Các cơ sở giáo dục phải tạm đóng cửa để phòng dịch Covid-19. Trong ảnh: Trường mầm non Việt Úc tại Phú Thượng (Hà Nội). |
Muôn nẻo mưu sinh
Cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên một trường mầm non tư thực tại quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, từ khi phải tạm nghỉ dạy vì dịch Covid-19, cô đã đưa con về quê tại Sơn Tây phụ giúp chị gái may thuê hàng gia công để có thêm thu nhập.
“Từ khi nghỉ dạy, mọi chi tiêu của gia đình chỉ trông chờ vào tiền lương của chồng làm ở ngành xây dựng, nhưng sắp tới, công ty chồng tôi cũng cho nhân viên nghỉ luân phiên, nên số tiền lương của anh ấy sẽ giảm một nửa. Với công việc mới, mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 100.000 đồng, dè sẻn mới tạm đủ trang trải cho 2 mẹ con”, Thu tâm sự.
Cùng trường mầm non với Thu còn 9 cô giáo khác cũng phải chuyển nghề để mưu sinh như bán hàng online, nhận giặt là, về quê trồng rau sạch… Cô giáo Hoàng Thị Hảo đã lập một fanpage bán hàng ăn online với nguồn khách chính là các phụ huynh của trường và những người thân quen. Xác định lấy công làm lãi, Hảo tập hợp một số cô giáo, theo đơn khách đặt để phân công mua thực phẩm sạch về chế biến các loại bánh, chè, dưa món… đóng gói bao bì cẩn thận và trực tiếp giao hàng cho khách. Ngoài đồ ăn, Hảo còn bán rau, củ và các loại đặc sản mang từ quê lên.
Là giáo viên một trường mầm non quốc tế, Thu Minh (quận Ba Đình) cũng đang trong cảnh nghỉ dài. Với vốn tiếng Anh sẵn có, Minh tìm nguồn hàng từ các trang thương mại điện tử nước ngoài, rồi biên dịch, đăng bán trên Faceboook, từ đồ gia dụng, đến thời trang, nội thất… Song, việc này cũng không dễ, bởi theo Minh: “Ở thời điểm hiện tại, số người bán hàng online nhiều không kể xiết”.
Nhiều giáo viên mầm non tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) còn rủ nhau tới các bến cá khu vực Hòn Gai để mua tôm, mực, cá về làm các loại chả, sau đó rao bán trên các trang mạng. Chị Hà Thị Thủy, giáo viên một trường mầm non tư thục tại phường Hà Khẩu chia sẻ, gần 2 tháng nay, chị cùng mấy chị em khác cùng trường từ 3 giờ sáng đã ra chợ hải sản đầu mối, mỗi người mua khoảng trên chục kg tôm về tập trung chế biến.
“Hạ Long đang mùa tôm sắt nên nhiều cô giáo trên địa bàn lựa chọn công việc này vì có thể kiếm được từ 80.000 -150.000 đồng/ngày, giúp gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cùng với công việc bóc tôm nõn, nhiều cô giáo còn mở shop bán hàng online, giao hàng thuê và cả… lau nhà, miễn sao có thu nhập chính đáng”, chị Thủy cho hay.
Tìm khách để sang nhượng trường
Trong khi các giáo viên lo kiếm việc mưu sinh, mong chờ cơ hội quay trở lại trường, thì nhiều chủ đầu tư rao bán, sang nhượng các cơ sở mầm non.
Chị Hoài Thanh, chủ đầu tư một trường mầm non tại Khu đô thị An Hưng (Hà Đông, Hà Nội) đăng thông tin sang nhượng cơ sở với giá 200 triệu đồng. Trường có diện tích mặt sàn 80 m2, đã được trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ học tập. Chị Thanh từng hy vọng, sau khi trường đi vào hoạt động, nếu nhận khoảng 20 học sinh, mức học phí mỗi em từ 3 triệu đồng/tháng, sẽ nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư.
“Dịch bệnh xảy ra, trường không thể hoạt động, trong khi tiền lãi ngân hàng, tiền thuê nhà 15 triệu đồng/tháng cứ đến hạn phải trả, giờ chỉ mong có người nhượng lại với số tiền đã đầu tư, còn tiền nhà mấy tháng coi như mình chịu thiệt”, chị Thanh nói.
Anh Lê Thắng, chủ một trường mầm non trên đường Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) mới đây cũng đăng tin chuyển nhượng trường gấp với giá trên 200 triệu đồng. Trường nằm tại khu vực đông dân cư, có mặt sàn 72 m2 xây 3 tầng, trang bị đầy đủ 6 phòng học, 1 bếp ăn, có sân chơi và đã được khai thác khá hiệu quả trong 3 năm qua.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, anh Thắng cho biết, lợi nhuận thu được thời gian qua, sau khi trừ chi phí thuê nhà, điện nước, tiền lương, bảo hiểm xã hội cho 6 giáo viên và 1 nhân viên phục vụ, thì mới đủ chi phí đầu tư ban đầu. Nay bắt đầu có lãi thì xảy ra dịch bệnh, gần 3 tháng trường đóng cửa, trong khi vẫn phải lo các khoản chi phí cố định, anh không đủ sức duy trì trường.
Theo đại diện Công ty Bình Minh Education, đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn chuyển nhượng mầm non chuyên nghiệp tại Hà Nội, trong 2 tháng qua, hoạt động sang nhượng các cơ sở mầm non tư thục đã diễn ra tại hầu hết các quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội, nguyên nhân là các chủ đầu tư không lo nổi chi phí khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.