Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước. |
Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong 3 quý đầu năm tiếp tục trì trệ. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần giảm khối lượng huy động TPCP, thưa ông?
Trong 8 tháng đầu năm, giải ngân vốn cho đầu tư phát triển mới đạt 37,6% dự toán và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt 153.818 tỷ đồng, bằng 41,5% kế hoạch. Không chỉ năm nay, mà kể từ năm 2015, trong 3 quý đầu năm, giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt rất thấp.
Trước thực tế đó, nhiều người đặt câu hỏi tại sao không giảm khối lượng huy động TPCP để giảm nợ công, giảm áp lực phải trả nợ lãi của ngân sách nhà nước. Đầu quý IV/2018, Kho bạc Nhà nước đã từng điều chỉnh giảm khối lượng đấu thầu TPCP so với kế hoạch ban đầu, nhưng không phải cứ giải ngân thấp là giảm huy động vốn TPCP.
Ngân sách nhà nước huy động vốn thông qua phát hành TPCP được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, chứ không riêng cho xây dựng cơ bản. Mặc dù vốn dành cho xây dựng cơ bản lớn nhất, nhưng không phải cứ giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp là giảm kế hoạch huy động vốn, mà cân đối ngân sách nhà nước quan trọng là phải chủ động điều hành việc phát hành TPCP để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn, góp phần định hướng sự phát triển của thị trường...
Từ đầu năm đến nay, chi đầu tư phát triển đạt thấp, vậy sao chưa tính đến phương án điều chỉnh kế hoạch huy động vốn như năm 2018?
Như tôi đã nói, huy động TPCP không chỉ dành cho đầu tư phát triển nói chung, xây dựng cơ bản nói riêng, mà còn thực hiện nhiều nhiệm vụ chi khác nữa.
Cụ thể, năm 2019, theo kế hoạch vay, trả nợ công đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì kế hoạch vay nợ trong nước của Chính phủ là 333.804 tỷ đồng, trong đó, vay để trả nợ gốc hơn 181.970 tỷ đồng. Phần tiền trả nợ gốc không hạch toán vào thu - chi ngân sách, tức là không nằm trong cân đối ngân sách hằng năm cũng như trung hạn, nên ngân sách nhà nước thặng dư cũng không tác động đến phần này. Trả nợ gốc TPCP đã huy động đến hạn là bắt buộc, trong mọi trường hợp phải huy động đủ để trả nợ theo tiến độ đến hạn của các khoản nợ.
Trong khi đó, khoản vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương là 209.500 tỷ đồng. Đây là khoản huy động nhằm bảo đảm an ninh, an toàn tài chính - tiền tệ. Khoản này có thể điều chỉnh giảm phụ thuộc vào cân đối thu - chi ngân sách hằng năm, nhưng không nhiều.
Cân đối thu - chi trong 9 tháng đầu năm cho thấy, nguồn vốn huy động từ TPCP chủ yếu dành để trả nợ gốc khối lượng TPCP đã phát hành những năm trước đã đến hạn thanh toán, số tiền dành cho chi đầu tư phát triển không nhiều và không có chuyện Kho bạc Nhà nước huy động vốn mà không giải ngân được dẫn tới sử dụng ngân quỹ quốc gia kém hiệu quả.
Những nhiệm vụ chi khác nữa mà ông nói tới là gì?
Huy động vốn TPCP vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn, bù đắp bội chi, đồng thời phải cơ cấu lại nợ công, góp phần định hướng phát triển thị trường.
Cụ thể, trước đây, ngân sách nhà nước phải huy động TPCP với kỳ hạn ngắn, lãi suất cao, nhà đầu tư chủ yếu là ngân hàng thương mại, dẫn đến áp lực trả nợ lớn, hiệu quả sử dụng vốn không cao, phụ thuộc vào thị trường tiền tệ.
Sau một thời gian tích cực cơ cấu, cuối năm 2018, các ngân hàng thương mại chỉ còn nắm giữ 46,5% khối lượng TPCP (thay vì gần 80% trong giai đoạn 2011-2015), khối lượng trái phiếu còn lại do các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, định chế tài chính khác có nguồn vốn dồi dào nắm giữ để bảo đảm giảm thiểu rủi ro, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một nhóm chủ nợ.
Cơ cấu thị trường TPCP còn là việc kéo dài thời gian vay nợ bằng việc chỉ phát hành TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trong đó, khối lượng trái phiếu kỳ hạn 10 - 30 năm chiếm 85%, lãi suất phát hành bình quân giảm từ mức 5,98% năm 2017 xuống còn 4,73% vào cuối năm 2018. Trong 8 tháng đầu năm nay, kỳ hạn TPCP phát hành bình quân lên tới 13,48 năm, lãi suất bình quân là 4,89%/năm.
Từ đầu năm đến nay, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đặc biệt thấp, nhưng kế hoạch phát hành TPCP vẫn không thay đổi nhiều, nên nhiều ý kiến lo ngại việc sử dụng vốn huy động kém hiệu quả, thưa ông?
Huy động TPCP còn góp phần định hướng thị trường, phát triển thị trường TPCP, nên không phải cứ thiếu bao nhiêu huy động bấy nhiêu, không thiếu thì dừng lại.
Nếu cứ đợi đến 2 - 3 tháng cuối năm, tính toán xem thu ngân sách bao nhiêu, chi ngân sách bao nhiêu, kết dư bao nhiêu, thiếu bao nhiêu mới huy động, thì phải huy động khối lượng tiền rất lớn, lên đến 200.000 - 300.000 tỷ đồng. Như vậy, khó có thể thực hiện được, vì không nhà đầu tư nào giữ lại tiền đến cuối năm mới đầu tư. Giả sử có huy động được thì phải trả với lãi suất cao, thời gian huy động ngắn, thị trường tài chính - tiền tệ chịu cú sốc rất lớn, có thể dẫn đến nguy cơ rối loạn thị trường, tác động rất lớn đến các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát lạm phát.
Chính vì vậy, mặc dù giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt thấp, ngân sách nhà nước đang thặng dư, Kho bạc Nhà nước vẫn phải thực hiện huy động TPCP theo kế hoạch. Kế hoạch phát hành cụ thể được công bố vào đầu mỗi quý.