Vàng được xem là nơi lưu trữ giá trị trong thời gian khủng hoảng kinh tế và là hàng rào chống lại lạm phát. |
Cầu trú ẩn trước áp lực lạm phát
Giá vàng tiếp đà tăng trong tuần cuối tháng 5/2022 do USD đã xuống mức thấp nhất trong một tháng và nhà đầu tư tháo chạy khỏi chứng khoán trong các phiên gần đây.
Theo chuyên gia phân tích Warren Venketas của DailyFX, vàng đang trong môi trường lý tưởng với hầu hết các yếu tố hỗ trợ. Lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ đi ngang cũng thúc đẩy vàng tăng giá vì làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Vàng được xem là nơi lưu trữ giá trị trong thời gian khủng hoảng kinh tế và là hàng rào chống lại lạm phát. Cuộc khủng hoảng địa chính trị đã đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu và tái tạo sự quan tâm của nhà đầu tư với vàng, đẩy giá vàng lên mức 2.070 USD/ounce trong tháng 3/2022, chỉ kém mức cao nhất mọi thời đại của nó và dự báo sớm lặp lại mức này.
Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho hay, trong quý I/2022, thị trường vàng đã có sự khởi đầu vững chắc, với nhu cầu vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường OTC) tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.234 tấn và cao hơn 19% so với mức trung bình 5 năm là 1.039 tấn. Các quỹ ETF vàng có dòng tiền vào mặt hàng kim quý này mạnh nhất (với 269.000 tấn kể từ quý III/2020, đảo ngược so với 173.000 tấn hàng năm từ năm 2021), một phần do giá vàng tăng.
Trong khi đó, nhu cầu vàng thỏi và đồng xu vàng quý đầu năm 2022 cao hơn 11% so với mức trung bình 5 năm, ở mức 282 tấn. Tuy nhiên, các đợt gia hạn phong tỏa ở Trung Quốc và giá cao ở Thổ Nhĩ Kỳ đã góp phần làm nhu cầu này giảm 20% so với mức rất mạnh trong quý I/2021.
Hoạt động mua ròng của các ngân hàng trung ương thế giới tăng hơn gấp đôi so với quý trước, bổ sung hơn 84 tỷ USD vào lượng vàng dự trữ chính thức trong quý I/2022. Trong đó, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ là những người mua lớn nhất.
Theo WGC, tổng cung vàng thế giới quý I/2022 tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này được thúc đẩy bởi sản lượng khai thác mỏ mạnh mẽ, đạt 856 tấn. Ngoài ra, hoạt động tái chế tăng 15% so với năm trước, đạt 310 tấn do giá vàng cao hơn.
Ông Louise Street, nhà phân tích cấp cao EMEA tại WGC nhận xét rằng, quý đầu tiên của năm 2022 là một quý có nhiều hỗn loạn, được đánh dấu bởi các cuộc khủng hoảng địa chính trị, những khó khăn trong chuỗi cung ứng và lạm phát gia tăng. Những sự kiện toàn cầu và điều kiện thị trường này đã củng cố vị thế của vàng như một kênh trú ẩn an toàn, không chỉ cho các nhà đầu tư mà còn cho người tiêu dùng bán lẻ, nhờ vào vị thế độc nhất vô nhị của nó.
Đẩy triển vọng vàng tăng giá
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, yếu tố tác động đến giá vàng trong năm 2022 là lạm phát xuất hiện ở nhiều quốc gia. Yếu tố tiếp theo có thể thúc đẩy giá vàng tăng cao trong năm 2022 là tình hình địa chính trị trên thế giới xuất hiện nhiều bất ổn và vàng sẽ trở thành nơi trú ẩn an toàn của giới đầu tư trong những giai đoạn nhạy cảm này.
Báo cáo triển vọng giá vàng hàng năm, các nhà phân tích tại Incrementum AG cũng tỏ ra lạc quan về giá vàng. Lạm phát gia tăng có nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái và tạo ra môi trường lạm phát đình trệ.
Các chuyên gia phân tích tài chính - kinh tế cảnh báo, việc bình thường hóa các chính sách tiền tệ trên toàn thế giới đang bắt đầu phơi bày những vấn đề lớn trong nền kinh tế toàn cầu vốn được gây ra bởi chính sách tiền tệ nới lỏng và lượng thanh khoản khổng lồ. Giá vàng năm 2022 được dự báo khác nhau, song sẽ phụ thuộc vào cách thị trường phản ứng với lạm phát, chính sách của ngân hàng trung ương, căng thẳng địa chính trị.
Ông Louise Street, nhà phân tích cấp cao EMEA tại WGC
Vị thế của vàng là công cụ phòng ngừa rủi ro hàng đầu chống lại lạm phát có thể sẽ đẩy giá vàng lên cao hơn nữa, đạt mức giá hơn 2.000 USD/ounce. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất thường gây áp lực lên tài sản không sinh lãi như vàng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ buộc phải đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ vốn đã tích cực của mình.
Mới đây, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell đã nhấn mạnh quyết tâm khống chế lạm phát, khẳng định sẽ ủng hộ việc tăng lãi suất cho đến khi giá cả ổn định trở lại. Đây là điều mà thị trường chứng khoán đang lo lắng.
Tuy nhiên, nếu lạm phát hạ nhiệt sớm hơn, rủi ro suy thoái sẽ giảm đáng kể. Có nhiều ý kiến cho rằng, với mức lạm phát như hiện tại, mức tăng 50 điểm cơ bản của lãi suất USD là đủ. Tuy nhiên, nếu Fed điều chỉnh tăng tiếp 75 điểm sẽ là một cú sốc đối với vàng. Đồng thời, chi phí cơ hội của việc sở hữu vàng giảm xuống.
Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra nhận định, việc tăng lãi suất USD của Fed là để kiểm soát lạm phát khi lạm phát ở Mỹ đã lên mức cao nhất 40 năm qua. Nhưng một khi lãi suất cơ bản đồng bạc xanh của Mỹ tăng sẽ khiến giá trị USD và lãi suất trái phiếu đi lên và theo quy luật tài chính, giá vàng sẽ giảm.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, vàng và USD sẽ tăng cùng chiều. USD tăng do khủng hoảng kinh tế và trong khủng hoảng, giá vàng sẽ tăng cao do đây là hầm trú ẩn an toàn về tài chính, nhất là trong bối cảnh địa chính trị bất ổn và lạm phát Mỹ tăng cao hiện nay.