Chương trình "Ước mơi tuổi vàng" về với huyện Ý Yên, Nam Định |
Những “ước mơ” cuối đời trở thành hiện thực
Hội trường UBND xã Yên Phú, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định sớm nay trở thành ngày hội của 300 ông, bà các gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bởi chương trình: “Ước mơ tuổi vàng” đã về tận quê hương. Những đôi mắt đã mờ đục không còn thấy rõ, những dáng người còng rạp và cả những đôi chân bước đi run run xen trong nhiều câu chuyện to nhỏ: “Dạo này ông có nhìn thấy đường xuống bếp nấu cơm không?” hay “Bà còn đau chân, đau lưng không?”… Với những người cao tuổi, sự quan tâm nhau chỉ giản đơn đến thế bởi cảnh tuổi già, trái gió trở trời, họ chỉ khao khát được sống khỏe mạnh, sống vui để con cháu đỡ phải bận lòng.
“Bà nhà tôi mất cũng hết tang rồi đấy cô ạ. Hồi bà còn sống, mắt tôi đã mờ lắm rồi, không nhìn rõ, bà ấy cứ bảo tôi đi mổ mắt đi nhưng ông bà sống dựa khoản tiền trợ cấp tuổi già là 270.000 đồng/tháng nên tôi không dám đi. Tôi năm nay 86 tuổi rồi, chẳng biết sống được bao lâu nữa nhưng cứ ước một ngày mắt sáng nhìn rõ mọi thứ là mãn nguyện rồi”, ngồi ở dãy ghế chờ đến lượt khám thị lực với đôi mắt đỏ au, liên tục phải lấy chiếc khăn tay nhỏ thấm nước mắt, ông Phạm Đức Thịnh (Đội 5, xã Yên Phú) trải lòng khi đôi bàn tay nhăn nheo, đầy những dấu đồi mồi vẫn đang cầm chặt tờ khám bệnh có tên mình với nhiều vấn đề về tim mạch, huyết áp…
Cũng ở một mình như ông Thịnh, bà Vũ Thị Căn (83 tuổi) quanh năm bán rau ở chợ quê để trang trải cuộc sống thường ngày. Thăm khám cho bà, Bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Oanh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: “Bà có vấn đề về khớp là đau dây thần kinh tọa nên biểu hiện chân đau, khó di chuyển. Với bệnh này của bà phải dùng thuốc tiêm, thuốc giảm đau và đi chụp thêm phim. Khám xong bà được tặng thuốc bổ, vitamin các loại và cả phong bì 200.000 đồng, với bà là cả một “ước mơ” bởi bao nhiêu phiên chợ đi bán rau mới tích cóp được đây?”.
Đến với buổi thăm khám, ông Nguyễn Văn Lập (90 tuổi) lần này mới quyết tâm được đi “mổ mắt” bởi chương trình có xe về tận xã đón 20 cụ lên bệnh viện Mắt Sài Gòn mổ hoàn toàn miễn phí. Vợ ông, bà Phạm Thị Gồ mừng mừng, tủi tủi vì hôm nay đã làm xong mọi thủ tục để ông sẵn sàng đi mổ mắt. Ông cười bảo: “Mắt tôi sáng rồi, việc đầu tiên là phải đọc cho bà ấy mấy quyển kinh để còn đi chùa. Đấy là điều mà bao lâu rồi tôi mong mỏi”.
Chứng kiến những niềm vui nho nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa ấy của những người cao tuổi, ông Nguyễn Tuấn Song, Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên, Nam Định xúc động cho biết: “Chương trình vô cùng có ý nghĩa, đặc biệt với các cụ già neo đơn, thuộc gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn. Việc đi viện khám bệnh với các cụ không đơn giản bởi có những cụ không có gia đình, có cụ thì con cái ở quá xa, có cụ thì kinh tế không có để trang trải. Chương trình hôm nay có các bác sĩ ở các bệnh viện lớn về đây, tạo điều kiện quá thuận lợi cho các cụ thăm khám bệnh. Với ý nghĩa đó, đứng ở góc độ chính quyền địa phương, chúng tôi rất cám ơn chương trình “Ước mơ tuổi vàng” đã về với quê hương Yên Phú như một món quà vô giá dành tặng cho những người cao tuổi nơi đây”.
