Thông tin trên được TS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết tại sự kiện giới thiệu phiên bản nâng cấp hệ thống giám sát và quản lý thông tin bệnh lao (VITIMES).
Việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc-xin M72 dự kiến vào đầu năm 2024, tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, song chưa rõ số lượng người tham gia.
Vắc-xin phòng lao mới này khác biệt hẳn với vắc-xin phòng lao hiện tiêm cho trẻ. Vắc-xin này áp dụng công nghệ ADN giống với nguyên lý của vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer.
Giới thiệu phiên bản nâng cấp hệ thống giám sát và quản lý thông tin bệnh lao (VITIMES) |
Vắc-xin lao tại Việt Nam hiện nay là BCG, chứa vi khuẩn gây bệnh lao ở dạng bất hoạt độc lực.
Theo TS. Đinh Văn Lượng, hiệu quả của các vắc-xin được sản xuất theo công nghệ mới thường rất cao. Thời gian nghiên cứu vắc-xin khoảng 4-7 năm.
WHO đánh giá lao là một vấn đề y tế nghiêm trọng trên thế giới, ước tính năm 2022 có 10,6 triệu ca mắc và 1,6 triệu người tử vong.
Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao, với 103.000 bệnh nhân lao năm 2022.
Công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19. Năm 2022, Chương trình chống lao Quốc gia phát hiện bệnh lao tăng gần 31% so với năm 2021.
Hệ thống VITIMES nâng cấp là một hệ thống thông tin điện tử toàn diện về bệnh lao, tích hợp đầy đủ các phân hệ, bao gồm các mô-đun dữ liệu, quản lý phát hiện và điều trị lao nhạy cảm, lao kháng thuốc và lao tiềm ẩn.
Hệ thống này sẽ góp phần làm giảm gánh nặng trong việc ghi nhận và báo cáo cho nhân viên y tế. Đồng thời cung cấp các báo cáo, phân tích dữ liệu giám sát bệnh lao, từ đó hỗ trợ các cấp đưa ra quyết định cho chương trình.
Với mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035. Hệ thống giám sát và quản lý thông tin bệnh lao phiên bản nâng cấp kỳ vọng sẽ góp phần củng cố dịch vụ điều trị và dự phòng lao tại Việt Nam trong những năm tiếp theo.