Tới tham dự hội nghị này có trên 450 đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh; các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Tại hội nghị, 07 quy hoạch của thành phố đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt được chính thức công bố. Trong số 07 quy hoạch này, có 02 quy hoạch quan trọng đều do các công ty tư vấn có uy tín trên thế giới thực hiện. Đó là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Uông Bí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Tập đoàn tư vấn BOSTON Thái Lan (BCG). Quy hoạch còn lại là quy hoạch chung thành phố Uông Bí đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Công ty Nikken Sekkei Engineering LTD Nhật Bản (NSC).
Uông Bí trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư. |
“Các quy hoạch này sẽ là cơ sở quan trọng để Uông Bí huy động mọi nguồn lực đầu tư trong xã hội nhằm thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí khẳng định.
Chia sẻ thêm về quan điểm xây dựng Uông Bí, đại diện của công ty Nikken Sekkei cho hay: Uông Bí sẽ được xây dựng thành thành phố xanh thông minh với bốn trụ cột chính là du lịch, y tế, giáo dục và ngành công nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, sạch. Cụ thể, trung tâm thành phố sẽ là khu đô thị hiện hữu; phía Tây là Trung tâm du lịch cửa ngõ; phía Nam khi đô thị hiện hữu là trung tâm văn phòng, thương mại; lui tiếp xuống theo hướng Nam này là các trung tâm công nghiệp của thành phố; phía Đông sẽ là trung tâm giáo dục; phát triển hệ sinh thái và phát triển du lịch bền vững.
Và theo định hướng phát triển thành phố Uông Bí đã được nêu tại các quy hoạch, trong hội nghị này, thành phố Uông Bí đã trao giấy chứng nhận đầu tư của 5 dự án cho các nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.700 tỷ đồng. 26 dự án khác có tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, cũng được các nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư với thành phố Uông Bí. Các dự án này tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực như hạ tầng dịch vụ du lịch, hạ tầng đô thị, hạ tầng giáo dục, hạ tầng giao thông,…
Tại Hội nghị này, Uông Bí cũng công bố danh sách 16 dự án kêu gọi đầu tư trong thời gian tới, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng gần 3.000 tỷ đồng. Theo định hướng phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì Uông Bí cần nguồn vốn lên đến 53,4 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển, trong đó ngân sách chỉ chiếm 13%. “Bởi vậy, việc thu hút được các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Uông Bí để hiện thực hóa các mục tiêu trước mắt và lâu dài”, ông Trần Văn Lâm, Bí thư Thành ủy Uông Bí khẳng định và chia sẻ thêm, Uông Bí có rất nhiều thế mạnh để phát triển một nền kinh tế đa dạng. Tuy nhiên, việc có thu hút được các nhà đầu tư đến với địa phương để cùng khai thác các thế mạnh này hay không thì lại là một chuyện. Điều đó, chắc chắn phụ thuộc vào sự cầu thị của lãnh đạo Thành phố, cũng như môi trường đầu tư mà Uông Bí tạo ra có đủ sức hút với họ hay không.
Ông Nguyễn Anh Tú khẳng định thêm: “Với thông điệp ‘Thành phố Uông Bí, điểm đến của thành công’, Uông Bí cam kết bên cạnh các ưu đãi mà tỉnh dành cho nhà đầu tư thì thành phố đảm bảo cung cấp cho nhà đầu tư quỹ đất sạch, cùng với một nền hành chính minh bạch, để dự án của các nhà đầu tư được triển khai một cách thuận lợi nhất”.
Ghi nhận tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Uông Bí trong thời gian qua trong việc cải thiện môi trường đầu tư, huy động và sử dụng nguồn lực, phát huy tiềm năng lợi thế trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đặc biệt là việc Uông Bí đạt được kết quả cao nhất trong bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Ninh (DDCI) - nhóm các địa phương hồi đầu tháng 3 vừa qua.
Chỉ đạo trực tiếp tại hội nghị, ông Long yêu cầu: thành phố Uông Bí cần phải tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là kêu gọi, thu hút, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia, đầu tư khai các có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của Uông Bí. Qua đó, thực hiện thành công định hướng xây dựng Uông Bí trở thành đô thị trung tâm phía Tây; là trọng điểm giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa với cơ sở của trường đại học Hạ Long, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển và phát triển khu di tích lich sử - danh thắng Yên Tử; xây dựng đô thị thông minh, than thiện với môi trường, ưu tiên chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững song song, hài hòa với phát triển ngành than.