TS. Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng đại học (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam). |
Dù đã có nhiều chính sách trong việc trọng dụng nhân tài, song kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn, theo ông, vì sao?
Thứ nhất, chúng ta cần đặt ra tiêu chí thế nào là người tài. Ở Việt Nam, tiêu chí không rõ. Chừng nào, chúng ta còn có quan niệm khác nhau, thì sẽ khó đánh giá được người tài thực sự, chứ chưa nói tới việc sử dụng và đào tạo người tài.
Thứ hai, làm thế nào để phát hiện và bồi dưỡng người tài? Ở Việt Nam, vấn đề này liên quan đến giáo dục nhiều hơn, bởi nền giáo dục vẫn quen tiếp cận nội dung. Người thầy phát hiện theo tiêu chí của họ về người tài. Do đó, ông thầy sẽ tập trung bồi dưỡng học sinh có năng lực phẩm chất như vậy.
GS. Hồ Ngọc Đại có nhắc tới câu chuyện học trò làm ông tự hào nhất không phải GS. Ngô Bảo Châu, mà là một thợ cơ khí có bàn tay vàng, hiện là chủ salon ô tô lớn. Nhưng giả sử người thợ này được hướng theo tiêu chí học toán thì có lẽ cuộc đời người đó sẽ theo hướng khác. Câu chuyện phát hiện người tài hiện phụ thuộc nhiều vào việc người lãnh đạo nhìn nhận kiểu gì.
Hiện nay, Luật Giáo dục đã đặt ra ưu tiên chuyển hướng tiếp cận khác là tiếp cận phát triển năng lực, vì đứa trẻ nào cũng có năng lực, quan trọng nhất là kỹ năng người thầy phát hiện được học trò có tố chất gì và phát triển theo đúng năng lực của học sinh.
Như vậy, vai trò của người thầy là vô cùng quan trọng, nhưng liệu đội ngũ giáo viên hiện tại có đáp ứng được cách tiếp cận mới này không?
Thế giới chuyển tiếp cận năng lực từ 50 - 60 năm trước, trong khi hướng tiếp cận này ở Việt Nam còn mới mẻ. Giáo chức và đội ngũ giáo dục đều được đào tạo và trưởng thành theo cách tiếp cận nội dung, nên nhận thức đã thấm vào họ. Khi luật và chủ trương tuyên truyền thay đổi theo hướng tiếp cận chung của thế giới, nhưng nếu người thực hiện vẫn duy trì nhận thức cũ, thì khó đạt hiệu quả. Do đó, từ nghị quyết, chủ trương đến hiện thực cần giai đoạn quá độ.
Quá trình này cần sự kiên định mục tiêu đổi mới và sự đồng lòng, ủng hộ của xã hội.
Tư duy tiếp cận này phải quán triệt trước hết ở các cấp lãnh đạo. Ví dụ, ngay việc một chương trình nên có một hay nhiều bộ sách giáo khoa mà cơ quan thường trực của Quốc hội cũng tranh luận mấy kỳ. Rất may vào phút cuối cùng bỏ phiếu, Luật Giáo dục đã nhận được sự đồng tình với nội dung là một chương trình có thể có một hoặc nhiều bộ sách giáo khoa.
Trước đó, một số trường đại học của Việt Nam có mời những giảng viên có kinh nghiệm quốc tế về giữ chức vụ quản lý, nhưng mối lương duyên này không kéo dài. Liệu có phải khi đến Việt Nam, họ gặp quy trình làm việc khác với môi trường của họ và họ cảm thấy không được trọng dụng, thưa ông?
Trước hết, người nước ngoài, gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài mời đến Việt Nam, không phải ai cũng là người tài giỏi thực sự. Nếu họ là người giỏi trong môi trường của họ, nhưng sang Việt Nam không phù hợp và không thể phát huy được sở trường, thì cũng không gọi là giỏi.
Thứ hai, trước khi tới Việt Nam, các chuyên gia nước ngoài phải lập một đề án những việc họ dự định làm và đề án này cần sự giám sát. Điều này đòi hỏi người quản lý phải hiểu biết mới tiếp nhận những tư duy mới; nếu không, việc hợp tác sẽ không đem lại kết quả.
Ngay cả trường hợp người sử dụng không ưng ý, thì quyết định không phải do cá nhân người đứng đầu quyết, mà đó là cả tập thể, hội đồng đánh giá. Do đó, hội đồng, tập thể phải thật khách quan và điều này cần có chủ trương, thể chế hóa chủ trương bằng cơ chế cụ thể.
Vậy theo ông, để lôi kéo được những tri thức giỏi về phục vụ đất nước, Việt Nam cần phải làm gì?
Bác Hồ là người sử dụng người tài rất giỏi khi thu hút được những giáo sư lớn về Việt Nam như GS. Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm… phục vụ cuộc kháng chiến, góp phần đưa kháng chiến thắng lợi. Khoa học giáo dục cũng được gây dựng từ những con người đó. Tuy nhiên, hiện có nhiều tri thức về Việt Nam, nhưng buộc phải bỏ đi, thậm chí họ bị gạt ra, vì những lý do rất tiểu tiết, sơ cứng mà không ai dám lên tiếng.
Ở đây, không nói tới việc cử người đi học nước ngoài, mà tôi nói tới câu chuyện thu hút người tài trên thế giới về Việt Nam.
Thứ nhất, những người giỏi rất cần được tôn trọng, đừng đặt ra tiêu chí gây khó cho việc sử dụng, nếu áp dụng sơ cứng sẽ không thể tạo cho họ có được môi trường phát triển.
Thứ hai, chúng ta nên tạo môi trường nghiên cứu tốt cho họ. Singapore là một ví dụ điển hình khi thu hút được nhiều người nước ngoài về làm việc để xây dựng 2 trường đại học lớn là Trường đại học Quốc gia Singapore và Trường đại học Nanyang. Hai trường này có thời kỳ, có tới 60 - 80% giáo sư là người nước ngoài. Việt Nam có dám làm như vậy không?
Thứ ba, thu nhập của họ phải được trả xứng đáng. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố cốt lõi, vì nhà tri thức có tâm huyết, nhân phẩm không đòi hỏi nhiều, một phần họ hiểu điều kiện của Việt Nam, phần khác do họ làm việc vì tình yêu với Việt Nam.
Vụ việc gần đây nhất là 2 vợ chồng GS. Trần Thanh Vân về Việt Nam xây dựng các công trình phục vụ nghiên cứu khoa học phi lợi nhuận, nhưng Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) do họ gây dựng liên tục bị ngành thuế đòi nợ tiền thuê đất với giá mới. Việc này cũng đặt ra lo ngại là sẽ khó lôi kéo các nhà khoa học về Việt Nam.
Trước đó, tôi có nghiên cứu cải cách giáo dục Hàn Quốc, với nền tảng tạo ra nền kinh tế phát triển như hiện nay xuất phát từ thời Tổng thống Park Chung Hee. Đội ngũ cố vấn phát triển giáo dục từ thời ông Park gồm rất nhiều nhà khoa học ở nước ngoài, có thể là người Hàn Quốc, có thể là người nước khác. Những người này đóng vai trò tư vấn, nếu thấy hợp lý, ông Park quyết định thực hiện các đề xuất của họ. Như vậy, người khởi xướng chính sách không phải dựa vào trí tuệ của mình, mà là trí tuệ của người khác. Đó là trí tuệ đến từ việc sử dụng con người có hiệu quả.