Tài chính - Chứng khoán
TTCK 6/4: VN30 “gánh” thị trường
Thanh Thủy - 06/04/2022 18:15
Cú lội ngược dòng cuối phiên chiều đã giúp VN-Index đóng cửa tăng nhẹ 2,87 điểm. VN30-Index tăng vượt trội 1,16% và hút về dòng tiền giao dịch lớn.
TIN LIÊN QUAN

Xanh vỏ đỏ lòng, VN30 kéo VN-Index tăng

Sau phiên điều chỉnh hôm qua, các chỉ số chứng khoán Việt Nam tiếp tục giao dịch tiêu cực. Sự hồi phục mạnh nhờ các trụ cột lớn, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng và nhóm VN30 đã giúp VN-Index kịp đóng cửa trong sắc xanh.

VN-Index tăng nhẹ 2,87 điểm (0,19%) lên 1.522,9 điểm. HNX-Index giảm 9,27 điểm (-2,03%) xuống 446,85 điểm. UPCoM-Index giảm 0,86 điểm (-0,73%) xuống 116,84 điểm.

Dù vậy, sắc đỏ vẫn áp đảo, cả ở sàn HoSE. Tổng cộng, có 584 mã giảm, 36 mã giảm sàn; trong khi chỉ có 299 mã tăng và 29 mã tăng kịch biên độ. Số mã cổ phiếu giảm lớn gần gấp đôi số mã tăng. Trên sàn HoSE, dù chỉ số tăng, số mã chứng khoán giảm giá cũng chiếm ưu thế với số mã tăng/giảm lần lượt là 173/279.

Cổ phiếu ngân hàng và nhóm VN30 là trụ đỡ chính đưa VN-Index tìm lại sắc xanh vào cuối phiên

VN30-Index tăng 17,91 điểm (+1,16%) với 20/30 cổ phiếu trong rổ VN30 tăng giá. Trong khi đó, VNMid-Index và VNSML-Index lần lượt giảm 0,74% và 1,55%. Cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm VN30 và ngân hàng, là những trụ cột chính nâng đỡ thị trường. Khá nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng trên 1% trong phiên hôm nay, trong đó, tăng mạnh nhất là VPB (+4,31%) và MBB (+2,14%).

Báo cáo mới đây của bộ phận phân tích Chứng khoán SSI dự báo ngân hàng này sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, một phần nhờ khoản phí trả trước từ hợp đồng banca với AIA. Cùng đó, phương án phát hành riêng lẻ được lên kế hoạch trước đây tiếp tục là chất xúc tác đối với cổ phiếu VPB trong năm 2022.

MBBank cũng có câu chuyện riêng. Theo tài liệu họp cổ đông vừa công bố, nhà băng này cho biết sẽ trình nội dung về Phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Đã có những đồn đoán trên thị trường trước đó về khả năng MBBank thực hiện tiếp quản OceanBank.

Các cổ phiếu góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index lần lượt là VCB, VPB, HPG, FPT, TCB và MBB. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VIC, DIG, NVL giảm sâu đã ghìm chân đà tăng của VN-Index. Còn trên sàn HNX, nhóm bất động sản gồm THD, HUT, CEO, L14, IDC, IDJ cũng là các đầu tàu đẩu HNX-Index rơi sâu.

Không chỉ riêng các ông lớn, giao dịch tại dòng cổ phiếu bất động sản ở trạng thái tiêu cực nhiều phiên gần đây. Hàng loạt cổ phiếu giảm trên 6% như HUT, HQC,  VPH, L14, FLC.

Dòng tiền sôi động, khối ngoại trở lại mua ròng, giao dịch thỏa thuận lượng khủng cổ phiếu SHB

Trong phiên hôm nay, VN30 không chỉ bứt phá về điểm số và góp trụ cột chính “gánh” thị trường chung, mà còn hút về dòng tiền lớn. Giá trị giao dịch riêng nhóm VN30 đạt 10.236 tỷ đồng, chiếm 34% tổng giá trị giao dịch sàn HoSE và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị giao dịch 35.723 tỷ đồng của ba sàn chứng khoán.

Có tới 5 cổ phiếu đạt mức thanh khoản nghìn tỷ đồng trong phiên hôm nay. Đứng đầu là cổ phiếu GEX với 47,7 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, chỉ thua phiên giao dịch khớp 122 triệu cổ phiếu trong đợt thoái vốn của Bộ Công Thương hồi cuối năm 2015. Phần lớn cổ phiếu GEX được giao dịch ở mức giá thấp, tập trung nhiều nhất ở mức giá đóng cửa 37.400 đồng/cổ phiếu (-6,5%). Tương tự GEX, áp lực bán lớn tại DIG và IDC khiến thanh khoản các cổ phiếu này đạt gần 1.200 tỷ đồng và đóng cửa giảm sâu, lần lượt giảm 6,95% và 8,51%. Ở chiều ngược lại, VPB và HPG hút dòng tiền lớn và tăng giá lần lượt 4,3% và 2,5%. Dòng tiền thoát ra khỏi nhiều cổ phiếu bất động sản và tìm đến các nhóm ngành khác như ngân hàng hay thép…- những dòng cổ phiếu chưa tăng quá nhiều thời gian trước.

Thanh khoản cao vượt trội so với phiên liền trước. Riêng giao dịch khớp lệnh đạt 33.395 tỷ đồng, tăng 40% so với phiên 5/4. Giao dịch thỏa thuận đạt 2.328 tỷ đồng. Trong đó, có gần 9,8 triệu cổ phiếu SHB được “sang tay” với giá tham chiếu 21.300 đồng. Cùng với 17,3 triệu cổ phiếu khớp lệnh thành công trên sàn, giao dịch cổ phiếu sôi động vượt trội so với bình quân 10 phiên gần đây (7,9 triệu đơn vị/phiên).

Khối ngoại đã trở lại mua ròng dù giá trị khá khiêm tốn (hơn 82 tỷ đồng). Một số cổ phiếu được giải ngân mạnh là DXG (73 tỷ đồng), STB (82 tỷ đồng) và SSI (66 tỷ đồng).

Tin liên quan
Tin khác