Được đào tạo bài bản và từng trải qua gần hai thập niên hành nghề ở nhiều nước phát triển, khi trở về Việt Nam, TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn tham gia tư vấn, thiết kế các dự án quy hoạch kiến trúc trong mối gắn kết nghiên cứu khoa học với thực hành. |
ĐÔ THỊ VIỆT NAM PHÁT TRIỂN NHANH NHƯ THANH THIẾU NIÊN ĐANG LỚN
Cuốn sách mới đây của ông có tựa đề “Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại” đang gây chú ý với giới chuyên môn, người làm chính sách và nhà đầu tư. Quy hoạch đô thị là một ngành khoa học phức tạp, điều gì thôi thúc ông viết một cuốn sách chuyên ngành, nhưng vẫn gần gũi với mọi đối tượng độc giả như vậy?
Công tác quy hoạch đô thị thường bị tác động, chi phối, quyết định bởi nhiều đối tượng (chính quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia các lĩnh vực và người dân). Thực tế, nhiều lãnh đạo tỉnh, thành phố, các nhà đầu tư chưa hiểu sâu, hoặc chưa đồng thuận về tầm quan trọng của các giá trị quy hoạch cơ bản. Vì vậy, tôi thường dành thời gian để nói với họ về các giá trị quy hoạch bền vững và xa hơn là về một triết lý phát triển cho dự án.
Quy hoạch đô thị có nhiều yếu tố phức tạp đan xen, luôn cần được bảo tồn, chỉnh trang, xây dựng, phát triển và vận hành trên nền tảng môi trường bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Việc nhà đầu tư đi tìm lợi nhuận không sai, nhưng bên cạnh việc hỗ trợ nhà đầu tư, chính quyền đồng thời phải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, phải cân đối giữa bảo tồn và phát triển cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Trong cuốn sách của mình, tôi cố gắng diễn dịch các kiến thức phức tạp một cách đơn giản, dễ hiểu, nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận mọi người dân. Các bài viết có trích dẫn học thuật để các chuyên gia tham khảo thêm, nhưng đều được viết với ngôn ngữ đơn giản, sao cho đại chúng có thể hiểu được các ý chính và nắm vững các khái niệm quan trọng trong công tác quản lý đô thị, có thể dùng trong các trao đổi trực tiếp với các nhà lãnh đạo và ngay cả với các chuyên gia có trình độ cao.
Kinh nghiệm quý nhất về quy hoạch đô thị bền vững mà ông đúc kết được thể hiện trong tác phẩm này như thế nào?
Các vấn đề đô thị ở Việt Nam, như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm…, nhìn có vẻ giống nhau, khiến người ta lầm tưởng là có thể tìm giải pháp chung. Nhưng trong thực tế, không có liều thuốc nào chữa được bách bệnh và không có giải pháp chung cho tất cả các loại đô thị. Mỗi địa phương cần có giải pháp riêng phù hợp với điều kiện, hiện trạng và tiềm năng phát triển đặc thù của mình.
Do đó, khi nhà tư vấn quy hoạch làm việc với các lãnh đạo địa phương, trước khi đưa ra giải pháp, thì phải dành thời gian nghiên cứu sâu địa phương, từ lịch sử, đất nước, con người, phong tục, tập quán, trình độ, thu nhập, nhu cầu… Muốn đô thị phát triển tốt, cần có những giải pháp và chiến lược quy hoạch đúng đắn, có sự hài hòa giữa chất lượng môi trường sống với phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, để chúng ta không phải trả giá đắt trong tương lai.
Trong mắt ông, diện mạo đô thị Việt Nam hiện nay như thế nào?
Đô thị của chúng ta hiện nay có hai đặc điểm là có bề dày lịch sử và đang phát triển rất nhanh, giống như một thanh thiếu niên đang trưởng thành, trong một gia đình có truyền thống lâu đời, tương ứng nền tảng nước Việt Nam ngàn năm văn hiến. Khi lớn nhanh như vậy, rõ ràng nhu cầu, tâm sinh lý, bề ngoài, quan điểm cũng thay đổi. Tuy có rất nhiều lựa chọn cho tương lai, nhưng điều quan trọng là phải biết giá trị cơ bản cần giữ gìn và phát huy nằm ở đâu.
Thanh thiếu niên đang lớn thường không coi trọng truyền thống, không coi trọng nền tảng gia đình, chỉ nghĩ đến những hào nhoáng của xã hội. Nhưng khi trưởng thành đến một giai đoạn nào đó, họ mới nhận ra giá trị truyền thống gia đình rất đáng quý.
Đô thị Việt Nam cũng tương tự. Có khi phát triển rất nhanh khiến người ta bị cuốn theo mà không kịp suy nghĩ. Có thời điểm lắng đọng, dừng lại chút, chậm lại chút, thì mới thấy rõ có những giá trị quý báu căn bản đừng nên đánh mất, đồng thời nhận ra những cơ hội để tạo ra các giá trị mới. Cuốn sách “Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại” của tôi được viết để phục vụ mục tiêu này.
ĐÔ THỊ PHẢI LÀ NƠI ĐÁNG SỐNG
Chúng ta nói nhiều về những thách thức trong quá trình đô thị hóa, như biến đổi khí hậu, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Theo ông, cái gốc để giải bài toán khó này nằm ở đâu?
