp được cấp chứng nhận đầu tư vào cuối tháng 10/2012, nhưng đã tạm ngừng hoạt động vào tháng 10/2017. Đến nay, chủ đầu tư đi đâu không rõ tung tích.
Dự án Nhà máy Bia Tiệp đã từng được nhắc tới rất nhiều, bởi đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất của tỉnh Hòa Bình cho tới thời điểm đó. Theo kế hoạch, BTG Holding sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất bia Tiệp với công suất 190 triệu lít/năm, tổng vốn đầu tư 86 triệu euro, cung cấp cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Cuối năm 2013, dự án này đã được động thổ giai đoạn I, với quy mô vốn 45 triệu euro. Kế hoạch khi đó, sau lễ động thổ, nhà máy sẽ được xây dựng để có thể cho ra sản phẩm vào năm 2015. Sau đó, Tập đoàn BTG Holding sẽ khởi công nhà máy nhiệt điện trị giá 100 triệu euro và nhà máy sản xuất linh kiện ô tô trị giá 200 triệu euro.
Kế hoạch đầu tư lớn như vậy, lễ động thổ cũng diễn ra khá rộn ràng, trong sự kỳ vọng của người dân địa phương và người tiêu dùng Việt Nam về một nhà máy sản xuất bia Tiệp tại Hòa Bình. Tuy nhiên, thông tin từ Ban quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình, kể từ đó tới nay, mọi kế hoạch xây dựng Nhà máy vẫn giậm chân tại chỗ, chưa có bất cứ hạng mục nào được thực hiện.
“Tháng 10/2017 là thời điểm chúng tôi lập biên bản để xác nhận dự án ngừng hoạt động, chứ thực tế, tung tích của chủ đầu tư đã từ rất lâu, chúng tôi không được biết”, một cán bộ của Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình cho Báo Đầu tư biết.
Trong khi đó, Dự án KCN Lạc Thịnh, diện tích 220 ha, tổng mức đầu tư 45 triệu euro cũng đã được khởi công xây dựng vào cuối năm 2013, ngay trước thời điểm BTG khởi công Dự án Nhà máy Bia Tiệp. Và số phận của cả hai dự án này không khác xa là mấy.
Rất nhiều dự án FDI đang trong tình trạng tương tự. Nếu không có gì thay đổi, các dự án này sẽ bị “trảm” trong thời gian tới. Bởi theo quy định của pháp luật và cũng như trong thông báo của các địa phương, sau 90 ngày thông báo được phát ra, nếu chủ đầu tư không liên hệ với cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư, thì việc chấm dứt hoạt động của dự án sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nỗi lo hậu kiểm
Việc “trảm” các dự án FDI nói trên chỉ mang ý nghĩa về mặt thủ tục, giấy tờ, bởi trên thực tế, các dự án này đều đã không hoạt động từ lâu. Nhìn vào hàng loạt dự án mà TP.HCM dự tính “trảm” đợt này, có thể thấy rõ điều đó.
Chẳng hạn, Dự án Weita được xác định thời điểm ngừng hoạt động là tháng 8/2004; Dự án Ventron Technoligies Việt Nam ngừng hoạt động từ ngày 1/8/2010; Thermatex từ tháng 3/2011; Korvet tháng 8/2004; Caravans năm 2012… Có nghĩa là, có những dự án đã dừng hoạt động 14 - 15 năm, song vẫn chưa được “khai tử”, chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
Cũng cần nhắc lại một câu chuyện rằng, hồi đầu năm nay, dư luận không khỏi bức xúc trước thông tin chủ đầu tư KL Texwell Vina (Hàn Quốc) bỏ trốn, để lại nợ nần và hơn 2.000 công nhân bơ vơ. Chính phủ đã phải vào cuộc, địa phương cũng tích cực hỗ trợ mới có thể giải quyết phần nào được hậu quả trong vụ việc này.
Thậm chí, thời điểm đó, khi chuyện ở KL Texwell Vina còn đang lùm xùm, thì cũng không thiếu thông tin về các doanh nghiệp FDI “mất tăm, mất tích” từ lâu. Chẳng hạn, Dự án QSIC Việt Nam ở TP.HCM được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2005, dừng hoạt động tại Khu công nghệ cao Sài Gòn từ tháng 12/2016 và kể từ đó đến nay, cơ quan chức năng không tài nào liên hệ được với QSIC.
Chưa kể, một loạt danh tính khác cũng đã bị truy tìm, như K&P, Exon Việt Nam, Shin Kwang Global Việt Nam, TK-Vina, Sohwa, Coreka Partners… Lý do đều là vì các công ty này rời trụ sở đã lâu và cơ quan quản lý không thể liên lạc được.
Chưa nói tới câu chuyện nhà đầu tư bỏ trốn, để lại những khoản nợ khổng lồ, mà đến nay chưa xử lý được, trong đó minh chứng rõ nhất là ở Dự án KCN Kenmark (Hải Dương) hay LifePro (Ninh Bình), chỉ riêng việc các dự án này vẫn nằm trong bảng tổng hợp các dự án FDI cũng là một vấn đề. Nó cho thấy, vẫn còn những con số “ảo”, chưa thực chất về tình hình thu hút FDI ở Việt Nam.
Thực tế, nếu so sánh với số lượng hơn 25.500 dự án FDI còn hiệu lực cho đến thời điểm này, thì số lượng doanh nghiệp FDI bỏ trốn, hay nói đúng hơn là “vắng chủ” không lớn. Song dù vậy, thực trạng đó cũng đã đặt ra vấn đề làm sao phải quản lý chặt hơn các doanh nghiệp FDI hậu cấp phép, nhằm tránh hệ lụy về sau.