Đầu tư Phát triển bền vững
Việt Nam tiến gần đến việc vận hành thị trường carbon
Lê Duy Đạt - 12/10/2024 08:36
Sở hữu tiềm năng lớn trong cung ứng tín chỉ carbon, đặc biệt là ngành nông nghiệp, Việt Nam đang tích cực triển khai các bước cần thiết để sớm vận hành sàn giao dịch carbon.

“Tiền mọc ở trên cây”

Thị trường carbon trên thế giới có nguồn gốc từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997.

Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia phát thải ít hơn mục tiêu cam kết có thể bán lại quyền phát thải cho các quốc gia đang phát thải vượt quá mục tiêu đề ra. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là tín chỉ carbon. Hoạt động mua bán, trao đổi tín chỉ carbon (CO2) là cơ sở hình thành thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.

Là một trong những quốc gia đã ký Nghị định thư Kyoto, Việt Nam có lợi thế so với nhiều quốc gia khác về cung ứng tín chỉ carbon, khi sở hữu nền nông nghiệp phong phú.

Riêng trong mảng lâm nghiệp -  lĩnh vực duy nhất có khả năng phát thải ròng âm, theo thống kê, diện tích rừng hiện nay của Việt Nam là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng ở mức hơn 42%. Rừng Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.

Theo ước tính, nếu được quản lý và phát triển tốt, tín chỉ carbon rừng có thể mang lại hàng trăm triệu USD mỗi năm. Nguồn lợi này sẽ giúp mang lại nguồn thu lớn cho lâm nghiệp, giúp đầu tư vào bảo vệ rừng, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường.

Trong năm 2023, lần đầu tiên, Việt Nam đã thu được tiền từ hoạt động giảm phát thải của rừng. Thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam thành công chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon rừng (không phải tín chỉ carbon) khu vực Bắc Trung Bộ với mức giá 5 USD/tấn và đã nhận về đủ 51,5 triệu USD.

Hiện nay, số tiền này đang được giải ngân cho gần 70.000 người thụ hưởng và hỗ trợ các hoạt động sinh kế của cộng đồng địa phương theo kế hoạch chia sẻ lợi ích. Quỹ phát triển rừng đã tiếp nhận nguồn tiền từ WB và Việt Nam đã hoàn thành việc chi trả 77% số tiền này. Dự kiến trong năm 2024, việc chi trả sẽ được hoàn tất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đàm phán, ký kết Thỏa thuận mua bán giảm phát thải carbon rừng cho 11 tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ với Tổ chức Tăng cường Tài chính Lâm nghiệp (Emergent).

Theo nội dung ký kết, Việt Nam chuyển nhượng cho Emergent 5,15 triệu tấn carbon giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022 - 2026. Emergent sẽ thanh toán cho dịch vụ này với giá tối thiểu là 10 USD/tấn carbon, tương đương tổng giá trị là 51,5 triệu USD.

Nông nghiệp là ngành có khả năng tạo ra nhiều tín chỉ carbon.

Ngoài lĩnh vực lâm nghiệp, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng có tiềm năng thu được tín chỉ carbon qua hoạt động trồng lúa phát thải thấp. Với việc thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai mô hình trồng lúa bền vững trên một diện tích vô cùng lớn.

Trong mô hình này, người nông dân được hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật như giảm giống, giảm phân, áp dụng tưới ngập-khô xen kẽ..., từ đó ngành sản xuất lúa Việt Nam không chỉ giảm chi phí, tăng năng suất, tăng lợi nhuận mà còn giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra thêm tín chỉ carbon.

Theo công bố của PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường: “Hiện nay lúa đang phát thải 90% qua rễ, 9% qua thân và 1% qua lá. Chính vì vậy, khi áp dụng các phương pháp canh tác mới là canh tác ngập khô, ướt khô sẽ giúp giảm được phát thải metan đối với lúa và có thể tạo ra được tín chỉ carbon”.

Các mô hình thí điểm trong đề án trồng lúa giảm phát thải đã được triển khai tại 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Cần Thơ; bước đầu đem lại những hiệu quả tích cực.

Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đang thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) để hoàn chỉnh các thủ tục liên quan đến việc chi trả thí điểm cho người nông dân, từ đó, xây dựng cơ chế chi trả trình Chính phủ phê duyệt. 

