Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại Tokyo. Ảnh: AFP |
Người tiêu dùng chấp nhận lạm phát
Một cuộc khảo sát gần đây của ông Tsutomu Watanabe, chuyên gia hàng đầu về lạm phát Nhật Bản, cho thấy mức độ chấp nhận giá cả tăng của người tiêu dùng Nhật Bản đang được duy trì và cao hơn mức độ chấp nhận của người tiêu dùng ở các nước phát triển khác như Anh, Đức và Canada. Theo đó, hơn một nửa số người tiêu dùng Nhật Bản được hỏi sẽ tiếp tục chấp nhận mua sản phẩm tại cùng một siêu thị ngay cả khi giá tăng 10%.
Kết quả trên bổ sung thêm dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng Nhật Bản lần đầu tiên chấp nhận lạm phát sau nhiều thập kỷ và đang mất đi danh hiệu là một trong những người tiêu dùng nhạy cảm nhất về giá trên thế giới.
Báo cáo được chính phủ Nhật Bản công bố tuần trước chỉ ra rằng thước đo lạm phát chính ở nước này đã tăng 2,6% trong tháng 3. Với kết quả này, lạm phát đã luôn bằng hoặc cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong suốt hai năm qua. Chưa dừng ở đó, lạm phát Nhật Bản được dự báo sẽ tăng tốc vào mùa hè này.
Ông Tomo Kinoshita, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại công ty quản lý tài sản Invesco, đánh giá: "Đây là một sự thay đổi lớn đối với nền kinh tế Nhật Bản". "Trừ khi có một sai lầm lớn về chính sách, Nhật Bản có thể sẽ không quay trở lại với tư duy giảm phát", ông Kinoshita nói thêm.
Hiện tại, rủi ro đối với kỳ vọng lạm phát của Nhật Bản đã tăng lên, với triển vọng giá dầu tăng cao do xung đột leo thang ở Trung Đông và đồng yên giao dịch quanh mức thấp nhất trong 34 năm.
Trong quá khứ, giá năng lượng và tiền tệ là nguyên nhân chính dẫn đến biến động giá cả ở Nhật Bản - quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thực phẩm và năng lượng.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ có cuộc họp chính sách diễn ra trong hai ngày 25 - 26/4 sau khi kết thúc chương trình nới lỏng tiền tệ quy mô lớn vào tháng trước.
Giới phân tích cho rằng các cơ quan chức năng Nhật Bản sẽ có ủng hộ phương án tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 26/4, tập trung thảo luận bất kỳ sự thay đổi nào trong việc đánh giá rủi ro tăng giá để đưa ra gợi ý về thời điểm tăng lãi suất bổ sung.
Theo kết quả khảo sát hàng quý được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản công bố vào ngày 12/4, các hộ gia đình ở Nhật Bản dự đoán lạm phát hàng năm sẽ đạt 5% trong 5 năm tới, đánh dấu mức lạm phát cao nhất trong 8 quý liên tiếp cũng như chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2006.
Doanh nghiệp dự đoán lạm phát tăng lên
Dữ liệu Tankan của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong tháng này cho thấy các doanh nghiệp nước này ước tính tỷ lệ lạm phát hàng năm sẽ ở mức 2,1% trong 5 năm tới, duy trì mức cao nhất trong 5 quý theo dữ liệu từ năm 2014.
"Sau nhiều thập kỷ lạm phát ở mức thấp hoặc thậm chí không có, có những dấu hiệu cho thấy đợt lạm phát gần đây (ở Nhật Bản) đã khiến nhiều công ty tăng giá hơn", ông Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, cho biết. "Sự tăng đột biến này được khởi đầu bởi giá hàng hóa và năng lượng cao hơn và sự mất giá của tiền tệ. Điều quan trọng là kỳ vọng lạm phát của các công ty đã tăng lên", ông Kuijs nói thêm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng có quan điểm tương tự khi dự đoán tốc độ lạm phát của Nhật Bản sẽ duy trì ở mức trên 2% cho đến năm 2025. Bà Nada Choueiri, trưởng đại diện IMF tại Nhật Bản, hy vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ đạt được mục tiêu lạm phát bền vững.
"Suy nghĩ tiêu dùng thông thường của những người sống chung với lạm phát đang bắt đầu xuất hiện trong nền kinh tế Nhật Bản", bà Choueiri cho biết.
Tăng trưởng tiền lương sẽ là chìa khóa để duy trì lạm phát ở mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đề ra. Theo Rengo - tổ chức công đoàn Nhật Bản, các cuộc đàm phán tiền lương vào mùa xuân năm nay đã đạt được mức tăng lương lớn nhất cho người lao động trong ba thập kỷ, thúc đẩy kỳ vọng về mức lương thực tế sẽ chuyển biến tích cực trong năm nay.
"Kỳ vọng lạm phát đã thay đổi", Junki Iwahashi, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng tín thác Sumitomo Mitsui cho biết. Nhà phân tích này cũng cho rằng: "Vẫn chưa chắc chắn liệu chúng có được neo ở mức 2% như Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hướng tới hay không. Tăng lương là rất quan trọng".