Cam kết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Ngày 25/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Mitsubishi đã tổ chức Hội thảo Sáng kiến kinh doanh hướng tới xã hội tương lai tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều cải cách để thu hút đầu tư nước ngoài như hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư theo hướng thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo. |
Đồng thời ban hành các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt áp dụng cho các dự án quy mô lớn, có tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;
Tăng cường áp dụng thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đánh giá của các tổ chức quốc tế về những cải cách của Việt Nam đã được cải thiện. Cụ thể, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được ngân hàng thế giới tăng 20 bậc trong giai đoạn 2016-2020;
Tại bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới giai đoạn 2018-2020 Việt Nam tăng 10 bậc;
Tại Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2021 Việt Nam đã tăng 15 bậc so với năm 2016 và Việt Nam lần đầu tiên được UNCTAD đưa vào top 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới năm 2020.
Nói về quan hệ hợp tác Việt Nam và Nhật Bản, theo ông Tuấn, hai nước đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. Và năm 2023 sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kinh tế Việt Nam - Nhật Bản.
Và mặc dù nền kinh tế tại Nhật Bản còn nhiều khó khăn và bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19, nhưng đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn ngày càng tăng cao.
Tích lũy đến ngày 20/8/2022 Nhật Bản có 4.917 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 65 tỷ USD.
Nhật Bản cũng xếp thứ 3 sau Hàn Quốc (80,2 tỷ USD) và Singapore (70 tỷ USD) trong số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Riêng 8 tháng năm 2022, Nhật Bản đứng 3/94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD, sau Singapore (4,5 tỷ USD), Hàn Quốc 3,5 tỷ USD).
Về phía Việt Nam, theo Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, trong những năm gần đây, Việt Nam không chỉ là nơi sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản, mà còn là thị trường lớn để tiêu thụ các sản phẩm của Nhật Bản.
Do đó, Việt Nam mong muốn thời gian tới, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ nghiên cứu đưa bộ phận R&D của công ty mình về Việt Nam để cùng các kỹ sư đầu ngành của Việt Nam hợp tác phát triển, nghiên cứu ra sản phẩm vừa phù hợp các thị trường nước ngoài, vừa phù hợp thị hiếu của Việt Nam.
Việt Nam cam kết thực hiện các giải pháp đồng bộ để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp bằng các giải pháp như giữ vững ổn định chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thu hút đầu tư (đất đai, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, lao động chất lượng cao…).
Hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 phục hồi sản xuất kinh doanh (miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, chuyển đổi số, hỗ trợ lao động…
Phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường- chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ luôn chia sẻ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản tiến hành đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững, lâu dài tại Việt Nam", ông Tuấn nhấn mạnh.
Thoát khỏi tư duy có “ưu thế cạnh tranh về chi phí lao động”
Về phía Viện Nghiên cứu Mitsubishi (MRI), ông Ryosuke Ogata, Trưởng đại diện Văn phòng tại Hà Nội nói, 20 năm qua tăng trưởng của Nhật Bản hầu như không thay đổi trong khi đó thu nhập bình quân trên đầu người và quy mô kinh tế của Việt Nam đã tăng lên hơn 10 lần.
Tuy vậy, khi đầu tư vào Việt Nam, theo ông Ryosuke Ogata, các doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại về chi phí lao động tăng cao. Bên cạnh đó, việc khó dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Thái Lan và Indonesia sang Việt Nam cũng là khó khăn với doanh nghiệp Nhật Bản.
Do vậy, Trưởng đại diện Văn phòng MRI tại Hà Nội đề xuất xây dựng động lực tăng trưởng cho 20 năm tới của Việt Nam bằng cách tạo ra các ngành công nghệ mới giúp giải quyết thách thức của xã hội và Nhật Bản tham gia chủ đạo vào xu hướng này.
Đồng thời, tận dụng những kinh nghiệm từ các doanh nghiệp Nhật Bản và hiện thực hóa đầu tư chất lượng cao ở Việt Nam. “Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức lớn. Nổi cộm trong số đó là các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, môi trường, năng lượng và cơ sở hạ tầng giao thông. Tất cả những thách thức này đều có thể xem là những cơ hội kinh doanh mới”, ông Ryosuke Ogata cho biết.
Còn theo bà Noriko Kawamura, Trưởng bộ phận kinh doanh quốc tế, Bộ phận kinh doanh châu Á, dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính cũng như đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế Việt Nam không những không bị tăng trưởng âm mà còn duy trì mức tăng trưởng ổn định.
Đầu tư của khu vực tư nhân và đầu tư mở rộng bổ sung trong thời kỳ đại dịch Covid-19 tiếp tục gia tăng cho thấy dấu hiệu của sự tin tưởng đối với mở rộng đầu tư.
Cũng theo Trưởng bộ phận kinh doanh quốc tế, Bộ phận kinh doanh châu Á, Việt Nam cũng là điểm đầu tư hấp dẫn cho ngành sản xuất trong các nước ASEAN với lợi thế về chi phí lao động, lợi thế về khoảng cách với thị trường tiêu thụ và sản xuất lớn là Trung Quốc đồng thời có lợi thế về xuất khẩu thông qua các hiệp định FTA/EPA.
Tuy vậy, Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều hạn chế như lĩnh vực xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp, chủ yếu tập trung vào cơ sở lắp ráp và gia công.
Cụ thể, nếu xét về giá trị gia tăng thương mại thì ngành thương mại Trung Quốc có sản phẩm giá trị gia tăng nhiều hơn.
Thực tế nêu trên theo bà Noriko Kawamura, Việt Nam phải nhanh chóng vượt lên trước sự phát triển mạnh mẽ của các nước khác và thoát khỏi hình ảnh chỉ là nước lắp ráp, gia công.
Ngoài ra, Việt Nam cần tận dụng thách thức làm động cơ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Hiện Chính phủ Việt Nam coi trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và thực hiện nhiều chính sách, biện pháp nhưng đến hiện tại mới chỉ có 30% các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ đang cung cấp cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, để thoát khỏi tư duy có “ưu thế cạnh tranh về chi phí lao động” MRI kỳ vọng nền kinh tế trong nước sẽ được củng cố và cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa thông qua việc tăng cường các chứng năng hành chính bằng việc đảm bảo và mở rộng ngân sách và nguồn lực tài chính.
Để đưa Việt Nam trở thành một trung tâm tiêu thụ và cơ sở sản xuất giá trị gia tăng chất lượng cao trong tương lai MRI kỳ vọng Chính phủ Việt Nam thông qua tăng cường các chức năng hành chính của Chính phủ;
Đẩy nhanh hoàn thiện các cơ chế nền tảng, đẩy nhanh hoàn thiện môi trường kinh doanh, đẩy nhanh đào tạo nguồn nhân lực thông qua đầu tư mang tính trang và dài hạn, liên kết với các đối tác địa phương để định hình các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam, duy trì, mở rộng sự hiện diện của các doanh nghiệp Nhật Bản.