Các doanh nghiệp ngoại đang tìm cách thâm nhập thị trường cơ khí, chế tạo của Việt Nam khi Việt Nam được nhận định là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp FDI, trong khi, nhu cầu đầu tư công nghệ của các doanh nghiệp Việt đang có xu hướng gia tăng thời gian tới. |
Lý giải về con số có tới 75% doanh nghiệp ngoại tham gia triển lãm này, ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty UBM Việt Nam, đơn vị tổ triển lãm cho biết: “Việt Nam hiện đã ký nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương. Tác động lớn nhất của các hiệp định này với khối sản xuất là giúp làm giảm chi phí đầu tư cho nhiều lĩnh vực do đó sẽ khuyến khích đầu tư từ khối doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy, tăng trưởng GDP Việt Nam 30 năm qua có mức tăng trưởng gấp 10 lần, mức tăng trưởng đáng ngưỡng mộ chỉ sau Trung Quốc. Một phần đóng góp khá lớn vào tăng trưởng này đến từ lĩnh vực cơ khí, chế tạo, trong khi đó, khu vực phía Bắc Việt Nam được biết đến là nơi quy tụ nhiều nhà máy lớn mà Samsung là điển hình trong số đó. Đây là những lý do khiến doanh nghiệp ngoại càng ngày càng quan tâm tới thị trường cơ khí, chế tạo của Việt Nam”.
Một lý do khác khiến lĩnh vực cơ khí, chế tạo thu hút nhiều doanh nghiệp ngoại theo ông Phạm Đức Thiên, Trưởng bộ môn kỹ thuật cơ khí, Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội đến từ thực tế đang có sự chênh lệch về vốn đầu tư trong lĩnh vực sản xuất chế tạo giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại.
Theo ông Thiên, nếu tổng vốn đầu tư của các công ty cơ khí trong nước chỉ đạt khoảng 360-380 triệu USD thì tổng vốn đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất chế tạo đạt khoảng 2,1 tỷ USD. Nguồn vốn đầu tư này sẽ tiếp tục tăng khi dự đoán đến năm 2020, ngành công nghiệp cơ khí chế tạo sẽ có tổng sản lượng xuất khẩu đạt 35%, giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%, đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, theo số liệu thống kê không đầy đủ, các doanh nghiệp Việt mới đầu tư trung bình không vượt quá 2% tính theo doanh thu cho đổi mới công nghệ.
Mặc dù vậy, bức tranh đầu tư về công nghệ của các doanh nghiệp Việt rất có thể sẽ khác khi Việt Nam đã đặt ra chiến lược tập trung phát triển một số phân ngành cơ khí như ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp và thiết bị điện nhằm mục tiêu đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và một phần xuất khẩu. Chiến lược này đang được nhận định là sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ để các nhà sản xuất không ngừng nâng cấp công nghệ nhằm cải tiến chất lượng kỹ thuật và công nghệ. Do đó, thông qua các triển lãm, các doanh nghiệp ngoại tìm cách thâm nhập vào thị trường Việt Nam ở thời điểm hiện tại là điều dễ lý giải.
Theo ban tổ chức, ngoài trưng bày các sản phẩm công nghệ hiện đại và thiết bị máy móc thông minh đến từ rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, bên lề triển lãm này cũng sẽ diễn ra các chuyên đề công nghệ theo xu thế như chuyển đổi doanh nghiệp số trong thời đại công nghiệp 4.0; báo cáo phương thức phát triển mới trong thời đại công nghiệp 4.0; xu hướng hoạch định nguồn lực doanh nghiệp theo công nghệ 4.0 cho các doanh nghiệp sản xuất/gia công cơ khí chính xác; ứng dụng blockchain và 4.0 trong quản trị doanh nghiệp và hệ thống an ninh thông tin theo chuẩn ISO 27000 hay mô hình kinh tế tích hợp hàng hóa – dịch vụ nhằm nâng cao giá trị tổng thể và tối ưu hóa lợi ích cho doanh nghiệp và khách hàng....