Đất nước ta trải qua nhiều năm chiến tranh và đời sống khó khăn thời hậu chiến, nên giờ đây mọi người có vẻ sẵn sàng hy sinh mọi thứ để đạt hiệu quả cao về kinh tế, dẫn đến tầm nhìn quy hoạch ngắn hạn, với những hậu quả đang xảy ra như kẹt xe, khói bụi, nhà ở đắt đỏ, bê tông hóa bất chấp nguy cơ ngập nước, biến đổi khí hậu và nước biển dâng…
Nghiêm trọng hơn, ở đâu có dự án địa ốc, ở đó rừng núi lâm nguy, di sản kêu cứu. Dần dần người ta thấy rằng, đô thị là nơi phục vụ cuộc mưu sinh, kiếm tiền, hơn là nơi an cư thực sự. Do vậy, tại nhiều đô thị lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, đã bắt đầu có những người bỏ lại “thành phố sau lưng”, “bỏ phố về rừng”.
Nhưng rồi người ta sẽ về đâu khi để đáp ứng cho cuộc di dân “ngược” ấy, đến cả núi rừng cũng rơi vào bi kịch bị bức hại? Những cuộc trốn chạy sẽ không bao giờ dừng lại nếu con người không tìm thấy được sự “chữa lành” ngay trong lòng đô thị.
Tôi từng đặt câu hỏi “Có cần thêm một Sài Gòn - TP.HCM ở cao nguyên nữa không?” khi viết về cách phát triển bê tông hóa Đà Lạt. Câu ví von “thành phố trong rừng hay rừng trong thành phố” dành cho Đà Lạt có lẽ chỉ còn là quá vãng. Nếu nhìn từ trên không, trung tâm Hòa Bình của Đà Lạt hiện chỉ còn duy nhất khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng là xanh, còn lại đã được bê tông hóa hết cả.
Do đó, cái gốc để giải quyết vấn đề đô thị vẫn luôn là con người. Khi người ta bớt tham lam, bớt ích kỷ chỉ nghĩ đến lợi ích riêng, mà quan tâm hơn đến lợi ích cộng đồng, lợi ích chung của việc bảo vệ và phát huy môi trường sống thân thiện và có bản sắc, thì đô thị sẽ trở nên đáng sống hơn.
Trước vấn đề đặt ra hiện nay, theo ông, yếu tố nào cần tập trung để hướng đến đô thị bền vững và đáng sống?
Với quy hoạch, cần phải có kinh nghiệm thực tiễn. Qua thực tiễn nhiều thập niên tư vấn thiết kế quy hoạch - kiến trúc tại các nước trên thế giới và cả ở Việt Nam, tôi đúc kết được kinh nghiệm bảo tồn, chỉnh trang và phát triển đô thị thành 10 nguyên lý văn hóa đô thị bền vững, mà các chữ cái đầu tiên tạo thành cụm từ CITY DESIGN (Thiết kế Đô thị).
Cụ thể, Communication - Văn hóa giao tiếp và chia sẻ thông tin đa chiều; Interdisciplinary - Văn hóa hợp tác đa ngành; Teamwork - Văn hóa liên kết cộng đồng; Yin Yang - Văn hóa cân bằng lợi ích hài hòa âm dương; Direction - Văn hóa quản lý có định hướng chiến lược và kế hoạch khả thi; Environment - Văn hóa môi trường gắn với trách nhiệm xã hội; Sense of Place - Văn hóa bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc; Intelligence & Integration & International - Văn hóa khoa học, công nghệ thông minh và hội nhập quốc tế; Growth - Văn hóa tầm nhìn trăm năm và Network - Văn hóa liên kết vùng.
Hệ khung tư duy đó có thể giúp chúng ta hiểu sâu tình trạng của mỗi đô thị và tìm được lời giải phù hợp.
Qua kinh nghiệm cùng Skidmore, Owings & Merrill (SOM) thực hiện Dự án quy hoạch Thượng Hải (Trung Quốc) của ông, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có thể học hỏi được điều gì?
Qua quá trình quy hoạch Phố Đông của Thượng Hải, tôi thấy rằng, Trung Quốc là một trong số ít nước mà Việt Nam cần nghiên cứu sâu, đặc biệt là các kinh nghiệm về phát triển đô thị và phát triển kinh tế - xã hội, do sự tương đồng sâu sắc về văn hóa, điều kiện phát triển, thể chế, quá trình hội nhập quốc tế.
Trước khi tôi và nhóm SOM làm quy hoạch, từng có hàng chục bản quy hoạch Phố Đông của chuyên gia các nước, nhưng không hiệu quả. Cách đặt vấn đề của chúng tôi, từ quy hoạch theo tư duy kinh tế thị trường cho đến chiến lược phát triển bền vững trong tương quan hợp tác kết nối khu trung tâm giữa hai bờ Đông - Tây…, đã chứng tỏ là phù hợp hơn. Dự án của chúng tôi được chọn áp dụng cho đến nay và thành công trong việc thúc đẩy sự hình thành và phát triển Phố Đông chỉ trong vòng hai thập niên từ khi giải tỏa trắng, góp phần nâng cao vị thế của Trung Quốc trên thế giới.
Kinh nghiệm Phố Đông, Thượng Hải làm tôi tin rằng, nếu chúng ta học được những bài học kinh nghiệm, không chỉ về tư duy phát triển bền vững, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển và đổi mới cơ chế quản lý, mà còn là sự hợp tác liên ngành trong định hướng chiến lược thống nhất theo tư duy kinh tế thị trường, thì chúng ta không những có thể hoàn thành Khu đô thị Trung tâm Tài chính Thủ Thiêm trong dưới hai thập niên, mà còn có thể giúp nhiều khu đô thị khác trên cả nước phát triển với thành quả tương đương hoặc cao hơn các khu đô thị trung tâm kinh tế lớn ngày nay tại Trung Quốc nhờ lợi thế của người đi sau.