Nhà thầu Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang gặp khó trong thi công vì thời tiết thất thường và giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao |
Thắt ruột theo nhịp mưa rơi
Từ nhiều tuần nay, đối với ông Bùi Tư Thế (Công ty LHXD Vạn Cường), chỉ huy trưởng Gói thầu số 8, Dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020, thông tin mong đợi nhất là bản tin dự báo thời tiết của Đài truyền hình Thừa Thiên Huế.
“Trong hơn 20 năm làm nghề cầu đường, chưa bao giờ chúng tôi lại phấp phỏng chờ tin thời tiết như bây giờ. Hôm nào ti vi báo là ngày mai trời nắng là cả công trường sôi động hẳn lên, nhưng thời gian gần đây, thời tiết tại khu vực Thừa Thiên Huế diễn biến rất bất thường, nên số ngày vui trên công trường là không nhiều”, ông Thế cho biết.
Được biết, phân đoạn thi công của Công ty LHXD Vạn Cường chỉ kéo dài khoảng 800 m, nhưng do phải xử lý nền đất yếu nên đến giữa tháng 6/2022, đơn vị mới triển khai thi công lớp đất đắp nền đường có độ chặt K98. Ngoài ra, trên tuyến có tới 6 cống, 2 cầu nhỏ đan xen, nên nhà thầu rất cần thời tiết nắng ráo để thi công hoàn thiện nền đường trước khi chuyển sang thi công lớp cấp phối.
Tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến ngày 10/6/2022 đạt khoảng 23.544,32/57.075,32 tỷ đồng, tương đương 41,3% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 0,74% giá trị hợp đồng so với kế hoạch. Trong đó, 4 dự án hoàn thành năm 2022, sản lượng trung bình đạt 59,7% giá trị hợp đồng, chậm 1,7%; 4 dự án hoàn thành năm 2023, sản lượng trung bình đạt 39,7% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch; 2 dự án hoàn thành năm 2024, sản lượng trung bình đạt 10,2% giá trị hợp đồng, chậm 1,9%.
Trong suốt tháng 5 và nửa đầu tháng 6/2022, mặc dù đã huy động một lượng lớn thiết bị và nhân công túc trực 24/24 giờ trên công trường, nhưng số ngày thi công của Công ty LHXD Vạn Cường chỉ đếm trên đầu ngón tay do dính mưa, trong đó có nhiều trận mưa lút cả nền đường.
“Sau mỗi trận mưa, nhà thầu cần ít nhất 2 - 3 ngày nắng để chờ đất khô mới có thể tiến hành lu lèn nền đường. Thời tiết thực sự không thuận lợi khi cứ nắng được ít hôm lại dội trận mưa lớn. Đối với những đoạn bị ngập, để đảm bảo chất lượng công trình, chúng tôi phải cào bóc để thi công lại, vừa tốn kém, vừa mất rất nhiều thời gian”, ông Thế chia sẻ.
Được biết, việc thi công nền đường đang là đường găng tiến độ của Gói thầu số 8. Mặc dù nhà thầu đã rất nỗ lực, cố gắng, nhưng nếu thời tiết tiếp tục thất thường như hiện nay, việc kết thúc thi công nền đường trước ngày 10/7/2022 để chuyển giai đoạn là một thách thức rất lớn.
Khó khăn của nhà thầu thi công Gói thầu số 8 cũng là khó khăn chung của toàn Dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn, một trong 4 dự án thành phần được lãnh đạo Chính phủ yêu cầu hoàn thành trước ngày 31/12/2022.
Ông Lê Sáu, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, chủ đầu tư cũng đang trong tâm trạng phấp phỏng vì thời tiết. Năm nay thời tiết cực đoan nên dù vẫn đang trong giai đoạn mùa khô, nhưng tại khu vực Thừa Thiên Huế lại xuất hiện nhiều trận mưa lớn và kéo dài.
Bảng theo dõi thời tiết của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình giao thông 2 (đơn vị tư vấn giám sát Dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn) cho thấy, chỉ tính riêng tháng 5/2022, trên toàn công trường đã có tới 51/62 buổi (sáng và chiều) dính mưa. Điều đáng nói là, suốt từ tháng 4/2022 đến nay, khi toàn công trường đang trong giai đoạn nước rút, trên bảng thống kê thời tiết của đơn vị tư vấn, màu xanh (thể hiện cho ngày mưa) lấn át hoàn toàn màu vàng (thể hiện cho ngày nắng).
Trên thực tế, thời tiết đang là một thách thức lớn đối với công tác tổ chức thi công của cả 11 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020.
Theo thống kê của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), năm 2021, các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, địa bàn triển khai 6/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020, có khoảng 100 ngày mưa. Từ đầu năm 2022 đến nay, mưa lan sang cả các công trường tại Thanh Hóa, Nghệ An, trong đó từ tháng 4/2022 đến nay, mặc dù vẫn là mùa khô, nhưng đã có khoảng 20 đến 33 ngày mưa/tháng. Địa bàn tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai - nơi có lượng mưa ít, nhưng từ tháng 4/2022 đến nay đã có 26 ngày đến 30 ngày mưa.
Tại Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, phân đoạn được Bộ GTVT ghi nhận là có tiến độ thi công tốt nhất trên toàn tuyến, cũng đang gặp rắc rối lớn đối với vấn đề “mưa quá nhiều, nắng quá ít”.
Hiện nay, tại Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 có 3/5 gói thầu đang vượt kế hoạch đã đăng ký từ 0,4% đến 1,9% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, tiến độ triển khai thi công các lớp móng mặt đường gần đây bị ảnh hưởng do thời tiết không thuận lợi. Từ tháng 5/2022 đến nay, thời tiết khu vực miền Bắc diễn biến bất thường với số ngày mưa và lượng mưa lớn hơn trung bình nhiều năm. Riêng trong tháng 5/2022, địa bàn tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, nơi Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 đi qua, có tới 18 ngày mưa, ảnh hưởng rất lớn đến thi công.
