Một góc thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Các nhà phân tích trước đó dự đoán Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 5% cho năm 2023. Đơn cử theo phân tích của đài CNBC, dự báo tăng trưởng trung bình của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 là 5,24%.
Trung Quốc cũng đặt mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng là 3% trong năm 2023 và tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 5,5% với việc tạo ra khoảng 12 triệu việc làm mới ở khu vực này. Con số này cao hơn mục tiêu hơn 11 triệu việc làm của năm 2022.
Báo cáo của chính phủ Trung Quốc cũng kêu gọi thực hiện "chính sách tiền tệ thận trọng" theo cách "có mục tiêu", đồng thời lưu ý rằng tỷ lệ thâm hụt so với GDP năm nay dự kiến sẽ tăng lên 3%, từ mức 2,8% của năm ngoái.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đã trình bày báo cáo công tác chính phủ tại lễ khai mạc Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV vào ngày 5/3.
Báo cáo này đã đưa ra 8 ưu tiên cho chính sách kinh tế Trung Quốc. Theo đó, thúc đẩy nhu cầu trong nước - từ tiêu dùng đến đầu tư - được Trung Quốc ưu tiên hàng đầu, tiếp theo là cải thiện hệ thống sản xuất công nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Các ưu tiên khác bao gồm "tăng cường nỗ lực thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài", "ngăn ngừa và xoa dịu" các rủi ro tài chính, ổn định sản xuất lương thực, tiếp tục phát triển xanh và phát triển các chương trình xã hội.
"Chúng ta nên cố gắng phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, tăng cường giám sát thường xuyên và hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế nền tảng", báo cáo nêu.
Mặc dù báo cáo của chính phủ Trung Quốc không nêu tên các công ty cụ thể được hỗ trợ, nhưng các công ty công nghệ internet như Alibaba thường được xác định thuộc "nền kinh tế nền tảng", vốn đã bị Bắc Kinh giám sát ngày càng nhiều trong vài năm qua.
Đối với bất động sản, báo cáo của chính phủ Trung Quốc kêu gọi hỗ trợ người dân mua căn nhà đầu tiên của họ và "giúp giải quyết các vấn đề nhà ở cho cư dân đô thị mới và những người trẻ tuổi".
"Chúng ta phải đảm bảo phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro một cách hiệu quả đối với các doanh nghiệp bất động sản top đầu, chất lượng cao; giúp họ cải thiện tỷ lệ nợ trên tài sản và ngăn chặn tình trạng không kiểm soát gia tăng trên thị trường bất động sản, nhằm thúc đẩy sự phát triển ổn định của ngành này", báo cáo nêu rõ.
Khủng hoảng bất động sản trên diện rộng ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2022. Trước đó, Bắc Kinh đã siết chặt quản lý các nhà phát triển bất động sản lạm dụng tăng trưởng nhờ đòn bẩy nợ vào năm 2020.
Ông Bruce Pang, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường Trung Quốc Đại lục tại Công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu JLL, cho rằng chính sách bất động sản của Trung Quốc có thể sẽ hỗ trợ nhu cầu tài chính hợp lý của các công ty bất động sản chất lượng cao và hướng họ tới các lĩnh vực tăng trưởng bền vững.
Mặt khác, các nhà phát triển bất động sản "không thể chủ động hoàn thành việc điều chỉnh và chuyển đổi hoạt động kinh doanh sẽ bị thị trường đào thải một cách tự nhiên", ông Pang lưu ý.
Năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc chỉ đạt tăng trưởng 3%, đánh dấu một năm hiếm hoi không đạt mục tiêu quốc gia, bởi lẽ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% cho năm 2022, nhưng chính sách chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt, bao gồm cả việc phong tỏa Thượng Hải - trung tâm tài chính và thương mại hàng đầu Trung Quốc - trong 2 tháng cùng với sự suy thoái của thị trường bất động sản, đã kéo tăng trưởng đi xuống.