Viễn thông - Công nghệ
Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam 2024: Đẩy mạnh phát triển AI và triển khai trợ lý ảo
Tú Ân - 19/11/2024 16:19
Ngày 19/11, Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam (VIDW 2024) với chủ đề “Trợ lý ảo” diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh với mục tiêu hợp tác đẩy mạnh phát triển AI và triển khai trợ lý ảo.

Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2024 thu hút hơn 600 đại biểu trong nước và quốc tế từ gần 30 quốc gia tham dự, tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ các thực tiễn, cách tiếp cận và sáng kiến mới để mở rộng hợp tác đẩy mạnh phát triển AI và triển khai trợ lý ảo với các chủ đề như: Ứng dụng trợ lý ảo, quản trị trí tuệ nhân tạo (AI), khung pháp lý cho 5G, phát triển hạ tầng kỹ thuật số và nguồn nhân lực số…

Trong khuôn khổ Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2024, hội nghị bàn tròn cấp Bộ trưởng dành cho các đại diện chính phủ, các tổ chức quốc tế và các nhà lãnh đạo chuyên ngành trao đổi về chủ đề ứng dụng trợ lý ảo; chia sẻ tầm nhìn về tương lai của công nghệ số; vai trò của trợ lý ảo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực quản trị quốc gia, thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các bên liên quan toàn cầu.

Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, trợ lý ảo có thể là ứng dụng quan trọng của AI, có thể là trợ lý ảo cá nhân cho mỗi người, hay trợ lý riêng cho mỗi tổ chức. Đồng thời, khẳng định AI không thay thế con người mà giữ vai trò hỗ trợ, trao thêm quyền năng cho con người. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức phải phát triển trợ lý ảo của riêng mình, từ dữ liệu và kiến thức của mình và phục vụ cho mục đích riêng của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2024.

AI là trợ lý cho con người. AI không thay thế con người. AI mà giúp việc cho con người, AI tăng thêm sức mạnh cho con người. Trợ lý ảo giúp mỗi chúng ta làm việc của mình tốt hơn, giúp chúng ta được giải phóng khỏi những việc không có tính sáng tạo, nhưng tốn nhiều công sức và thời gian, để con người tập trung vào việc tốt nhất của mình là sáng tạo. 

Việt Nam coi mã nguồn mở AI là cách để phát triển AI một cách bền vững. Mã nguồn mở tạo ra sự tin tưởng. Mã nguồn mở tạo ra sự phát triển toàn cầu thay vì độc quyền công nghệ.

Việt Nam đang dự thảo luật để công nhận những nguyên tắc cơ bản của AI, như AI là để phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc con người, phải đảm bảo sự minh bạch và giải thích được, có trách nhiệm giải trình, công bằng và không phân biệt đối xử, tôn trọng các giá trị đạo đức và quyền con người, bảo vệ quyền riêng tư, tiếp cận bao trùm, đảm bảo an ninh và bảo mật, kiểm soát được, quản lý dựa trên rủi ro và đổi mới có trách nhiệm.

“Hiện Việt Nam đang ưu tiên phát triển trợ lý ảo cho từng cơ quan nhà nước, mỗi cơ quan sẽ có trợ lý ảo của mình, tiến tới mỗi công chức có một trợ lý ảo. Việt Nam đã và sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các sáng kiến hợp tác khu vực và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ số, chuyển đổi số và kinh tế số, trong đó sẽ ưu tiên các chương trình hợp tác về AI, về phát triển và sử dụng trợ lý ảo”, Bộ trưởng Hùng khẳng định.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam là cơ hội để tỉnh được đón nhận, lắng nghe kinh nghiệm, giải pháp của các bộ trưởng, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, chia sẻ tầm nhìn tương lai của công nghệ số, vai trò trợ lý ảo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực quản trị quốc gia, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Sự kiện góp phần tiếp tục cụ thể hóa quan điểm của Chính phủ “Mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số”.

Quảng Ninh đã xác định phát triển mạnh kinh tế số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh; là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP của tỉnh.

Tin liên quan
Tin khác