Dự kiến, vụ hè thu 2025 hoặc đông xuân 2025-2026 có thể chi trả thí điểm tiền tín chỉ carbon cho các mô hình. Nguồn tiền chi trả từ Quỹ TCAF khoảng 20 triệu USD.

Thực trạng hoạt động trao đổi tín chỉ carbon tại Việt Nam

Dù Việt Nam chưa hình thành thị trường carbon một cách chính thức, nhưng các hoạt động liên quan đến mua bán, trao đổi tín chỉ carbon đã diễn ra vô cùng sôi động trong thời gian qua. Việc trao đổi tín chỉ carbon ra thế giới đã được doanh nghiệp Việt Nam thực hiện từ những năm 2000 khi triển khai các chương trình, dự án theo Cơ chế Phát triển sạch (CDM).

Cơ chế Phát triển sạch (Clean Development Mechanism - CDM) là một cơ chế được thiết lập theo Nghị định thư Kyoto, cho phép các nước phát triển đầu tư vào các dự án giảm phát thải khí nhà kính tại các nước đang phát triển. CDM nhằm mục đích đạt được các mục tiêu giảm phát thải của các nước phát triển trong khi vẫn hỗ trợ phát triển bền vững ở các nước đang phát triển.

Đến nay, đã có hơn 300 chương trình đăng ký tham gia theo cơ chế CDM, trong đó có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ và trao đổi trên thị trường carbon thế giới, đưa Việt Nam là một trong 4 nước có dự án CDM đăng ký nhiều nhất, sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ.

Riêng tín chỉ thu được từ các chương trình, dự án theo cơ chế CDM, Việt Nam đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ. Các dự án đã được cấp tín chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm năng lượng, ông Cường cho biết thêm.

Hiện tại, Việt Nam đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý để hình thành sàn giao dịch carbon.

Theo kế hoạch, sàn giao dịch carbon tại Việt Nam sẽ hoạt động thử nghiệm vào năm 2025, sau đó chính thức hoạt động vào năm 2028. Trong giai đoạn năm 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc; chưa bán tín chỉ carbon ra nước ngoài; chưa quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới (trừ những hoạt động trao đổi tín chỉ carbon theo những thoả thuận quốc tế).

Từ năm 2029, Việt Nam sẽ nghiên cứu khả năng kết nối thị trường carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới. Từ sau 2030, sàn giao dịch carbon Việt Nam sẽ mở rộng kết nối với thị trường carbon trong khu vực và trên thế giới.

Lộ trình thực hiện sàn giao dịch carbon tại Việt Nam. Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Để chuẩn bị cho việc vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon vào năm 2025, ngày 13/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg, ban hành danh mục cập nhật các lĩnh vực, các công ty, tổ chức phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/10/2024, nêu rõ 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê. Các lĩnh vực này gồm: năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; các quá trình công nghiệp; chất thải; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất.

Trong đó, có 1.805 cơ sở thuộc ngành công thương; 75 cơ sở thuộc ngành giao thông vận tải; 229 cơ sở thuộc ngành xây dựng và 57 cơ sở thuộc ngành tài nguyên và môi trường.

Các cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục của bộ, ngành nào sẽ thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở và nộp báo cáo kiểm kê theo hướng dẫn của các Bộ, ngành đó.

Thông tin từ Cục Biến đổi khí hậu (Bộ tài nguyên và Môi trường) cũng cho biết trong giai đoạn vận hành thí điểm, chỉ có các cơ sở phát thải lớn được đưa vào thị trường carbon (khoảng 150 doanh nghiệp), thuộc các lĩnh vực sản xuất sắt, thép, xi măng, nhiệt điện. Hạn ngạch sẽ được phân bổ 100% miễn phí trong giai đoạn thí điểm thị trường carbon. Ngoài ra, doanh nghiệp được sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ cho hạn ngạch, nhưng tỷ lệ tối đa tín chỉ carbon dùng để bù trừ là 10%.

Ở thời điểm hiện tại, mặc dù các chính sách pháp lý về tín chỉ carbon còn chậm, nhưng giới chuyên gia đều hy vọng Việt Nam sẽ làm “chậm” mà “chắc”, để nguồn tài chính liên quan đến giảm phát thải giữ lại trong nước và không bị thất thoát khi tham gia vào cơ chế tín chỉ carbon.

Tin liên quan
Tin khác