Để đạt mục tiêu trên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ sẽ tổ chức chiến dịch tiêm chủng quy mô quốc lớn nhất trong lịch sử tất cả các địa phương và các điểm tiêm ở tất cả các xã, phường.
Bộ trưởng Y tế cho biết, với mục tiêu tiêm vắc-xin cho khoảng 70 triệu người dân, Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021, đầu năm 2022 sẽ đạt miễn dịch cộng đồng. |
Theo đó, ngoài các điểm tiêm chủng đã triển khai lâu nay, chiến dịch sẽ có thêm các điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, trường học và một số khu vực khác để bảo đảm người dân được tiếp cận vắc-xin một cách thuận lợi nhất và dễ dàng nhất.
Là chiến dịch quy mô nhất, chiến dịch tiêm chủng lần này có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành và đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải cùng đồng hành với Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để bảo đảm an toàn tiêm chủng.
Tư lệnh ngành Y tế cho biết, hiện nay, nhiều nước đặt mục tiêu năm 2021 và năm 2022 có miễn dịch cộng đồng, còn Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021, đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng. Vì thế, việc quan trọng để đưa cuộc sống trở lại bình thường là phải tiêm cho ít nhất khoảng 70% dân số.
Chính vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ về việc mua 150 triệu liều vắc-xin và triển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc để làm sao bảo đảm khoảng 70 triệu người dân tiếp cận được vắc-xin.
Phân tích vai trò của vắc-xin với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng, PGS. TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, cũng như bất kỳ một loại vắc-xin nào, khi sử dụng sẽ xảy ra một số phản ứng nhất định bao gồm phản ứng thông thường để cơ thể đáp ứng sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh; và có thể gặp phản ứng nặng đe dọa sức khỏe và tính mạng người được tiêm chủng nếu không được xử trí kịp thời.
Cho đến nay, với hơn 1,5 triệu liều vắc-xin sử dụng Việt Nam đã ghi nhận số trường hợp phản ứng thông thường từ khoảng 14-20% tùy theo từng địa phương. Tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO.
Còn về hiệu quả bảo vệ với biến chủng mới, theo bà Hồng, vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay đều là vắc-xin mới. Do đó, theo các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất, việc theo dõi về hiệu quả và thời gian bảo vệ của vắc-xin vẫn đang được tiếp tục theo dõi và đánh giá. Một số nghiên cứu mới đây cho thấy vắc-xin Covid-19 vẫn có tác dụng phòng bệnh với một số biến chủng của virus SARS-CoV-2.
"Thực tế cho thấy các biến chủng của virus không thể ngay lập tức làm vô hiệu hóa hiệu quả của vắc-xin. Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khuyến cáo tiêm chủng vắc-xin là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả phòng, chống bệnh Covid-19", bà Hồng cho hay.
Vì thế, bà Hồng nhấn mạnh, vắc-xin phòng Covid-19 ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus giảm số trường hợp bị biến chứng do mắc bệnh và giảm số phải nhập viện điều trị và tử vong.
Vắc-xin phòng Covid-19 nói chung và vắc-xin Astra Zeneca nói riêng không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm mà còn giúp duy trì khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải do phải chăm sóc người bệnh nặng, đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và kinh tế phát triển.
Chung quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, vắc-xin là vũ khí hiệu quả và phòng chống bệnh truyền nhiễm một cách bền vững nhất. Bình thường sản xuất vắc-xin mất từ 4-5 năm, thậm chí 10 năm.
Riêng vắc-xin ngừa Covid-19 sản xuất chưa đầy một năm và được cấp phép sử dụng theo điều kiện khẩn cấp và các vắc-xin khác nhau có hiệu quả phòng bệnh khác nhau.
"Chúng ta chưa rõ tiêm xong bao lâu có hiệu quả phòng bệnh, chưa rõ việc hiệu quả ngăn cản quá trình lây lan dịch bệnh. Hiện nay, các nhà nghiên cứu mới chắc chắn giảm triệu chứng nặng và giảm tử vong. Do đó, người dân không được chủ quan, vẫn phải áp dụng 5K", ông Phu nhấn mạnh.
Để tạo được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần tiêm ít nhất cho khoảng 70% dân số. Khi tạo miễn dịch cộng đồng, lúc đó Việt Nam có thể không phải giãn cách xã hội.
“Chúng ta cố gắng tiêm nhanh và tiêm nhiều để đạt miễn dịch cộng đồng nhưng còn phụ thuộc vào vắc-xin mà chúng ta có (nguồn nhập khẩu hoặc sản xuất). Do vậy Việt Nam vẫn phải duy trì chiến lược: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả. Đồng thời, thực hiện thông điệp 5K+vắc-xin", ông Phu cho hay.