“AI đang đe dọa nguồn thu báo chí, đó là vấn đề sống còn đối với chúng ta”, Nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định như vậy tại hội thảo “Trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn”, một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. |
Theo ông Lê Quốc Minh, khi báo in có dấu hiệu sa sút, người làm báo chuyển sang hy vọng rằng báo điện tử có thể phần nào gỡ lại được kinh phí và ra sức thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Nền kinh tế của sự chú ý, The attention economy, phát triển mạnh trong thời kỳ này, với câu chuyện xoay quanh các từ khóa, xu hướng, SEO…
“Nhưng nội dung có nhiều người đọc chưa chắc là các nội dung chất lượng. Sự thu hút quảng cáo trên nền tảng điện tử cũng đang khó dần”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định.
Trong bối cảnh ấy, các công cụ trí tuệ thông minh nhân tạo, tiêu biểu là ChatGPT ra đời, thay đổi hoàn toàn cách thức con người tìm kiếm thông tin. Nếu trước đây, người đọc tìm kiếm thông tin từ các sự kiện thời sự và được trả về 10, 20 link để họ tự tìm hiểu; thì nay, ChatGPT tự động tổng hợp thông tin và viết thành một đoạn ngắn đầy đủ chi tiết. Người dùng không cần đi vào đọc tin trên các website báo chí nữa.
“Nguy cơ chúng ta mất 50% lượng truy cập từ các công cụ tìm kiếm đang hiện rõ, kèm theo đó là mất tiền quảng cáo, dù khoản tiền này không cao lắm”, ông Lê Quốc Minh thừa nhận.
“Vậy đầu tư vào AI trong báo chí có cần không, xin thưa là cần. Hiện nay, nếu ai nói là không nên đầu tư vào AI thì thật sự rất tụt hậu”.
Ông Minh kể lại câu chuyện năm 2017, khi làm ở cơ quan báo chí cũ, ông cùng nhiều đồng nghiệp bắt đầu nghiên cứu AI và đưa vào áp dụng. Cuối năm đó, tại Hội báo toàn quốc, họ đưa chủ đề này ra nói và nhận lại một số phản hồi rằng câu chuyện vẫn còn xa xôi lắm, còn lâu trí tuệ nhân tạo mới vào Việt Nam.
Nhưng với công cụ như ChatGPT, những gì xảy ra trên thế giới đều có mặt ngay lập tức tại Việt Nam thay vì 5-7 năm hoặc 3-4 năm như nhiều người từng dự đoán.
“Vì vậy, việc đầu tư vào AI là điều vô cùng cần thiết”, người đứng đầu Hội Nhà báo khẳng định.
Ông Minh đánh giá rằng, con đường báo chí đang đi chắc chắn sẽ luôn đồng hành với công nghệ. Các công cụ AI không đơn giản chỉ hỗ trợ hoạt động viết bài, mà còn có thể làm nhiều việc khác nhau, ví dụ nắm bắt hành vi người dùng để cá nhân hóa những nội dung phù hợp.
“Công nghệ, trong đó có AI, sẽ hỗ trợ rất nhiều việc, giúp giảm đi những công việc tủn ngủn, mất nhiều công sức, làm đi làm lại. Nhưng ở góc độ sáng tạo, làm những điều đòi hỏi cảm xúc, phỏng vấn đối tượng... thì trước mắt trí tuệ nhân tạo chưa làm được. Nhưng biết đâu đó, nếu theo phỏng đoán của các chuyên gia là vào năm 2036, việc máy móc đảm nhận hết công việc của chúng ta biết đâu sẽ trở thành sự thật".
"Mọi người đã xem Terminator, người máy bước ra ngoài và hủy hoại cuộc sống của con người thì biết đâu đó, nó có thể trở thành sự thật nếu ngay từ bây giờ chúng ta không nghĩ ra cách kiểm soát trí tuệ nhân tạo, để phục vụ đời sống công việc, thay vì lệ thuộc vào nó...", ông Minh nhắn nhủ.
