Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, trong số 99 tàu Trung Quốc có 38 tàu hải cảnh, 19 tàu phục vụ, 8 tàu kéo, 4 tàu chiến, 30 tàu cá vỏ sắt và các loại máy bay tuần thám vây quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép.
Tàu Trung Quốc luôn luôn cản trước mũi tàu của Cảnh sát biển Việt Nam không cho tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: Lao Động |
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 15/5, các tàu Trung Quốc đã co cụm lại quanh giàn khoan trái phép Hải Dương 981 với bán kính khoảng 5,6 km. Đồng thời, các tàu của Trung Quốc vẫn hung hăng ngăn cản hành động ngăn cản và sẵn sàng va chạm khi tàu cá của ngư dân và tàu chấp pháp của Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981.
Ông Nguyễn Văn Trung cho biết, phía lực lượng của Trung Quốc vẫn tăng cường kèm sát, đâm va, cản phá và dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam khi tiếp cận giàn khoan và sử dụng máy bay quân sự để trinh sát, bay quanh khu vực tàu Việt Nam.Mặt khác, các tàu Trung Quốc thường xuyên rú còi có công suất lớn nhằm lấn át khi lực lượng Việt Nam phát loa tuyên truyền quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981.
Mặc dù thế, Tàu Cảnh sát Biển và Kiểm ngư Việt Nam vẫn tổ chức tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981 để tuyên truyền khẳng định chủ quyền đồng thời yêu cầu các tàu bảo vệ của Trung Quốc và giàn khoan rời khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, tàu của Trung Quốc thường xuyên áp sát, ngăn chặn hoạt động của lực lượng chấp pháp của Việt Nam.
Một số tàu cá của ngư dân ta đang sản xuất trên khu vực đã bị tàu của Trung Quốc áp sát, ngăn cản và đâm vào 1 tàu cá của ta làm gãy dọc cabin sau lái. Tuy nhiên, tàu bị hư hỏng đã tự khắc phục và tiếp tục sản xuất tại ngư trường.
Theo tường thuật của phóng viên báo Lao động tại hiện trường, ngày 15/5, khi tàu cảnh sát biển di chuyển đến vị trí gần giàn khoan trái phép của Trung Quốc khoảng cách 10 hải lý, các tàu tăng tốc, chia các hướng thành hình vòng cung tiến sâu vào khu vực giàn khoan để thực hiện quyền chấp pháp của mình.
Ở bán kính 4,5 hải lý, 18 tàu hải giám, hải cảnh của TQ đã chực sẵn và đồng loạt tiến về phía các tàu CSBVN ngăn chặn.
Loa công suất lớn cảnh báo họ đang xâm phạm quyền lãnh hải Việt Nam và đề nghị tàu Trung Quốc rút ra khỏi vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, mọi cảnh báo dường như bị phớt lờ. Các tàu hải cảnh của TQ vẫn mặc nhiên lao về tàu CSBVN, trong đó hai tàu hải cảnh 3411 và 21112 của Trung Quốc chèn ngang mũi tàu 8001 và 2013, 6003 của CSBVN.
Các biên đội vẫn giữ nguyên đội hình di chuyển chủ động phòng tránh va chạm. Khi các tàu Cảnh sát biển Việt Nam giảm tốc độ dừng hẳn trên biển ở cự ly 5 hải lý, thì các tàu Trung Quốc cũng giảm tốc độ rồi chạy vòng vòng uy hiếp. .
Phía Trung Quốc dường như phát hiện có rất nhiều ống kính của các nhà báo Việt NAm và quốc tế trên tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang quay về phía họ, nên đã giảm hẳn thái độ hung hăng trước đó.
Theo quan sát của phóng viên, có rất nhiều tàu vận tải, tàu dân sự nước ngoài đi qua vùng biển Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, tàu đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam, điều đáng lo ngại là khi hàng chục con tàu hải giám của Trung Quốc quần thảo, cố tình làm dậy sóng cả một vùng biển trên bán kính rộng hơn 10 hải lý đã đe dọa sự an toàn đi lại trên con đường hàng hải quốc tế trên biển cũng như việc đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam.
Trung Quốc tăng cường thêm 25 tàu vỏ sắt (Baodautu.vn) Thông tin mới nhất mà chúng tôi vừa nhận được từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, đến 17h ngày 14/5/2014, Trung Quốc đã tăng số lượng tàu cá vỏ sắt (lượng giãn nước 100 – 150 tấn) từ 15 chiếc lên 40 chiếc. |
Hữu Tuấn