“Nếu mưa tiếp tục kéo dài sang tháng 7/2022, thì quỹ thời gian dự phòng cho mục tiêu hoàn thành toàn bộ Dự án vào ngày 31/12/2022 sẽ cạn”, một lãnh đạo Ban điều hành Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 lo lắng.
Nhà thầu cần trợ lực
Ngoài thời tiết diễn biến bất thường, việc giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn tiếp tục là rào cản lớn tại Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020.
Cụ thể, biến động giá quá lớn giữa giá bỏ thầu và giá mua thực tế của tất cả các loại nhiên, nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là giá xăng dầu đã gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng; gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long - đơn vị được giao làm chủ đầu tư Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, công trình này được tổ chức lựa chọn nhà thầu vào thời điểm tháng 9/2020, đơn giá dự thầu được các nhà thầu lập tại thời điểm tháng 9/2020. Các gói thầu được ký hợp đồng từ ngày 28/9/2020 đến ngày 28/12/2020 và khởi công lần lượt từ ngày 30/9/2020 đến ngày 8/1/2021.
Kể từ thời điểm ký hợp đồng, bắt đầu triển khai thi công, giá các loại vật liệu, nhiên liệu chính của các gói thầu có biến động tăng lớn trong quá trình triển khai thi công, chi phí thực tế nhà thầu bỏ ra để mua vật liệu, nhiên liệu phục vụ thi công lớn hơn nhiều so với giá dự thầu và giá hợp đồng.
Theo quy định trong các hợp đồng xây lắp của dự án, các hạng mục công việc trong hợp đồng ban đầu được tính toán điều chỉnh giá theo phương pháp sử dụng hệ số điều chỉnh giá với nguồn cung cấp Chỉ số giá xây dựng do Sở Xây dựng Thanh Hóa công bố (trừ gói thầu số 10-XL sử dụng thêm cả Chỉ số giá xây dựng do Sở Xây dựng Ninh Bình công bố).
Tại dự án này, việc nhà thầu phải mua vật liệu, nhiên liệu trong quá trình thi công với giá cao hơn so với thời điểm ký hợp đồng sẽ được tính toán bù lại thông qua việc điều chỉnh giá hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay khi sử dụng Chỉ số giá xây dựng do Sở Xây dựng Thanh Hóa công bố để tính toán thì giá trị điều chỉnh giá được tính thấp hơn nhiều so với chênh lệch giữa giá vật liệu, nhiên liệu nhà thầu phải mua và giá vật liệu, nhiên liệu tại thời điểm đấu thầu, ký hợp đồng, gây rất nhiều khó khăn về tài chính cho các nhà thầu.
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Công ty Phúc Thành Hưng, doanh nghiệp thực hiện dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt, dự toán được chủ đầu tư xây dựng hồ sơ mời thầu lập từ cuối năm 2020 khi giá nhiên liệu, vật liệu đang rất thấp, trong đó giá dầu diesel ở mức 11.309 đồng/lít.
“Với mặt bằng giá hiện nay, nhiều nhà thầu đã phải bỏ gần như gấp đôi số tiền bỏ thầu để hoàn thành các khối lượng thi công, đặc biệt là các hạng mục có giá trị cao như bê tông nhựa, cầu vượt sông. Trong khi đó, đây là dự án PPP, việc điều chỉnh giá vật liệu chỉ gói gọn trong 3% dự phòng giá trị hợp đồng”, ông Việt cho biết.
Khó khăn về giá vật liệu càng lớn đối với 4 dự án hoàn thành năm 2022. Hiện nay các nhà thầu đang thi công lớp móng, mặt đường, cần phải huy động nguồn tài chính rất lớn, nhưng nhiều địa phương vẫn thực hiện công bố Chỉ số giá theo quý (đến nay mới công bố Chỉ số giá quý IV/2021 hoặc quý I/2022), dẫn đến việc điều chỉnh giá chưa kịp thời, nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng vì càng làm càng lỗ.
Liên quan đến biến động giá vật liệu, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ Xây dựng thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát, ban hành hướng dẫn việc thực hiện điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai. Tuy nhiên, do giá biến động quá lớn, việc điều chỉnh giá theo phương pháp sử dụng hệ số điều chỉnh giá với nguồn cung cấp Chỉ số giá xây dựng của các địa phương đã không còn phù hợp.
Hiện nhiều nhà thầu đã kiến nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng bộ chỉ số giá riêng cho các dự án cao tốc Bắc - Nam theo hướng chủ đầu tư được thuê đơn vị tư vấn để tính toán Chỉ số giá cho các gói thầu, đồng thời cho phép điều chỉnh quy định hợp đồng về nội dung sử dụng nguồn Chỉ số giá được xây dựng riêng cho dự án. Bên cạnh đó, cần tiến hành tách các hạng mục công việc sử dụng vật liệu có mức độ biến động giá lớn (như sắt thép, xăng dầu, xi măng, nhựa đường, cát, đá…) áp dụng công thức điều chỉnh giá riêng, các hạng mục còn lại áp dụng công thức điều chỉnh giá chung để phù hợp với tình hình biến động giá trong quá trình triển khai thi công.
“Đây là diễn biến thực tế trên công trường. Cả chủ đầu tư và nhà thầu đều rất quyết tâm hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra, nhưng nếu các cơ quan chức năng không kịp thời tháo gỡ vấn đề giá nguyên, nhiên, vật liệu, nguy cơ đơn vị thi công kiệt sức trong giai đoạn nước rút là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, một nhà thầu cho biết.