Thời sự
Việc làm bền vững sẽ giảm đình công
Hải Hà - 31/05/2015 08:35
Đảm bảo điều kiện làm việc bền vững cho lao động sẽ giảm thiểu các cuộc đình công, là chìa khóa tạo động lực phát triển của doanh nghiệp.
Được ổn định việc làm và phúc lợi người lao động sẽ an tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Ảnh minh họa: NLD

Tại buổi tập huấn mới đây về tiêu chuẩn lao động quốc tế, tuân thủ pháp luật và thanh tra lao động, ông Rene Robert, chuyên gia về quản lý và thanh tra lao động, Nhóm hỗ trợ kỹ thuật về việc làm bền vững của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, tuân thủ kỷ luật tại nơi làm việc về cơ bản là trách nhiệm của người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít cuộc đình công không phải do người lao động thiếu kỷ luật, mà nguyên nhân bắt nguồn từ giới chủ sử dụng lao động.

Ngày 20/11/2014, hơn 300 công nhân Công ty TNHH MTV T.B.O Vina (sản xuất hàng may mặc, đường số 6, KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) đã tổ chức đình công, phản đối kịch liệt vì bị lãnh đạo công ty ứng xử tệ, đưa ra nhiều quy định ngặt nghèo, buộc công nhân phải thực hiện. Cụ thểù, Công ty chỉ cho phép công nhân đi vệ sinh 1 ngày 3 lần, nếu đi hơn 3 lần sẽ bị phạt bằng cách trừ vào các khoản thu nhập.

Gần đây nhất, hơn 600 công nhân phân xưởng may của Nhà máy Sản xuất giày da Tam Cường thuộc Công ty TNHH Đỉnh Vàng (Tam Cường, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đồng loạt đình công nhiều ngày. Nguyên nhân là bị khoán tăng số lượng sản phẩm, buộc các công nhân phải tăng ca làm thêm giờ để đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên thời gian làm tăng giờ không được Nhà máy cho bật thiết bị điện chiếu sáng.

Phân tích về khía cạnh luật pháp, chuyên gia ILO cho rằng, những vụ việc này xuất phát từ việc người lao động không được thực hiện thương lượng đầy đủ, minh bạch với chủ sử dụng lao động. Mặc dù theo quy định tại Điều 44, Bộ luật Lao động thì thoả ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động.

Ông Alain Pelcé, chuyên gia cao cấp ILO về tiêu chuẩn lao động quốc tế và pháp luật lao động cho rằng, trên thực tế, việc thương lượng ở Việt Nam chỉ mới được đưa vào luật mà chưa có tính hiệu lực. Công đoàn được đánh giá có vai trò chủ lực, kết nối giữa giới chủ sử dụng và người lao động. Tuy nhiên, theo thống kê từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khoảng 2/3 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 85% doanh nghiệp tư nhân không có tổ chức công đoàn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các cuộc đình công tự phát ngày càng tăng lên.

Thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2014, Bộ đã thực hiện 9.030 cuộc thanh tra, tiếp nhận 35.939 kiến nghị, ban hành 2.809 quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt là 13,17 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Lê Hữu Long, Phó chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, con số này là rất nhỏ so với yêu cầu thanh tra. Mỗi năm ngành mới chỉ thanh tra được khoảng 4.000 doanh nghiệp trong tổng số 500.000 doanh nghiệp của cả nước. 

Thực trạng này xuất phát từ việc số cán bộ thanh tra chỉ có 471 người. Trong khi đó, theo khuyến cáo của ILO, thì với các nước đang phát triển, cứ 15.000 - 20.000 lao động nên bố trí một thanh tra lao động. Như vậy, với khoảng 50 triệu lao động hiện nay thì tỷ lệ thanh tra viên/số lao động tại Việt Nam còn khá thấp so với khuyến cáo.

Theo luật pháp nhiều nước, thanh tra lao động có quyền tự do ra vào doanh nghiệp không cần báo trước và được áp dụng các biện pháp có hiệu lực tức thời trong trường hợp chủ sử dụng vi phạm nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe hoặc an toàn của người lao động. Thanh tra cũng có quyền yêu cầu người sử dụng lao động phải tuân thủ quy định pháp luật và thực hiện yêu cầu tại thời hạn nhất định.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, theo Luật Thanh tra, có 2 loại hình thanh tra: đột xuất và theo kế hoạch. Nếu thanh tra theo kế hoạch phải báo cho doanh nghiệp trước 7 ngày, còn thanh tra đột xuất phải báo trước 3 ngày. Tỷ lệ thanh tra đột xuất của Việt Nam chỉ chiếm 30-40% số cuộc thanh tra. “Điều này gây nghi ngại về tính hiệu quả của các cuộc thanh tra”, ông René Robert nói.

Để góp phần giải quyết tình trạng này, tại Việt Nam, ILO đang phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thực hiện dự án “Better Work” (Việc làm tốt), hướng tới đối tượng doanh nghiệp, nhằm giúp họ tạo ra việc làm bền vững cho người lao động. Qua đó giảm thiểu các cuộc đình công và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Kết quả thí điểm tại 350 nhà máy dệt may, da giày tại Việt Nam tham gia Better Work cho thấy, trong tổng số các doanh nghiệp thì 62% năng suất sản xuất tăng, 65% tổng doanh thu tăng, 75% số lượng đặt hàng từ những khách hàng chính tăng.

Dự kiến, dự án này sẽ tiếp tục được mở rộng với các doanh nghiệp khác ngoài dệt may và da giày trên cả nước.

Tin liên quan
Tin khác