Đây là lần đầu tiên có sự kiện quy tụ đầy đủ các ngân hàng hàng đầu châu Âu như SEB, UBS, Blackrock, Commerzbank Switzerland, Standard Chartered, HSBC, EFG Bank để bàn về đầu tư và phát triển thị trường tài chính Việt Nam.
Ngoài ra, Tọa đàm còn có sự tham gia của nhiều chuyên gia nguyên là lãnh đạo các nước như cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt, cựu Phó thủ tướng Đức Philipp Rossler và nhiều nhà tài phiệt cũng như các công ty quản lý quỹ đầu tư.
Ông Don Lam phát biểu tại buổi toạ đàm (Ảnh: Nhật Bắc) |
Khai mạc Tọa đàm, ông Claudio Cisullo, Chủ tịch CIQ và là một trong 300 tỷ phú giàu nhất Thụy Sỹ cho biết, Việt Nam đang ở thời cơ tốt nhất để phát triển thị trường tài chính và hình thành một trung tâm tài chính quốc tế. Tất nhiên, đây không phải là việc có thể làm trong ngày một ngày hai mà cần sự nỗ lực và bền bỉ của cả Chính phủ cũng như giới doanh nghiệp. Là nước đi sau, Việt Nam có nhiều lợi thế khi có thể tránh khỏi sai lầm của những các nước khác nên có thể rút ngắn được thời gian đáng kể.
Hiện nay, rất nhiều công ty, tập đoàn đang hướng đến đầu tư ở Việt Nam bởi theo như lời Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, đây không phải chỉ là thị trường 100 triệu dân mà còn là điểm nối đến các thị trường lớn hơn như ASEAN với 600 triệu dân hay CPTPP với hơn 500 triệu dân. Với lợi thế đã hội nhập sâu rộng trong thương mại với 17 FTA đã ký, Việt Nam hoàn toàn có lợi thế khi tiếp tục hội nhập trong lĩnh vực tài chính với sự đồng hành cùng các nhà đầu tư quốc tế.
Rất nhiều ý kiến đã được đưa ra tại Tọa đàm để “hiến kế” cho Việt Nam phát triển trung tâm tài chính như cho phép ngân hàng nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào ngân hàng thương mại, phát triển mạnh mẽ hệ thống quỹ hưu trí, tăng cường sự tham gia của các công ty tài chính trong nước cả về chiều rộng và chiều sâu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo cơ chế thông thoáng về visa và ngoại hối. Với lợi thế là không trùng múi giờ với 21 trung tâm tài chính hiện hữu, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng xây dựng trung tâm tài chính tại TP. Hồ Chí Minh, nơi vốn đã là một cửa ngõ năng động không chỉ của Việt Nam mà của cả ASEAN.
Chia sẻ tại Tọa đàm, lãnh đạo các Bộ, ngành và TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ rất chân thành về những thách thức hiện nay của đất nước như thiếu kinh nghiệm thực tế, nguồn nhân lực còn hạn chế, hệ thống pháp lý chưa cập nhật, thu nhập trên đầu người chưa cao. Tuy nhiên, Việt Nam đã đặt quyết tâm phải xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2030 và đang từng bước hoàn thiện lộ trình cụ thể.
Ông Don Lam - Tổng giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital cho rằng, bên cạnh việc xây dựng chính sách, muốn phát triển thị trường tài chính thì không thể thiếu các nguồn lực từ cả trong nước và nước ngoài. Với lợi thế là nhà đầu tư quản lý quỹ đa ngành duy nhất tại Việt Nam, VinaCapital đã thiết lập hệ thống các đối tác rộng lớn tại khắp các châu lục và sẵn sàng huy động mọi nguồn lực để xây dựng trung tâm tài chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị thành lập Tổ tư vấn để các nhà đầu tư tài chính quốc tế chia sẻ kinh nghiệm trong từng lĩnh vực cụ thể cũng như đồng hành với các Bộ ngành định hình và từng bước xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Tổ tư vấn sẽ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phối hợp với Tiến sỹ Philipp Rossler, cố vấn cấp cao VinaCapital chủ trì hoạt động.
Sau Tọa đàm, nhiều ngân hàng và các công ty quản lý tài chính cho biết sẽ có kế hoạch đến thăm và khảo sát cụ thể tại Việt Nam để đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trên con đường phát triển trung tâm tài chính quốc tế.
Ông Don Lam cho biết thêm, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đón tiếp cả ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình vào năm ngoái - bằng chứng về vị thế của đất nước trong giai đoạn bất ổn địa chính trị này. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về việc tích cực tạo ra một môi trường tối ưu cho các nhà đầu tư nước ngoài, cho dù thông qua FDI hay FII, Việt Nam đang trở nên nổi bật như là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất không chỉ ở châu Á mà trên thế giới.