Trên thực tế, vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội Việt Nam, trong phát triển kinh tế, xây dựng đất nước đã sớmđược công nhận. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930 ghi rõ “Nam nữ bình quyền”. Tháng 10/1930, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng đã ra Nghị quyết về Phụ nữ vận động.
. |
Đây là nghị quyết lịch sử, mở đầu cho trang sử mới của phong trào phụ nữ, đánh dấu quá trình hình thành tổ chức Hội đầu tiên của phong trào phụ nữ Việt Na. Đây cũng là mốc ghi nhận tổ chức Hội Phụ nữ và phong trào phụ nữ xuất hiện sớm cùng với sự xuất hiện của các tổ chức quần chúng cách mạng khác do Đảng lãnh đạo. Và ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chính thức thành lập. Đây cũng là dấu mốc đánh dấu sự ra đời của Ngày Phụ nữ Việt Nam.
Có thể nói, không riêng tại Việt Nam, mà ở nhiều quốc gia trên thế giới, phái đẹp luôn có đóng góp quan trọng trong những giai đoạn lịch sử, được ghi nhận một cách xứng đáng. Bên cạnh thiên chức vĩ đại làm mẹ, làm vợ trong mỗi gia đình, nhiều phụ nữ đã tự tin, vươn lên khẳng định mình, trở thành lãnh đạo cấp cao, nhà khoa học, doanh nhân…
Riêng trong lĩnh vực kinh doanh, nhiều tổ nghề kinh doanh ở Việt Nam là phụ nữ, như tổ nghề trồng dâu, nuôi tằm, tổ nghề dệt may, tổ nghề gốm sứ… Vào giữa thế kỷ thứ XV, Bùi Thị Hỷ, bà tổ của nghề gốm sứ Việt Nam đã vượt biển mang hàng gốm sứ Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới, cạnh tranh ngang ngửa với gốm sứ từ nước Trung Hoa.
Số lượng nữ doanh nhân có xu hướng ngày càng tăng. Ở Việt Nam, bình quân cứ 4 người là doanh nhân thì có 1 người là phụ nữ. Mặc dù chỉ chiếm 25% tổng số doanh nhân, nhưng tỷ lệ nữ doanh nhân được Việt Nam và thế giới ghi nhận, tôn vinh không hề thua kém đấng mày râu. Đặc biệt, trong 2 tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam được Tạp chí Forbes bình chọn, đã xuất hiện 1 gương mặt nữ.
Với những đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vị trí, vai trò của phụ nữ ngày càng được đánh giá cao. Điều này lý giải vì sao 21 nền kinh tế APEC đại diện 39% dân số thế giới, chiếm 57% GDP toàn cầu hiện rất quan tâm tới việc tìm ra động lực mới thúc đẩy sự tham gia và đóng góp của phụ nữ vào phát triển kinh tế - xã hội. Ở góc độ khác, điều đó còn thể hiện sự ghi nhận của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC về những đóng góp to lớn của phụ nữ, về sức ảnh hưởng của phái nữ trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi, đang đặt ra nhiều thách thức mới cho nữ doanh nhân và lực lượng lao động nữ. Chính vì vậy, việc tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ nữ doanh nhân tiếp cận vốn, học tập kinh nghiệm quản lý, trao cho họ thêm quyền nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển là vô cùng cần thiết.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh từng nói, tự thân phụ nữ có thể quyết định mình cần phải làm những gì để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đang thay đổi từng ngày. Ý thức được vai trò của mình, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế, của mình, phụ nữ - những người luôn biết, chấp nhận và dám vượt qua khó khăn, thách thức để đi lên - sẽ là lực lượng đóng góp ngày càng nhiều hơn công sức, trí tuệ vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.