Đừng chỉ choáng ngợp trước công nghệ của thế giới
Xuất hiện tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đã đưa ra nhiều ý kiến đáng suy ngẫm về cách tác nghiệp của người làm báo.
Ông đặt vấn đề: “Thuật toán có phải báo chí hay không khi thuật toán đang quyết định chúng ta xem cái gì? Chúng ta đừng nghĩ chúng ta quyết định. Chúng ta chịu ảnh hưởng của thuật toán. Thuật toán nắm được hành vi của mình, gợi ý cho mình thứ mình muốn xem, gợi ý những người có cùng quan điểm với mình, mình thấy quá có lý, và đó là điều vô cùng nguy hiểm”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, dùng mạng xã hội trong thời gian dài khiến không ít người hình thành định kiến về một sự việc trước khi hiểu về sự việc ấy. Điều này dẫn tới nguy cơ người làm báo sẽ đi chứng minh định kiến là đúng, chứ không phải đi tìm sự thật.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Trong thời đại công nghệ nở rộ như hiện nay, mọi người có thể tìm kiếm thông tin theo hình thức nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Điều này, được ông Lâm cho rằng sẽ mang tới nguy cơ nhưng cũng kèm theo cơ hội với những người làm báo.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông thừa nhận rằng, công nghệ cho phép người làm báo gạt bỏ bớt các công đoạn mà máy có thể làm tốt hơn con người. Vậy nên, ông khuyên nhà báo “đừng làm việc thừa thãi”.
“Trước vấn đề thế giới thay đổi như hiện tại, mọi người hay nghĩ phải học thêm, đào tạo thêm, làm thêm cái này, tuyển thêm cái kia…điều đấy đúng nhưng không đúng với tất cả mọi người, vì không phải ai cũng có đủ nguồn lực”.
“Quan trọng nhất là trước khi nói chuyện nên làm gì, hãy nói tới chuyện không nên làm gì, “do” và “don’t”. Hãy nghĩ rằng, những thứ trùng khớp với điều cả xã hội đang làm, không mang lại giá trị gì khác thì chúng ta không nên làm. Không nên viết loại tin thế này, không nên lên mạng xã hội xem có gì để viết tin lấy view nữa…”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhắn nhủ.
Cũng theo ông Lâm, khi ra đến thế giới, chúng ta thường choáng ngợp trước sự vô tận của thế giới mà quên mất thế giới bên trong của mình cũng vô tận và sâu vô cùng. Đây là chỗ mà máy móc chưa can thiệp vào nhiều. Trải nghiệm riêng của mỗi người làm báo, cách họ lấy những gì tốt nhất từ trong trải nghiệm đó để kể câu chuyện của mình, sẽ luôn có giá trị với thế giới.
“Đó là những câu chuyện độc bản, không sao chép, không có AI nào ngụy tạo được. Và có lẽ đó là hướng mới trong tác nghiệp báo chí”, ông nói. “Chúng ta chỉ dùng công nghệ theo hướng có lợi cho chúng ta, không nên hùa theo công nghệ rồi làm mất đi bản thể của mình”.
“Lấy bất biến ứng vạn biến, muốn đi xa thì phải về gần, hãy giữ những gì là giá trị cốt lõi của mình. Công nghệ hay mọi thứ chỉ liên quan chỉ là công cụ. Mô hình kinh doanh dựa trên sự chú ý khiến cả thế giới mệt mỏi vì nó. Người ta đang đi tìm những sản phẩm khác, những mô hình kinh doanh khác, thị trường ngách khác. Chúng ta không làm ra công nghệ, chúng ta chỉ ứng dụng thôi. Hãy làm những gì tốt nhất với công nghệ, và trước khi nói về chuyện làm gì tốt nhât, hãy gạt bỏ những gì thừa thãi, không cần thiết, không tạo ra giá trị. Công nghệ cho mình quyền lựa chọn nhưng đòi hỏi mỗi người làm báo phải biết mình cần gì, phải có phông nền kiến thức và hệ giá trị bản thân tương đối vững vàng, để đưa ra quyết định tốt nhất cho mình”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm bày tỏ.