Ngân hàng - Bảo hiểm
Vì sao Đại sứ Mỹ lại đến thăm cửa hàng đầu tiên của 7-Eleven tại Việt Nam trước ngày khai trương?
Anh Hoa - 13/06/2017 17:23
Tuần qua, Đại sứ Ted Osius cùng bà Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Consul General Mary Tarnowka đã tới thăm cửa hàng 7-Eleven Việt Nam đầu tiên trước ngày khai trương để động viên các nhân viên ở đây và chào đón sự xuất hiện 7-Eleven tại TP.HCM.
Đại sứ Ted Osius cùng bà Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Consul General Mary Tarnowka chào đón sự xuất hiện 7-Eleven tại TP.HCM bằng 2 ly slurpee xoài và dâu tây là dòng nước giải khát mang thương hiệu riêng nổi tiếng thế giới của 7-Eleven.

Từ trước đến nay, khi nhắc đến 7-Eleven, nhiều người lầm tưởng chuỗi cửa hàng tiện ích 24/24 này có nguồn gốc từ Nhật Bản. Tuy nhiên, 7-Eleven lại được khai sinh ở Mỹ. Đó là lý do vì sao, Đại sứ Ted Osius chứ không phải là Đại sứ Nhật Bản là người đầu tiên đến thăm cửa hàng 7-Eleven sắp hai trương tại TP.HCM.

7-Eleven được thành lập từ năm 1927, xuất thân từ một công ty cung cấp đá để giữ nhiệt cho các đồ ăn tươi sống, có xuất xứ từ Mỹ. Công ty sau đó bắt đầu bán thêm sữa, bánh mì, trứng vào các ngày chủ nhật và buổi tối khi cửa hàng bán rau đóng cửa. Cách thức kinh doanh mới này đã khiến nhiều khách hàng hài lòng, và điều quan trọng là doanh thu tăng lên đáng kể. Cũng kể từ đó, các tiện ích về bán lẻ ra đời.

Cửa hàng tiện ích đầu tiên của công ty được biết đến có tên là Tote'm. Năm 1946, Tote'm trở thành 7-Eleven vì cửa hàng mở cửa từ 7h sáng và đóng cửa vào 11 giờ đêm, 7 ngày mỗi tuần. Tên công ty cũng đổi thành 7-Eleven vào năm 1999. Ngày nay, chuỗi cửa hàng 7-Eleven mở cửa 24/24 hiện trực thuộc tập Seven & I Holdings Co. của Nhật Bản và không thể phủ nhận, nó là cái tên dẫn đầu trong lĩnh vực cửa hàng tiện ích.

Với trụ sở chính nằm ở Tokyo (Nhật Bản), công ty hiện còn vận hành, franchise và cấp phép kinh doanh cho hơn 60.000 cửa hàng ở 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan, Indonesia, Canada, Philippines, Malaysia, Đài Loan, Hong Kong...

Riêng Nhật Bản có hơn 15.000 cửa hàng, trong khi Mỹ đứng thứ hai với 8.116 cửa hàng, theo sau là Thái Lan và Hàn Quốc với khoảng 7.000 cửa hàng mỗi nơi. Sự mở rộng và thâm nhập nhiều thị trường mới còn tiếp tục cho đến hôm nay.

Năm 2007, 7-Eleven còn vượt McDonald’s trở thành chuỗi có số lượng cửa hàng nhiều nhất thế giới. Thậm chí, tờ Huffington Post còn thống kê: Cứ khoảng hai tiếng, ở một nơi nào đó trên thế giới, lại có một cửa hàng 7-Eleven mới mọc lên.

Thành công của 7-Eleven có thể nằm ở 2 từ tiện lợi và linh hoạt. Không phải cửa hàng 7-Eleven  nào cũng giống nhau. Nếu như ở Mỹ, 7-Eleven hơi giống các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini khác, ngoại trừ việc họ có thứ đồ uống Slurpee tuyệt ngon thì ở những nơi khác, đặc biệt châu Á, 7-Eleven đã trở thành một phần của cuộc sống.

Ở Indonesia, 7-Eleven giống như một quán cà phê quen thuộc với 65% khách hàng dưới độ tuổi 30. Các cửa hàng cung cấp wifi miễn phí, bàn ghế để ngồi cả bên trong và bên ngoài, và thường có cả “nhạc sống”. Giới trẻ tụ tập hàng đêm, sau những giờ học và làm việc căng thẳng.

Với người Đài Loan, 7-Eleven thậm chí còn phổ biến hơn cả Starbucks với người Texas. Tại Đài Bắc, có 4.400 địa điểm cho một thành phố 23 triệu người, với nhiều phố thậm chí còn có trên hai cửa hàng.

Dù khởi nguồn tại Mỹ nhưng 7-Eleven lại đạt được thành công đặc biệt ở khu vực châu Á. Lý do vì 7-Eleven có những đối tác địa phương rất tuyệt vời, những người hiểu rất rõ thị trường địa phương và cách để thu hút người dân bản địa.

Hiện tại ở khu vực Đông Nam Á, 7-Eleven đã phủ sóng tới Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore và Indonesia và bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam trong tháng 6 này, với cửa hàng đầu tiên tại tầng trệt toà nhà Saigon Trade Center, số 37 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM .

Tin liên quan
Tin khác