Công tác khám bệnh cho các cụ được tiến hành cẩn thận, kỹ lưỡng từ đo huyết áp, khám mắt, khám nội, làm điện tâm đồ… nhằm phát hiện sớm một số bệnh mà người cao tuổi thường mắc phải để tư vấn kịp thời phương pháp phòng và chữa bệnh. Trong một ngày làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao của các thầy thuốc đến từ Bệnh viện K3, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Mắt Sài Gòn và Ban Tổ chức đã thăm khám cho 300 người cao tuổi của xã và trao tận tay các cụ mỗi suất quà gồm các loại thuốc như: Hoạt huyết dưỡng não, Vitamin tổng hợp, cao tan, thuốc nhỏ mắt… và tiền mặt là 200.000 đồng/suất.
“Ước mơ tuổi vàng” – Món quà thiêng liêng kính tặng “bố mẹ”
Hiện toàn quốc có khoảng gần 12 triệu người cao tuổi (số liệu cuối năm 2019) trong đó 73% sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; đặc biệt có trên 120 ngàn người đang sống tại cộng đồng trong điều kiện cuộc sống rất khó khăn, hàng ngày họ phải bươn chải, lo miếng cơm manh áo cho dù tuổi đã cao, sức khoẻ yếu; hàng chục ngàn người đang bị mù do đục thuỷ tinh thể, phải sống trong bóng tối do nghèo, không có khả năng chi trả tiền phẫu thuật; rất nhiều người đang phải sống trong những căn nhà tạm, phải sống nhờ vào sự cưu mang, đùm bọc của bà con khối xóm.
Ông Bùi Xuân Hùng, Phó giám đốc Trung tâm phòng ngừa, ứng phó thảm họa và kho hàng cứu trợ khu vực miền Trung, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam cho biết: “Người cao tuổi cũng có ước mơ, khát vọng của mình, nhưng do hoàn cảnh, nên không ít người đến khi nhắm mắt xuôi tay, ước mơ vẫn chỉ là ước mơ. Nhiều người ở tuổi “thất thập cổ lai hy” mà vẫn chưa được 1 ngày nghỉ ngơi, hàng ngày vẫn phải lo nuôi dưỡng, chăm sóc những đứa con tâm thần, những đứa cháu tàn tật, những đứa con bị nhiễm chất độc hoá học, những đứa cháu là trẻ mồ côi... Nhiều người phải ngậm ngùi sống trong bóng tối vì mắt mù do đục thuỷ tinh thể nhưng các con cháu nghèo không có tiền chữa trị".
"Nhằm thực hiện hóa ước mơ của những người cao tuổi, chương trình "Ước mơi tuổi vàng" được tổ chức nhằm giáo dục truyền thống cao đẹp của người cao tuổi đối với thế hệ trẻ, tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khoẻ, sống có ích cho xã hội. Người cao tuổi là nguồn lực nội sinh quý giá của dân tộc, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ”.
Đồng hành cùng chương trình “Ước mơ tuổi vàng” trong nhiều năm qua là ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FECON. Bản thân sinh ra từ làng, ông thấu hiểu được nỗi vất vả, khó khăn của những người cao tuổi ở những vùng quê nghèo, không được tiếp cận với những điều kiện tiên tiến của y tế nên mong muốn thông qua chương trình như một món quà thiêng liêng kính tặng người cao tuổi. Có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội là nét đẹp văn hóa doanh nghiệp mà FECON xây dựng và thực hiện trong nhiều năm qua.