Thưa ông, đâu là những thách thức của lực lượng cảnh sát môi trường trong thời gian tới?
Trong những năm gần đây, môi trường nước ta chịu sự ảnh hưởng rất lớn của quá trình biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội. Các khu công nghiệp, khu đô thị, được hình thành nhanh chóng, quy hoạch không đồng bộ, làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng; chất thải từ sản xuất công nghiệp, rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều, trong khi công tác thu gom, xử lý chưa hiệu quả.
| ||
Thiếu tướng, PGS-TS Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường |
Rừng bị chặt phá, tài nguyên khoáng sản bị khai thác quá mức, làm cho nguồn nước bị suy giảm; đa dạng sinh học bị đe dọa, gây mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững của đất nước, đặt công tác bảo vệ môi trường của nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế trước những thách thức lớn.
Thưa ông, thời gian qua, những vi phạm về xả thải ra môi trường của doanh nghiệp không những không được hạn chế, mà ngày càng gia tăng. Ông có thể cho biết một số thủ đoạn, cách thức của nhóm đối tượng này?
Vi phạm trong lĩnh vực xử lý chất thải tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, các làng nghề, lưu vực sông, khu đô thị... diễn ra phổ biến, do các doanh nghiệp không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, không vận hành hoặc chỉ vận hành để đối phó với cơ quan chức năng khi có kiểm tra, xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường, vận chuyển chôn lấp chất thải không đúng quy định.
Thủ đoạn của các đối tượng là xây dựng hệ thống xả thải ngầm, thiết kế thêm hệ thống xả nước thải bí mật, xả vào đường thoát nước mưa, sử dụng máy bơm di động để bơm nước thải không qua xử lý ra môi trường. Đặc biệt, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải, nạo vét luồng lạch, mặc dù đã thu tiền của các doanh nghiệp, nhưng không thực hiện việc xử lý chất thải đúng quy định, mà vận chuyển đi đổ, xả trái phép, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.
Bên cạnh đó, tình trạng đổ trộm bùn đất, phế thải vật liệu xây dựng, chất thải hút từ hầm cầu bể phốt ra các khu đô thị mới, địa bàn giáp ranh, các tuyến đường vắng, sông, hồ, cống thoát nước; chất thải, nước thải của các trang trại chăn nuôi không được xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường vẫn thường xuyên xảy ra, gây bức xúc trong dư luận.
Kết quả kiểm tra tại nhiều doanh nghiệp cũng cho thấy, phần lớn doanh nghiệp không chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ mội trường, như không có hồ sơ, thủ tục công tác bảo vệ mội trường, không thực hiện nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt...
Ngoài xả thải, hoạt động phòng chống tội phạm về môi trường còn có những “điểm nóng” nào nữa, thưa ông?
Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, đó là tình trạng lợi dụng chính sách “tạm nhập tái xuất” hàng hóa thực phẩm để đưa hàng vào Việt Nam, sau đó tự ý tháo dỡ niêm phong đưa đi tiêu thụ trong nước; sử dụng nguyên liệu, các chất phụ gia, gia vị không rõ nguồn gốc, chất bị cấm để chế biến bảo quản thực phẩm; buôn bán vận chuyển hàng hóa thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận đảm bảo chất lượng…
Trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong quản lý, xử lý chất thải nguy hại vẫn diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương, như các hành vi thu gom, lưu giữ, tái chế trái phép dầu mỡ thải, ắc quy chì cũ, bụi lò, xỉ quặng.
Trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, bảo tồn thiên nhiên, đó là tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán, xuất khẩu trái phép khoáng sản (vàng sa khoáng, quặng titan, vonfram, đất, đá, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng...) ở các tỉnh Tây Bắc, miền Trung, khu vực Tây Nguyên, trên các tuyến sông Hồng, sông Đuống, sông Tiền, sông Hậu, sông Ba, sông Đáy...
Vi phạm các quy định về vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã, quý hiếm và các sản phẩm từ động vật hoang dã vẫn tiếp diễn, đặc biệt gần đây, đã phát hiện dấu hiệu đường dây mua bán, vận chuyển trái phép sừng tê giác từ nước ngoài về Việt Nam qua đường hàng không.
Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, các dự án thủy điện nhỏ và vừa được triển khai tràn lan nhưng do nhà đầu tư thiếu năng lực, dẫn đến hậu quả nhiều công trình bị bỏ dở, gây biến đổi dòng chảy, cạn kiệt nguồn nước ngầm, rừng bị hủy hoại, đất bị hoang hóa...
Trong quá trình đấu tranh với loại tội phạm này, lực lượng cảnh sát môi trường đối mặt với những khó khăn gì?
Hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Công tác bảo vệ môi trường bước đầu đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm hơn, nhưng kết quả công tác bảo vệ môi trường nói chung, công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường nói riêng còn rất hạn chế. Thậm chí, có nơi, đã có hiện tượng lợi dụng các cơ quan nước ngoài, cơ quan ngoại giao, tổ chức phi chính phủ, các hội nghề nghiệp, bằng các cách thức khác nhau để can thiệp, cản trở hoạt động của các lực lượng chức năng.
Bên cạnh nguyên nhân do cơ chế chính sách, pháp luật, có nguyên nhân do một số ít đơn vị và cán bộ, chiến sỹ chưa phát huy tốt vai trò chủ động, tích cực trong phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường. Lực lượng cảnh sát môi trường tại một số ít địa phương còn lúng túng trong công tác tổ chức phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm môi trường.
Công tác xây dựng lực lượng, hậu cần đảm bảo cho hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường đã có nhiều bước tiến quan trọng, nhưng so với yêu cầu của tình hình còn chưa đáp ứng được. Vi phạm pháp luật về môi trường diễn ra phức tạp, phổ biến trên nhiều địa bàn, lĩnh vực, nhưng còn một số đơn vị chưa thường xuyên bám sát địa bàn, quán xuyến tình hình. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhất là phương tiện, thiết bị kỹ thuật môi trường, mới đáp ứng một phần yêu cầu nhiệm vụ, việc sử dụng ở các địa phương chưa phát huy hiệu quả.
Tú ân