Thị trường vàng vẫn đang trong trạng thái giằng co, mắc kẹt trong khoảng từ 2.040 - 2.050 USD/ounce trong bối cảnh giới đầu tư cố gắng dự đoán động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay giảm 0,14% xuống 2.042,72 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2024 trên sàn Comex New York giảm 0,01% xuống 2.049,6 USD/ounce.
Một số nhà phân tích cho rằng, với dữ liệu việc làm mới được công bố, tăng thêm 216.000 việc làm trong tháng 12/2023, cao hơn nhiều so với mức 170.000 việc làm được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo cùng với tiền lương tăng 0,4%, thì khó có khả năng để Fed sẵn sàng cắt giảm lãi suất ngay từ thời điểm đầu năm 2024.
"Báo cáo tích cực về thị trường lao động đã phần nào củng cố quan điểm Fed sẽ tiếp tục trì hoãn cắt giảm lãi suất. Điều mà nhiều nhà đầu tư đang tin rằng đang là động lực thúc đẩy thị trường trong thời gian vừa qua. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có những tín hiệu về suy giảm lạm phát trong các dữ liệu tiếp theo để mở ra cơ hội cắt giảm lãi suất trong quý II", chuyên gia phân tích thu nhập cố định tại TD Securities cho biết.
Trong khi đó, ông Philip Streible, Giám đốc chiến lược thị trường của Blue Line Futures vẫn tin tưởng lãi suất sẽ sớm được cắt giảm bởi những dấu hiệu bất thường trên thị trường lao động. Ông lưu ý rằng số liệu mới được Chính phủ công bố dường như chưa chính xác với thực trạng.
Streible còn đưa ra dự báo, nếu như lãi suất được cắt giảm vào tháng 3 thì vàng sẽ nhận được hỗ trợ lớn trên mức 2.000 USD/ounce. Tuy nhiên, để giá vàng có thể vượt qua 2.050 USD còn cần phải có thêm động lực.
Trong bối cảnh lạm phát đã giảm từ mức đỉnh của năm 2022, song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Fed vẫn còn rất nhiều việc phải làm mới có thể đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Đồng USD và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đều đạt mức cao nhất trong 3 tuần, và xác lập tuần tích cực nhất lần lượt kể từ tháng 7 và tháng 10. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng bị kìm hãm.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm 0,01% xuống 102,43 điểm. Kết thúc năm 2023, chỉ số đồng USD đã giảm 3,4%, mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 2020.
Tuy nhiên, đồng USD đã đồng hành cùng lợi suất trái phiếu kho bạc, trong đó lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm đã tăng 4% sau hai tuần. Điều này phần nào là động lực để chỉ số USD đạt đỉnh ở tuần ở 102,61 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay, ngày 8/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.933 đồng/USD, tăng 1 đồng so với phiên trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.737 - 25.129 đồng/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 24.160 đồng/USD (mua vào) và 24.530 đồng/USD (bán ra), giữ ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với phiên trước.
Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng niêm yết ở mức 71,5 - 74,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 500 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với phiên trước.
Chênh lệch giữa chiều mua và bán vẫn được giữ ở mức cao 3 triệu đồng/lượng cho thấy tâm lý e ngại rủi ro khi mua vào của các thương hiệu trước sự thay đổi của thị trường.
Chênh lệch giá vàng miếng SJC và vàng thế giới hiện đang ở mức hơn 13 triệu đồng/lượng.
Mới đây, nhằm chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp, bình ổn thị trường vàng, ngày 02/01/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định 02/QĐ-NHNN sửa đổi, bổ sung Quyết định 1623/QĐ-NHNN ngày 23/8/2012 về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN Việt Nam.
Quyết định 02/QĐ-NHNN sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thành phần tham gia Tổ giám sát gia công vàng miếng, và bổ sung trách nhiệm của một số đơn vị thuộc NHNN trong công tác tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN.
Cùng với đó, ban hành Quyết định thành lập Tổ giám sát gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước nhằm xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra công tác giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC của Tổ giám sát hoạt động gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước.