Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp triển khai xây dựng Hiệp định thương mại hợp tác mua bán than với Lào. |
Sáng 27/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản... bàn về việc hợp tác mua bán than với Lào.
Thời gian qua, các Tập đoàn, doanh nghiệp đã nỗ lực nhập khẩu than từ Lào về Việt Nam theo Hiệp định liên Chính phủ, chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên sản lượng nhập khẩu than đến nay vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng của hai nước.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hợp tác thương mại than giữa 2 nước theo tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, các đơn vị xây dựng Hiệp định hợp tác thương mại mua bán than với Lào.
Để có cơ sở xây dựng Hiệp định hợp tác, Bộ trưởng yêu cầu, các đơn vị chức năng, Tập đoàn, Tổng công ty có báo cáo đánh giá toàn diện về nhu cầu mua bán than giữa hai nước và các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện được thuận lợi, đúng quy định.
Nội dung Hiệp định tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: sản lượng nhập khẩu có thể điều chỉnh theo nhu cầu thực tế; phương thức mua bán, phân bổ số lượng nhập khẩu than từ Lào cho các Tập đoàn, Tổng công ty đầu mối.
Vụ Dầu khí và Than là đơn vị đầu mối chủ trì khẩn trương lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương liên quan để sớm hoàn thiện Dự thảo Hiệp định trình Chính phủ, đảm bảo chất lượng và tiến độ được giao
Dù Lào đang có trữ lượng than lớn mà Việt Nam có thể nhập về nhưng việc mua bán giữa hai bên vẫn còn những hạn chế. Vụ Dầu khí và Than cho biết, thời gian qua, hợp tác mua bán than với Lào vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng giao thông hạn chế, chi phí vận chuyển cao dẫn đến giá than nhập khẩu từ Lào cao, không đảm bảo tính cạnh tranh với giá than sản xuất trong nước hay than nhập khẩu từ các quốc gia khác….
Bộ Công Thương kỳ vọng, việc triển khai xây dựng Hiệp định thương mại hợp tác mua bán than với Lào là nhằm đảm bảo cho Việt Nam có nguồn cung than ổn định.
Hồi tháng 7 năm nay, Bộ Công Thương cùng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác lĩnh vực than trong 5 năm. Theo đó, Lào dự kiến xuất khẩu khoảng 20 triệu tấn than mỗi năm sang Việt Nam, tùy nhu cầu và điều kiện thực tế thị trường.
Để đảm bảo cung ứng đủ than cho sản xuất điện năm trong 2024, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than được giao chịu trách nhiệm thu xếp 74,307 triệu tấn than, trong đó, các nhà máy thiết kế sử dụng khoảng 26,1 triệu tấn than nhập khẩu.
Thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than các loại của Việt Nam trong năm 2023 là đạt hơn 51 triệu tấn, tương đương hơn 7,1 tỷ USD, tăng 61,4% về lượng và tăng 0,7% về trị giá so với năm 2022.
Trong đó, Australia là thị trường cung cấp than lớn nhất cho nước ta với lượng nhập khẩu đạt 19,9 triệu tấn (chiếm 38% tổng lượng nhập khẩu) với trị giá 3,3 tỷ USD, Indonesia là thị trường cung cấp than lớn thứ hai cho Việt Nam đạt khoảng 19,3 triệu tấn với kim ngạch khoảng 2,1 tỷ USD, thứ 3 là Nga với 4,4 triệu tấn, kim ngạch khoảng 847,6 triệu USD.
Trong giai đoạn 2025 - 2030, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu khoảng 60 - 100 triệu tấn/năm.